1. Ở đời, ngẫm ra không phải chỉ có cuộc sống, mà cả cái chết cũng muôn hình vạn trạng. Nói về sự chết, có người bảo: “Chết là hết”, xem ra cũng đúng. Thì đấy, nhà cao cửa rộng, lắm bạc nhiều tiền, đông con nhiều cháu… cuối cùng lúc chết nào có mang theo được gì; dưới ba tấc đất ai chẳng như ai… Lại có người bảo: “Sinh ký tử quy” (Sống gửi thác về), ý rằng cuộc sống hôm nay chỉ là cõi tạm, chết đi rồi mới là về cõi vô cùng, để lại tiếp tục một cuộc sống mới, thanh thản, bình an, vĩnh cửu… Thoạt nghe thì cũng có vẻ thuyết phục và phần nào hấp dẫn nữa là khác. Thế nhưng vấn đề ở đây lại không phải ở chỗ thuyết phục hay không thuyết phục, mà thực chất là ở chỗ “khó cãi”… Con đường từ sự sống đến cái chết vốn là đường một chiều, nào đã có ai đi ngược từ cõi chết về đây để mà minh chứng; vậy nên nói thì nói thế, còn tin thì tin, không tin cũng chẳng sao…
Thế còn “chết là hết” thì thế nào nhỉ? Nếu thực sự chết là hết thì cuộc sống còn gì là động lực nữa. Chết là hết thì cái “tư duy nhiệm kỳ” ở cõi sống này sao mà lại gay gắt và quyết liệt đến vậy? Từ những khát khao ngôi nhà của mình phải to hơn nhà người khác một tí, cái xe mình đi phải đẹp hơn, mâm cơm của mình cũng phải đầy hơn, cái ghế mình ngồi cũng phải cao hơn; rồi thì “văn mình vợ người” nữa… Bao nhiêu là đủ, bao nhiêu là vừa, để rồi cuối cùng túi ba gang mà cứ may thành sáu, để rồi tận lúc lâm chung mấy người không ngậm ngùi ứa lệ bìu díu dương gian?
Cổng vào Công viên An Lạc. Bạn đang xem: Vĩ thanh là gì |
Vậy nên mới thích câu “cái chết là vĩ thanh của cuộc sống”… Phải rồi. Vĩ thanh không hẳn là một sự nối tiếp, lại càng không phải đối nghịch nhau như “ký” với “quy”. Vĩ thanh là cái gì đó giống như một tiếng ngân mà cuộc sống càng an nhiên, khoáng đạt và nâng niu bao nhiêu thì vĩ thanh lại càng sâu lắng, thanh cao và thấm thía bấy nhiêu. Không chỉ thế, vĩ thanh còn là sự lưu giữ chân thành, là lời phán quyết nghiêm khắc và công minh nhất về những gì đã qua mà không một ai có thể che giấu hoặc biện minh… “Cọp chết để da, voi chết để ngà, người chết để tiếng”. Vĩ thanh của cuộc sống cũng còn là thế!
