*
*

“Đức Phật dạy những gì, có thể dùng vài từ ngắn gọn để nói được không?”. Tất nhiên là có thể: Phật dạy “Khổ và thoát khổ”, “Bốn sự thật”, “Tám vạn bốn ngàn pháp môn”, “Hành thiện, không hành ác, thanh lọc tâm” v.v.. Và “Vô vi và hữu vi” là cách bài viết này xin chọn để trả lời câu hỏi trên.

Bạn đang xem: Vô vi là gì

“Hướng tâm về cội nguồn vô tướng (như lý tác ý)” vừa mới được chọn đăng có dùng nhiều từ tướng và vô tướng. Pháp hữu vi và vô vi là một cách nói khác thay cho tướng và vô tướng. Vì vậy, bài này trích tuyển một số pháp thoại về pháp vô vi và pháp hữu vi của hai vị thiền sư thuộc dòng thiền Forest Tradition ở Thái lan là Ajahn Chah và người đệ tử phương Tây đầu tiên của ngài là Ajahn Sumedho. 

Trước tiên xin mở đầu với vài dòng dài dẫn nhập.

“Các pháp hữu-vi thật không bền vững. Nó có tánh sanh diệt là thường vì nhân sanh rồi diệt, diệt rồi sanh, nên thường hay có sự khổ-não,. Chỉ có Niết-Bàn là pháp tịch diệt, dứt cả pháp hữu-vi ấy được, mới có sự an vui tuyệt đối”.

Câu kinh nhật tụng này đã nói lên khái quát giáo pháp về hai sự thật của Đức Phật. Một hữu vi tương đối, do nhân duyên kết hợp, một vô vi tuyệt đối, không có nhân duyên. Tương đối vì vô thường, sanh diệt, tuyệt đối vì thường hằng, không sanh không diệt. Hai sự thật này có mặt ở khắp mọi nơi, ngay cả trong tấm thân dài một trượng này. Ở đâu chẳng là không gian và vật thể, ở đâu chẳng là tĩnh lặng và âm thanh. Lúc nào không sáng ngời ánh đuốc nếu nghe lời Phật đã tự mình thắp lên. Ánh sáng của ngọn đuốc chính là ánh sáng vô vi như không gian và tĩnh lặng và những gì xuất hiện trong ánh sáng đó là những pháp thuộc hữu vi: lục trần, lục căn, lục thức. Mười tám giới này cũng giống như vật thể và âm thanh hiện biến giữa ánh sáng nhận biết, vốn thuần khiết, an tịnh như hư không. Ngọn đuốc đó cũng là ý nghĩa của hòn đảo trong một Phật ngôn ai cũng biết:

“Hãy sống tự mình làm hòn đảo cho chính mình, này các Tỷ-kheo, hãy nương tựa nơi chính mình, không nương tựa một ai khác. Hãy lấy pháp làm hòn đảo, hãy lấy pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một điều gì khác.”

Hòn đảo để nương tựa, pháp để nương tựa ở đây chính là Chánh niệm hay Tánh giác vô vi (unconditioned awareness). “Ai khác” không có nghĩa là người khác mà chính là thân tâm hữu vi này vì nó “không phải là ta, không phải của ta”. Nếu đồng hóa với cái ta hữu vi do nhân duyên kết hợp này là đã đặt lầm nơi nương tựa. Nói khác hơn là hãy nhận ra pháp vô vi đã có sẵn và nương tựa vào đó như một thành lũy an toàn giữa tám ngọn gió đời hữu vi điên đảo.

Xin cảm hứng ý này với vài câu kệ:

Ta về nương tựa chính taHư hư tánh giác bao la vô hìnhKhông ai mới thực là mìnhVô vi hòn đảo rỗng tình mênh mông

Pháp hữu vi và pháp vô vi tồn tại trong nhau giống như bùn và sen. Câu “phiền não tức bồ đề” hay “phật pháp bất ly thế gian giác” cũng muốn chỉ sự không tách rời này. Khi buông bỏ được hữu vi thì vô vi sẽ xuất hiện. Như một trang giấy đầy chữ, xóa được một chữ là một khoảng trống hiện ra, xóa nhiều chữ thì khoảng trống rộng hơn, xóa hết chữ thì trang giấy sẽ hoàn toàn trắng.

