Lưu ký chứng khoán là một hoạt động quan trọng tạo ra hàng hóa gốc cho thị trường thứ cấp. Nghiệp vụ này được thực hiện bởi Trung tâm Lưu ký Chứng khoán – VSD. Bài viết này nhằm giúp bạn đọc hiểu được nghiệp vụ lưu ký chứng khoán là gì? Nó được thực hiện ra sao? Và hoạt động này đóng vai trò như thế nào trong thị trường chứng khoán Việt Nam.
Khái niệm
Lưu ký là một từ có nguồn gốc từ tiếng Anh – Depository. Cấu tạo từ Lưu – Lưu giữ và Ký – Ký gửi. Lưu ký được hiểu là là việc ký gửi một tài sản hay hàng hóa cho một tổ chức hoặc cá nhân chuyên làm công việc lưu giữ và phải trả phí.
Trên cơ sở đó, Lưu ký chứng khoán được hiểu là hoạt động mà các doanh nghiệp đại chúng ký gửi số chứng khoán của họ cho một tổ chức để được lưu giữ. Tổ chức đó là Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) thuộc UBCKNN. Và đại diện đứng ra ký gửi chính là Hội đồng quản trị của công ty đại chúng. Để được lưu ký thì công ty đại chúng phải có mã chứng khoán đang được VSD quản lý và phải tiến hành thủ tục với Trung tâm.
Ảnh: VSD thông báo cấp giấy chứng nhận chứng khoán lần đầu cho một công ty đại chúng
Chứng khoán chưa lưu ký là gì?
Giấy chứng nhận sở hữu cổ phần hay còn gọi là Sổ cổ đông, là một giấy tờ do công ty cổ phần tạo ra để chứng nhận phần vốn góp của các cổ đông cấu thành nên vốn điều lệ của công ty. Theo luật thì khi công ty cổ phần chưa phải là công ty đại chúng thì việc mua bán trao đổi quyền sở hữu cổ phần sẽ do Hội đồng quản trị của công ty đó quản lý và phải có báo cáo cho Sở Kế hoạch Đầu tư.
Ảnh: Mẫu Giấy chứng nhận sở hữu cổ phần của VN Airline (Sổ cổ đông)
Cách thức mua bán trong thời kỳ này là hai bên thỏa thuận về giá chuyển nhượng và phương thức thanh toán và tiến hành ký kết Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần. Sau đó 2 bên cùng ra Công ty cổ phần đó để HĐQT chứng nhận việc sang nhượng số cổ phần đó.
Chứng khoán chưa lưu ký được hiểu là trạng thái của cổ phần của công ty đang tồn tại dưới dạng Giấy chứng nhận sở hữu cổ phần. Loại chứng khoán chưa lưu ký này sử dụng để chứng thực quyền sở hữu của cổ đông và có thể trao đổi mua bán trong trường hợp công ty đó chưa phải là công ty đại chúng hoặc đã là công ty đại chúng nhưng chưa niêm yết. Trong trường hợp đã trở thành công ty niêm yết, tức đã có mã chứng khoán thì Giấy chứng nhận sở hữu cổ phần đó sẽ không mua bán được. Nếu bạn đang nắm giữ chúng và muốn bán thì phải mở một tài khoản tại công ty chứng khoán (viết tắt: CTCK). Tiếp theo bạn gửi Giấy chứng nhận đó cho CTCK để chuyển tiếp lên VSD để được lưu ký, niêm yết lên sàn và giao dịch như chúng ta vẫn thấy hàng ngày.
Chứng khoán đã lưu ký là gì?
Chứng khoán đã lưu ký là loại chứng khoán ở trạng thái đã được đăng ký lưu trữ ở VSD. Đây chính là số chứng khoán đang lưu hành trên sàn (HOSE, HNX hoặc UPCOM) mà các nhà đầu tư giao dịch hằng ngày thông qua các tài khoản chứng khoán được mở tại các CTCK.
Khi chứng khoán ở trạng thái “đã lưu ký” thì các quyền như: Họp đại hội cổ đông, quyền chia cổ tức, … sẽ được tiến hành thực hiện thông qua VSD và chia nhỏ ra các CTCK để đảm bảo quyền lợi cho các cổ đông.
Lưu ý: Chứng khoán đã lưu ký + Chứng khoán chưa được lưu ký = Tổng lượng chứng khoán đang niêm yết
Vai trò của hoạt động lưu ký chứng khoán
Lưu ký chứng khoán là một nghiệp vụ căn bản và cực kỳ quan trọng. Đây là quá trình tạo ra hàng hóa cho thị trường chứng khoán thứ cấp và góp phần tạo nên tính nhất quán trong thị trường bởi được quản lý bởi cơ quan quản lý nhà nước.