Cứ ngẫm ngợi về cái sự chết như vậy, nên khi nhà văn Mai Phương ở Quảng Ninh gọi điện rủ về đi thăm cái dự án “Công viên nghĩa trang” thuộc loại lớn nhất nước vừa được khánh thành ở Vùng mỏ này, chợt thấy có gì đó giống như một cơ duyên. Ừ thì đi! Vĩ thanh của cuộc sống ngân nga trong lòng người thì phải lắng, phải nghe, phải chiêm nghiệm mới thấy, chứ cái “vĩ thanh” hiển hiện trên mặt đất kia thì chắc chắn phải đến tận nơi mà ngó nghiêng rồi…
Và cũng bởi cái cơ duyên ấy mà bài viết này, ngoài những tò mò, bỡ ngỡ của tôi, còn có thêm cả cái lắng đọng, trầm ngâm, thấm thía của lão nhà văn Mai Phương, người nay đã bước qua tuổi bát tuần…
2. Nói cho có đầu có cuối thì câu chuyện được bắt đầu từ những thập niên cuối của thế kỷ trước. Khi ấy đèo Bụt vẫn còn là cái tên gây nhiều ám ảnh cho người dân ở vùng này bởi nhiều lý do. Nằm trên con đường huyết mạch nối thành phố Hạ Long với thành phố Cẩm Phả của tỉnh Quảng Ninh, giữa một vùng thung lũng hoang vu, hiểm trở dưới chân đèo có một cái nghĩa địa tồn tại từ thời Pháp – Nghĩa địa “Ki-lô-mét mười lăm” theo cách gọi nôm na của người dân và chính quyền địa phương. Người ta gọi nôm na như thế, và rồi cả những nấm mộ nơi đây, suốt mấy chục năm, cũng được chôn cất một cách nôm na, chăng chớ như thế. Xộc xệch, tối tăm, nham nhở và… quá tải. Nhà hoang đã lạnh, mồ hoang càng lạnh, đến nghĩa địa hoang thì khỏi phải nói, cô tịch, u ám đến rợn người. U ám triền miên mà có lẽ chỉ khi nào có người chết mới… “vui” lên được một chút. Một chút thôi, để rồi đến khi mặt trời gác núi, thì ngoài những chiếc ô tô muộn màng thon thót rồ ga như chạy trốn ngay trên đường quốc lộ, mà cũng vô cùng hãn hữu, còn hầu như chẳng có một người dân nào muốn lai vãng qua đây…
Chuyện đời, vắng người thì lắm ma. “Ma” ở đây, ngoài những linh hồn đói khát, vất vưởng và “thèm mùi hương khói”, đêm đêm vẫn ẩn hiện chập chờn sau những nấm mồ hoang lạnh, nhấp nhô trong nghĩa địa tối tăm, thi thoảng lại cất lên những tiếng hú dài ai oán nghe mà lạnh toát sống lưng (ấy là người ta kể thế), hay có khi là bóng của một con chim gì đó “to bằng cả chiếc chiếu đôi, mắt sáng quắc” cứ nhằm ngày có đám là lờ lững lượn qua lượn lại tối cả một góc trời, để rồi cuối cùng vụt sà xuống và mất hút sau những vòng hoa chưa kịp héo trên những nấm mồ mới đắp khi mặt trời tắt bóng… “Ma” còn là đám cô hồn vật vờ xiêu vẹo, đám nghiện ngập, bệnh hoạn, du thủ du thực, những kẻ “thích chơi với ma hơn với người”, chuyên chọn nghĩa trang làm nơi tá túc, hành sự… Đèo Bụt vì thế đã hoang lạnh lại càng thêm hoang lạnh, đã rùng rợn lại càng thêm rùng rợn. Hoang lạnh, rùng rợn đến nỗi người ta đã phải gọi nó bằng cái tên ai oán là “Thành phố chết” thay cho chữ Bụt từ bi thánh thiện xưa nay…
Người mà nằm đây thì cái vĩ thanh cũng chỉ như “tiếng nấc cụt” giữa thinh không…
* * *
Đại lộ An Lạc. |
Thế rồi khoảng mươi năm về trước, vào tháng 9 năm 2005, bỗng một ngày “Thành phố chết” chợt rộn rã, náo nhiệt bởi tiếng người, tiếng máy khác hẳn ngày thường. Đám cô hồn đang cơn ngái ngủ, sau cú giật mình thảng thốt lặng lẽ bấm nhau lủi nhanh như rắn. Ấy là ban ngày, còn ban đêm đèn đóm sáng choang, xe cộ đi lại rầm rập. Ma rừng, ma núi, ma đói, ma khát cũng phải xây xẩm mặt mày, dặt dẹo dắt nhau bỏ xứ, trả lại cho nơi này cái thanh tịnh vô vi của cõi Bụt…