Bậc trí theo tuần tự

Từng sát na trừ dầnNhư thợ vàng lọc bụiTrừ cấu uế nơi mình(Pháp cú 239)

Có người nói “Sự đơn giản là điều phức tạp nhất trên đời” (Simplicity is the most complicated thing to achieve). Cứ thử hướng mắt vào không gian, đừng nhìn vào vật này vật kia theo thói quen “xuôi dòng” xưa cũ, quan sát sự “giãy giụa” khi được đưa về sự đơn giản, bình thường và trong sạch vốn có của nó, ta sẽ hiểu sâu hơn lời Phật:

Như cá quăng trên bờVất ra ngoài thủy giớiTâm này vũng vẫy mạnhHãy đoạn thế lực ma.(Pháp cú 34)

Chúng ta có mặt trên đời này là do sự dính mắc đã quá lâu nhưng đồng thời cũng chính là cơ hội vàng để thoát ra sự dính mắc đó, nhờ nghe được “phật pháp nan văn”. Thoát ra được trói buộc của chấp thủ không phải là chuyện dễ nhưng cũng không phải là bất khả thi vì đã từng có biết bao người “vượt ngục”.

Dù biết pháp hữu vi có bản chất vô thường, bất toại nguyện nhưng chúng ta vẫn bị “sập bẫy” là do niềm vui hời hợt của “lạc nhỏ” từ chúng mang lại. Từ bỏ được lạc nhỏ thì sẽ hưởng được lạc lớn hơn do sự có mặt của pháp vô vi.

Nhờ từ bỏ lạc nhỏ, Thấy được lạc lớn hơn, Bậc trí bỏ lạc nhỏ, Thấy được lạc lớn hơn. (Kinh Pháp Cú 290)

Hay nói như thiền sư Achan Chah:

“Buông bỏ ít, hạnh phúc ít. Buông bỏ nhiều, hạnh phúc nhiều. Buông bỏ hoàn toàn, hạnh phúc hoàn toàn.” (Letting go a little brings little peace. Letting go a lot brings a lot of peace. Letting go completely brings complete peace). Buông bỏ là không nắm giữ, không dính mắc vào pháp hữu vi. Hạnh phúc là kết quả của sự không chấp thủ đó. Người khéo tu là người học được nghệ thuật buông bỏ hay phá chấp, nhất là chấp vào tầm thân ngũ uẩn này. Nếu tấm thân tứ đại hữu vi này ví như ngôi nhà thì chúng ta phải là kẻ theo Phật làm “phá gia chi tử”.

Ôi người làm nhà kiaTa tìm nhưng chẳng gặp

Ngươi không làm nhà nữaĐòn tay ngươi bị gãyKèo cột ngươi bị tan (Pháp cú 153)

Trên con đường thể nhập “cứu cánh vô vi”, giai đoạn cuối của công cuộc “phá nhà” được diễn tả rất đẹp trong phần Chánh Định (samma samaddhi), hay Thánh định, Tứ thiền siêu thế. Đây là những chặng cuối bước vào sự an tịnh trầm lặng, không động không rung chuyển của bậc thánh. Mỗi chặng đều bắt đầu bằng những từ khác nhau như “ly”, “xả”, “diệt” nhưng đều có cùng một nghĩa là buông bỏ.

“Ly dục, ly bất thiện pháp, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ. Diệt tầm và tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và an trú Thiền thứ ba. Xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ từ trước, chứng và trú Thiền thứ tư không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh”.

Xem thêm: Cơ Năng Là Gì – Sự Bảo Toàn Về Cơ Năng Và Hệ Quả

Những trạng thái này là kết quả chứng nghiệm cuối cùng của quá trình “tháo chốt nhổ đinh”, giống như trang giấy trắng chào vĩnh biệt những con chữ cuối cùng rơi ra khỏi nó để trở về thuở tinh khôi không chữ ban đầu. Bởi vậy tâm giải thoát còn được gọi là “tâm nguyên thủy” (original mind) hay “sơ tâm” (beginner’s mind). Thơ thiền Việt Nam có chữ “vô tâm” (no-mind, zero mind) trong “đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền” cũng là ý này.