Khi các công ty bắt đầu niêm yết thì phải ký một Hợp đồng Ủy quyền quản lý cổ đông cho VSD, trong đó bao gồm toàn bộ danh sách chi tiết các cổ đông hiện tại của công ty. Lúc này VSD đã nắm toàn bộ thông tin của các cổ đông của công ty đó nhưng cổ phiếu của họ vẫn ở dạng chứng khoán chưa lưu ký. Nếu cổ đông muốn giao dịch số chứng khoán đó thì cần làm một số việc như sau:
- Nhận sổ cổ đông từ công ty (liên hệ trực tiếp hoặc qua CTCK được ủy quyền, mang theo CMND/CCCD để xác nhận)
- Mở một tài khoản chứng khoán tại một CTCK bất kỳ.
- Đưa sổ cổ đông để bên CTCK kiểm tra thông tin. Nếu thông tin hợp lệ, bên CTCK sẽ lập phiếu gửi chứng khoán và họ sẽ giữ lại Sổ cổ đông, còn bạn sẽ mang phiếu gửi chứng khoán có cả chữ ký 2 bên về.
- CTCK tiến hành nộp hồ sơ Tái lưu ký chứng khoán lên VSD
- VSD phê duyệt, thông báo lại cho bên CTCK đồng thời gửi Giấy chứng nhận sở hữu cổ phần trở về công ty mới niêm yết kia nhằm thông báo vừa có một cổ đông mới hoàn tất thủ tục chuyển chứng khoán chưa lưu ký thành chứng khoán đã lưu ký.
- CTCK chuyển số chứng khoán đã lưu ký vào tài khoản của khách hàng và thông báo cho họ. Từ thời điểm này, nhà đầu tư có thể giao dịch số chứng khoán đó trên sàn như bình thường. Sẽ mất khoảng 1 tuần cho toàn bộ quá trình này.
Phí lưu ký
Như đã đề cập ở các phần trên, chứng khoán chưa lưu ký được quản lý trực tiếp bởi chính công ty đại chúng nên sẽ không phát sinh bất kỳ khoản phí nào. Còn chứng khoán đã lưu ký lại được quản lý và giám sát liên tục bởi CTCK và cao hơn là VSD. Chính vì vậy sẽ phát sinh một khoản phí để VSD duy trì hoạt động, loại phí này được gọi là Phí lưu ký chứng khoán.
Phí lưu ký sẽ có một số đặc điểm cần lưu ý:
- Phí lưu ký được thu bởi VSD thông qua hệ thống CTCK. Phí này được tính vào mỗi giao dịch mua hoặc bán của khách hàng, công ty chứng khoán đóng vai trò “thu hộ” chứ không được hưởng gì cả.
- Phí lưu ký chỉ thu trên số cổ phần hoặc trái phiếu đã lưu ký. Nếu bạn là cổ đông đang nắm giữ số lượng lớn loại cổ phiếu chưa lưu ký và chưa có nhu cầu bán ( thường là cổ đông chiến lược, cổ đông nhà nước, cổ đông nội bộ hoặc cổ đông lớn) thì không cần phải lưu ký. Lý do đơn giản là không phải chịu phí và nếu có nhu cầu bán thì thủ tục đăng ký lưu ký cũng nhanh và đơn giản.
- Phí lưu ký bản chất là một loại phí bảo hiểm tài sản. Đây là nguồn kinh phí để VSD duy trì hoạt động kiểm tra rà soát các CTCK hàng ngày để đảm bảo các công ty này tuân thủ đúng luật. Tại trung tâm lưu ký có back-up sẵn một server (máy chủ) phụ để đề phòng rủi ro ngoài ý muốn. Thậm chí nếu các công ty gặp sự cố và mất hết dữ liệu thì VSD cũng ngay lập tức có thể cung cấp lại dữ liệu đầy đủ. Cách hoạt động theo nguyên tắc đối soát ngược giữa VSD và các CTCK giúp đảm bảo sự minh bạch đối với tài khoản chứng khoán của bạn. Chỉ cần bạn mua hết tiền trong tài khoản chứng khoán của mình thì sẽ không có khả năng trục lợi xảy ra.
- Phí lưu ký là một loại phí phụ trong các loại phí thuế, phí này khá thấp, chỉ 0.027đ/cổ phiếu/tháng. Loại phí này tính theo số lượng chứng khoán chứ không tính theo giá trị giao dịch.
Trên đây là toàn bộ bài viết trình bày về Hoạt động lưu ký chứng khoán và các vấn đề liên quan. Nếu bạn có vấn đề gì cần hỗ trợ giải đáp thì có thể liên hệ mình hoặc để lại lời nhắn bên dưới. Mình sẽ liên hệ để hỗ trợ.
Bài viết liên quan:
- Phí giao dịch chứng khoán và các loại thuế chứng khoán.
- Phí lưu ký chứng khoán và cách tính.
- Thị trường chứng khoán sơ cấp và thứ cấp.
Có thể bạn quan tâm:
- Hướng dẫn cách mở một tài khoản chứng khoán hợp lệ
- Nên mở tài khoản chứng khoán ở đâu tốt nhất?
- Hướng dẫn quản lý danh mục đầu tư chứng khoán
jQuery(document).ready(function($) {
$.post(‘https://thuvienchungkhoan.vn/wp-admin/admin-ajax.php’, {action: ‘wpt_view_count’, id: ‘2193’});
});