Rộn rã, náo nhiệt, sáng choang, rầm rập như vậy chừng đâu dăm tháng, khu đèo Bụt bắt đầu manh nha mọc lên một công trình tâm linh bề thế, với nhiều hạng mục được thiết kế hết sức tinh tế, hài hoà, và được xây cất một cách chu đáo, cẩn trọng. Công trình ấy có tên gọi là An Lạc Viên. Về tính chất, nó chỉ là một cái đài hoá thân, nhưng về ý nghĩa, thì cái đài hoá thân ấy, cho dù đã được sử dụng tất cả những công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới, vẫn chỉ là một hạng mục, dẫu là quan trọng nhất, trong toàn bộ tổng thể của cái công trình quy mô đã khiến cho cả người sống lẫn người chết đều cảm thấy hài lòng và an lạc này. Ấy là một quần thể chùa, tháp, tượng Phật, công viên, hồ nước, trầm ngâm và huyền ảo như thuỷ mặc, được bố trí thân thiện bên một hệ thống hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh… Một công trình mà khi bước chân vào đây, người ta dường như quên đi hết cảm giác về sự mất mát, tang tóc để chìm vào cảm giác ngất ngây, nhẹ bẫng của sự siêu thoát vĩnh hằng, trong tiếng nhạc thiền réo rắt, giữa màu xanh mướt mát của cỏ cây, với cả sự tĩnh lặng, uy nghi, thành kính của hương trầm thoang thoảng… Một công trình giống như cánh cửa khép giữa cõi trần với cõi Phật một cách hững hờ…
An Lạc Viên hoàn thành vào cuối năm 2006, cùng với đó là “Nghĩa địa ki-lô-mét mười lăm” cũng được cải tạo, nâng cấp để trở thành một quần thể liên hoàn, một “Thiên đường của những linh hồn” theo cách gọi của người dân Quảng Ninh khi ấy. Hình như cho đến tận lúc bấy giờ, nhiều người ở đây mới thực sự sực tỉnh để nhận ra cái quy luật “Sinh – Lão – Bệnh – Tử” tất yếu của cuộc sống, để rồi từ đó suy nghĩ, để rồi từ đó mong mỏi, ao ước cho một “tương lai”, một “vĩ thanh” của con người, cũng như cho chính bản thân mình khi hết tuổi trời…
Ngày hôm nay, nói đến việc hoả táng, việc hoá thân đã là chuyện bình thường. Nhưng cách đây một vài thập kỷ thì không phải là chuyện nhỏ. Nhận thức của người dân, tập quán của xã hội, rồi cả nguyện vọng của người quá cố nữa; không phải dễ thay đổi trong một sớm một chiều, cho dù nhu cầu về một nơi thực sự “an lạc” sau khi chết của con người ta lúc nào cũng có, mà khả năng đáp ứng của xã hội thì càng ngày càng khó khăn… Có lẽ chính vì lý do đó mà khi An Lạc Viên hoàn thành, đã thực sự gây được một tiếng vang lớn không chỉ trong tỉnh Quảng Ninh, mà nhiều địa phương khác trong cả nước cũng đều quan tâm. Nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã có mặt cả trước, trong và sau khi công trình được xây dựng để chứng kiến một mô hình vừa mang tính xã hội, vừa đảm bảo yếu tố tâm linh, lại vừa thể hiện rõ tấm lòng, công sức, kiến thức cùng với tinh thần sáng tạo, quyết đoán của những người làm ra nó…
Khu tượng Phật và chư vị La Hán. |