Người viết thỉnh thoảng hứng bút viết về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng chính vì nhận ra ý thiền chứa đựng chiều kích vô vi trong những câu chữ của ông. Hãy nghe thử một đoạn trong tùy bút Mở theo lời điệu:

“Có kẻ đứng trước bao la mà không thấy được bao la. Có kẻ ở buổi bình minh nghe tiếng chim hót đã chạm mặt với cõi vô lượng. Biết được vô lượng là cùng lúc đến với vô biên. Cái vô biên nằm đâu đó trên cánh vạc chở hoàng hôn về núi mỗi chiều.”

Tiếng chim hót buổi bình minh là âm thanh hữu vi vang lên một thời gian ngắn rồi lại rơi vào sự yên lặng vô lượng mênh mông của vô vi “không có gì”. Cánh vạc buổi hoàng hôn là vật thể hữu vi xuất hiện trong thoáng chốc rồi lại chìm giữa không gian vô biên trống rỗng của vô vi “không hình tướng”.

Người có một tấm lòng không ai không công nhận giá trị của những thông điệp yêu thương mà người nhạc sĩ này đã để lại cho đời. Nhưng còn thông điệp tâm linh sâu thẳm thì không nhiều người cảm được. “Trăm năm vô biên chưa từng hội ngộ” (sống một đời nhưng chưa hề nhận ra được sự vô biên của không gian và tĩnh lặng vốn là pháp vô vi) trong bài Một cõi đi về là một trong số thông điệp quý giá đó. Phải chăng đây là cảnh “vô duyên đối diện bất tương phùng”? Vầng nhật nguyệt vẫn rọi suốt trăm năm nhưng có mấy ai thấy được ánh sáng đó, và thế là cứ “đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt”. Loanh quanh giữa hữu vi, hững hờ với vô vi thì làm sao đời vui cho đặng. Nếu chiều sâu này được khai mở thêm và có thể “lọt vào mắt xanh” của ai đó trong số những người yêu quý Trịnh để họ có thể thấy bóng hình của Phật thì thật quả là vui. Chắc chắn cuộc sống sẽ thơm hơn khi có thêm một làn hương ngọt!

Sau đây xin được giới thiệu một số pháp thoại ngắn của hai vị thiền sư Ajahn Chah và Ajahn Sumedho.

PHÁP HỮU VI VÀ PHÁP VÔ VI (1)

(Ajahn Sumedho, Tâm và Đạo, chương 8, Susanta Nguyễn dịch Việt))

 

Giáo lý của Đức Phật rất đơn giản vì Đạo Phật xem tất cả càn khôn vũ trụ hay vạn pháp được chia làm hai: pháp điều kiện và pháp không điều kiện. Pháp điều kiện hay pháp hữu vi là pháp sinh rồi diệt. Pháp điều kiện gồm tất cả những gì chúng ta thấy và biết được qua sáu giác quan, qua sự tiếp xúc của cơ thể, cảm thọ, tư tưởng, và trí nhớ. Chúng là những điều kiện hay duyên; chúng bắt đầu rồi chấm dứt, sinh rồi diệt. Trong tiếng Pali, từ sankhara hay hành (các pháp do các điều kiện hay duyên hợp lại và tạo thành) được dùng để chỉ các pháp điều kiện hay pháp hữu vi. Sankhara bao gồm tất cả những gì sinh rồi diệt, cho dù đó là vật chất hay tâm. Chúng ta không nên thắc mắc nghi vấn là các pháp được sinh ra ở đó hay ở đây, các pháp sinh rồi diệt trong chớp mắt hay trong nhiều đời nhiều kiếp. Trong khi hành thiền, vấn đề nầy không quan trọng và sẽ không có sự khác biệt nào cả vì tất cả pháp hữu vi đều bị giới hạn bởi thời gian.

Pháp không điều kiện hay pháp vô vi là cái mà phần lớn chúng sinh đều không nhận thức được. Lý do chính là vì họ vẫn mãi mê trong các pháp điều kiện hay pháp hữu vi. Muốn nhận thức hay chứng ngộ được pháp không điều kiện chúng ta phải dứt khoát và triệt để buông bỏ các pháp điều kiện.

