P/B là gì? Ý nghĩa của chỉ số P/B Update 01/2025

Nội dung trang

P/B là gì? Ý nghĩa của chỉ số P/B

P/B là gì?

P/B là viết tắt của Price to Book Value Ratio. P/B thể hiện giá trị  của cổ phiếu gấp bao nhiêu lần tài sản ròng của doanh nghiệp.

P/B là một chỉ số tài chính quan trọng trong phân tích cơ bản để định giá cổ phiếu.

  • Công thức: P/B = Giá thị trường CP/ Giá trị sổ sách CP = Vốn hóa công ty/ Vốn chủ sở hữu

Ý nghĩa của chỉ số P/B

Chỉ số P/B cho biết: Giá cổ phiếu đang cao gấp bao nhiêu lần so với giá trị ghi sổ của doanh nghiệp?

  • Chỉ số P/B ở mức cao.
    Điều này chỉ ra rằng thị trường đang kỳ vọng về triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp trong tương lai rất tốt. Vì thế các nhà đầu tư sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho giá trị ghi sổ của doanh nghiệp.
    Tuy nhiên, bạn cũng cần chú ý đến nợ phải trả (đặc biệt là nợ vay) của doanh nghiệp có ở mức cao hay không?
  • Chỉ số P/B ở mức thấp:
    Có thể nhà đầu tư đánh giá Giá trị thị trường của doanh nghiệp thực tế thấp hơn nhiều so với Giá trị ghi sổ. Vì thế, họ chỉ chấp nhận 1 mức giá thấp hơn cho giá trị sổ sách.

    Hoặc, doanh nghiệp đang trong giai đoạn hồi phục (của một chu kỳ kinh doanh), kết quả kinh doanh dần cải thiện, lợi nhuận gia tăng, giúp giá trị sổ sách tăng lên. Trong trường hợp này, có thể nói cổ phiếu đang bị định giá thấp và là cơ hội để chúng ta mua vào.

Muốn biết liệu cổ phiếu đó có đang bị định giá thấp hay không, NĐT cần so sánh chỉ số P/B với đối thủ cạnh tranh và so với mức P/B trung bình ngành.

Ưu và nhược điểm hệ số P/B

  • Ưu điểm:
    Giá trị ghi sổ thường luôn dương, nên có thể áp dụng để định giá những doanh nghiệp thua lỗ.
    Giá trị ghi sổ thường ổn định hơn EPS. Do đó, trong nhiều trường hợp, khi EPS biến động quá lớn, thì việc áp dụng P/B để xem xét sẽ hiệu quả hơn.

  • Nhược điểm:
    – Chỉ số P/B chỉ phản ánh giá trị tài sản hữu hình của doanh nghiệp. Chỉ số không tính đến các tài sản vô hình như: thương hiệu, nhãn hiệu, uy tín, bằng sáng chế và các tài sản trí tuệ khác…

    – Giá trị ghi sổ có thể không phản ánh đúng giá trị thị trường của tài sản.

    Ví dụ doanh nghiệp sở hữu 1 mảnh đất từ 5 năm trước. Hiện tại giá trị mảnh đất đã tăng gấp nhiều lần trước đây. Tuy nhiên, bảng cân đối kế toán sẽ chỉ thể hiện “giá gốc ban đầu” của mảnh đất mà thôi.

    Hay một dây chuyền sản xuất đã hết khấu hao nhưng vẫn được sử dụng, hoạt động bình thường.

    Như vậy, trong nhiều trường hợp, chúng ta sẽ dễ bị “đánh lừa” nếu chỉ sử dụng duy nhất chỉ số P/B để đánh giá.

Mối quan hệ giữa P/B và ROE

Damodaran là giáo sư Tài chính tại Trường Kinh doanh Stern (Đại học New York). Ông giảng dạy về tài chính doanh nghiệp và định giá cổ phần.

Các nghiên cứu của ông chỉ ra rằng: 

“Yếu tố ảnh hưởng nhất đến chỉ số P/B là tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE).
Các doanh nghiệp có ROE càng cao, thì P/B càng lớn”.

Các nhà đầu tư sẽ quan tâm đến các doanh nghiệp có tỷ suất ROE cao và chỉ số P/B còn đang thấp so với mặt bằng chung của ngành để tìm kiếm những cơ hội đầu tư.

Khi đó, cổ phiếu tốt là những cổ phiếu có mức ROE tương đương với những doanh nghiệp khác nhưng có chỉ số P/B thấp hơn (rẻ hơn).