3. Thành công lớn nhất của một công trình liên quan đến cái chết, ngoài những ý nghĩa về tâm linh, về xã hội, môi trường… thì còn là phải làm thế nào để người ta không còn sợ cái sự chết nữa. Cho đến hôm nay, chuyện về An Lạc Viên có lẽ sẽ chẳng còn gì để bàn thêm ngoài tất cả những điều người ta đã từng nói, từng bàn về nó cả gần chục năm nay, bởi đã từ lâu, sự có mặt của nó đã trở thành điều hết sức bình thường; bình thường đến đương nhiên, bình thường đến tin cậy, bình thường đến nỗi không cần nhắc đến nhưng lại không thể thiếu trong cuộc sống của người dân không chỉ ở riêng Quảng Ninh mà nhiều tỉnh lân cận cũng vậy. Có chăng nói là nói về cái người đã có ý tưởng, đã sáng tạo, đã đầu tư một cách tâm huyết để tạo ra công trình độc đáo và ý nghĩa này. Đấy là một doanh nghiệp tư nhân. Tất nhiên bây giờ thì cái doanh nghiệp ấy đã trở thành một tập đoàn kinh tế khá mạnh và được tin cậy của tỉnh Quảng Ninh; nhưng ngày ấy, một doanh nghiệp thuần tuý mà lại dám đầu tư một số vốn không nhỏ vào một công trình xã hội tầm cỡ như vậy, cũng nhiều chuyện để nói lắm chứ. Song chuyện đó xin được nói sau. Lý do nhà văn Mai Phương rủ xuống Quảng Ninh lần này là chuyện khác…
Ấy là chuyện cái An Lạc Viên kia giờ lại có thêm vĩ thanh. Một khu công viên nghĩa trang mới rộng tới hơn 630ha vừa được hoàn thành ở đây. Công viên An Lạc. Vậy là lại một lần nữa người ta đem đến cho sự chết những tiếng vọng từ bi giữa chốn dương gian…
* * *
Xuất phát từ việc thực hiện chủ trương xã hội hoá một số hoạt động dịch vụ xã hội, trong đó có các dịch vụ “khó nhằn” như dịch vụ Vệ sinh môi trường, dịch vụ Hoả táng, an táng và các hoạt động nghĩa trang của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh; nhưng quan trọng hơn là với tấm lòng và ý thức về tâm linh cũng như kinh nghiệm trong quá trình xây dựng, vận hành An Lạc Viên của Công ty Cổ phần Tập đoàn INDEVCO; nên từ giữa năm 2013, Công ty đã chính thức được UBND tỉnh giao làm chủ đầu tư xây dựng dự án Công viên nghĩa trang An Lạc, một dự án nghĩa trang cấp vùng đầu tiên được tỉnh Quảng Ninh quy hoạch tại địa bàn hai xã Vũ Oai và Hoà Bình của huyện Hoành Bồ. Toạ lạc tại một vị trí không chỉ thuận lợi về mặt giao thông, bên cạnh tuyến đường tránh phía bắc, cách trung tâm thành phố Hạ Long chừng 15km, cách thành phố Cẩm Phả cũng một chặng đường chừng đó nữa, và cách trung tâm huyện Hoành Bồ 20km; Công viên nghĩa trang An Lạc còn được nhiều nhà Địa lý đánh giá là rất hợp về mặt phong thuỷ cho những giấc mơ cực lạc vĩnh hằng, cũng như điều kiện để triển khai một thiết kế độc đáo, bài bản và đồng bộ thành một công viên nghĩa trang xanh, sạch, đẹp; một công trình văn hoá tâm linh thân thiện với môi trường, đáp ứng được nhu cầu an táng chung cho nhân dân không chỉ của thành phố Hạ Long, Cẩm Phả, huyện Hoành Bồ, mà còn cho cả các địa phương khác trong và ngoài tỉnh, với thời gian trên 50 năm, với đầy đủ mọi đối tượng, mọi nhu cầu và mọi tôn giáo…
Theo báo cáo ban đầu của chủ đầu tư thì tổng mức đầu tư của dự án dự kiến là 1.504 tỷ đồng. Hơn một ngàn năm trăm tỷ đồng (nhiều người bảo thực tế chắc sẽ còn phải nhiều hơn) để đầu tư cho một dự án có mật độ xây dựng rất thấp, chỉ chiếm trên 30% (trong tổng diện tích 630,99ha của dự án, quy hoạch duyệt cho phép đất xây dựng nghĩa trang là 216,17ha, còn lại 414,82ha là đất hành lang cây xanh và hạ tầng kỹ thuật). Mật độ xây dựng thấp có nghĩa là phần đất có thể sử