Các pháp không điều kiện giống như không gian trong một căn phòng. Khi bạn bước vào một căn phòng, bạn chú ý đến phần không gian hay khoảng trống của căn phòng hay bạn bị thu hút bởi những đồ đạt trong phòng? Dĩ nhiên, bạn sẽ chú ý đến bức tường, cửa sổ, con người, bàn ghế, màu sắc, và các đồ vật trang trí. Nhưng không gian của căn phòng thì ít ai nhận thấy mặc dù nó luôn có mặt ở đó. Và khi bận lo ngắm nhìn người và đồ vật trong phòng, chúng ta sẽ không thể nào ghi nhận được khoảng không gian trong phòng. Chỉ khi nào chúng ta buông bỏ tất cả những tư tưởng, lời nói, lo toan, và tưởng tượng, thì lúc đó chúng ta mới có thể ý thức và nhận ra được không gian trong căn phòng. Khi để tâm chú ý đến nó, chúng ta sẽ thấy rằng không gian là rất bình yên và bao la. Ngay cả bức tường của căn phòng cũng không thể chia cắt được không gian ấy.

Tâm chúng sanh cũng như thế ấy. Tâm là vô biên và vô hạn; nó có thể chứa đựng tất cả mọi vật. Nhưng chúng ta lại tự trói buộc mình vào những điều kiện hữu hạn của tâm như tư tưởng, quan điểm, và ý kiến. Tâm luôn có chỗ dành cho mọi lý thuyết, ý kiến, và quan điểm; Tất cả những cái nầy là những điều kiện sinh rồi diệt, và không có cái nào là trường tồn và vĩnh cửu. Do đó, tâm luôn có chỗ cho tất cả mọi người và mọi vật, cho tất cả tôn giáo, quan điểm chính trị, tư tưởng, và tất cả loại người. Nhưng con người luôn muốn kiểm soát, giới hạn, và tuyên bố: “Chỉ có những người nầy mới được chấp nhận, còn những người kia không có quyền ở đây.” Trong quá trình sở hữu, chiếm đoạt, và bám víu, chúng ta tự trói mình vào những điều kiện và chính những điều kiện nầy sẽ dẫn chúng ta đến chỗ diệt tận và phiền não.

Bất cứ cái gì mà chúng ta hy vọng và mong đợi, nếu chúng ta bám víu vào chúng, sẽ đưa chúng ta đến chỗ thất vọng và sầu não. Lý do chính là những gì mà chúng ta bám víu và dính mắc đều sinh rồi diệt. Không có cái gì được sinh ra mà sẽ tiếp tục sinh ra mãi mãi; nó có thể sinh ra và tồn tại trong một thời gian nào đó nhưng rồi sẽ hoại diệt. Vì thế nên khi bạn bám víu vào bất cứ điều kiện nào đang sinh khởi, chắc chắn nó sẽ đi cùng với bạn đến chỗ hoại diệt. Khi bạn bám víu vào cái gì đang sinh khởi như thân thể của bạn hay bất cứ điều kiện tự nhiên nào, nó sẽ đưa bạn đến chỗ diệt tận. Và vì thế, sự hoại diệt hay sự chết là điểm cuối cùng của cái được sinh ra, và nỗi tuyệt vọng sầu não là mặt trái của niềm hy vọng và mong đợi.

Khi một cái gì đó bắt đầu trở nên khó chịu hay bất toại nguyện, chúng ta có khuynh hướng chạy đi tìm một điều kiện khác, đang sinh khởi và thoải mái hơn. Điều nầy khiến cho cuộc sống của con người trở thành một cuộc tìm kiếm và săn đuổi không ngừng chạy theo những khoái lạc, những mối tình lãng mạn, và những cuộc phiêu lưu đầy mạo hiểm. Con người luôn luôn chạy theo những gì hấp dẫn và lý thú, làm cho họ mê đắm và trốn chạy khỏi những gì đối nghịch lại họ. Chúng ta trốn tránh sự nhàm chán, tuyệt vọng, già, bệnh, và chết vì đây là những điều kiện mà chúng ta không muốn xảy đến cho chúng ta. Chúng ta muốn chạy trốn, quên bẵng đi, và không để ý đến chúng.

Xem thêm: Sell Là Gì

Nhưng trong khi hành thiền, thái độ chính là sự chấp nhận, nhẫn nhục và nhẫn nhục đến tận cùng với những điều kiện, cho dù những điều kiện nầy đang trở nên khó chịu và nhàm chán. Nếu chúng ta luôn muốn đi tìm một cái gì đó lý thú và hấp dẫn hơn, chúng ta sẽ tiếp tục đi vòng vòng. Đây chính là vòng luân hồi sinh tử (Samsara) mà Đức Phật đã chỉ ra cho chúng ta.

Chuyên mục: Hỏi Đáp