dụng để thu hồi vốn cũng sẽ ít. Nhưng ít thì cũng phải chịu, ít thì cũng phải làm; có thế mới gọi là Công viên chứ. Làm nghĩa trang mà cứ chi li cái chuyện lãi lỗ được thua thì làm sao được! Mà giả dụ biết người ta cần, biết người ta có điều kiện, biết người ta sẵn sàng bỏ tiền ra để sắm sanh cho mình một cái chỗ “hợp về mặt phong thuỷ” và “đẹp như thiên đường” thế này; để rồi bỏ tiền ra mà đầu tư, mà thành công, mà có lãi, thì chắc gì cái lãi ấy đã là hay, là bền. Chuyện sinh tử, chuyện tâm linh đâu phải đùa…
Thế nên mới có người bảo: “Tôi mà có một ngàn năm trăm tỷ, tôi bỏ ra mua đất xây cái khách sạn bốn sao, ba chục phòng, vừa sang trọng, nhàn nhã, lại vừa sạch sẽ, an toàn… Quảng Ninh là đất du lịch, mấy chốc mà có lãi. Có điên mới đi làm nghĩa trang…”. Nghe rồi thầm nghĩ, mình mà có một ngàn năm trăm tỷ mình cũng làm thế… Nhà văn Mai Phương cũng bảo, tớ mà có một ngàn năm trăm tỷ tớ cũng làm thế…
Vậy rõ ràng câu chuyện ở đây không phải là tiền…
* * *
Phối cảnh tổng thể. |
Quyết định giao làm chủ đầu tư dự án từ năm 2013, sau hơn một năm tiến hành các thủ tục, mãi đến tháng 11 năm 2014 vừa rồi, dự án mới bắt đầu triển khai những hạng mục đầu tiên, chủ yếu là hạ tầng kỹ thuật. Khó mà tưởng tượng nổi rằng mới chỉ sau hơn 3 tháng thi công, từ một vùng đồi núi hoang vu rậm rạp, quy mô của một Công viên nghĩa trang bề thế nhất vùng đã được phác thảo khá đầy đủ và rõ nét giữa trời mây sông núi. Tuy mới chỉ là những chấm phá ban đầu, song cũng đủ để hình dung…
Dẫn chúng tôi đi thăm công trình khi những hạng mục đầu tiên của giai đoạn I (2013-2016) đã sắp hoàn thành để chuẩn bị cho ngày khai trương là Phó Tổng Giám đốc INDEVCO Nguyễn Văn Đồng. Trên đường đi, tôi cứ phân vân mãi khi nghĩ về cái dự án có phần “không giống ai” này. Xưa, chưa có đường, người ta đi mãi rồi thành, giống như dải lông trên cổ con ngựa, cứ mọc dài ra, dài ra, đến một lúc nào đó thì tự xoã sang hai bên thành bờm. Gọi “phân mao cỏ rẽ” là thế. Thế còn nghĩa trang thì sao nhỉ? Nghĩa trang có trước để đưa người chết vào chôn, hay người chết chôn xuống đất, rồi quây quần lại mà thành nghĩa trang?… Có lẽ xa xưa, bắt đầu là từ người chết, còn sau này, bắt đầu là từ quy hoạch; mà cũng có thể là cả hai cùng một lúc… Chịu! Giờ vấn đề cần quan tâm chỉ là xem cách người ta sắp xếp, bố trí cho nó như thế nào, chứ mấy ai lọ mọ mà đi tìm hiểu xem cái nào có trước, cái nào có sau làm gì…
Bởi vì cái cách “người ta sắp xếp, bố trí cho nó như thế nào” ấy, nhiều khi cũng là sự thể hiện cái tâm, cái tình của “người ta” với chuyện này như thế nào…
Đứng trên đỉnh đồi trung tâm của dự án, nhìn bao quát ra toàn thể công trình, Nguyễn Văn Đồng khoát tay: “Kia là cổng chính, còn gọi là Đại Môn, được thiết kế theo biểu tượng chữ A của từ An Lạc; con đường chúng ta vừa đi qua là Đại lộ An Lạc, với 96 bức tượng Phật A Di Đà tiếp dẫn, tượng trưng cho 48 nguyện của Đức A Di Đà; đằng kia là điện Địa Tạng, nơi thờ Địa Tạng Vương Bồ Tát; kia là Quan Âm cưỡi trên đầu rồng; rồi Đại Phật A Di Đà; rồi vườn La Hán… Đằng sau chỗ ta đang đứng là điện Quan Âm và tháp Báo Ân, những điểm nhấn chính trong khuôn viên của dự án… Nghĩa trang công giáo ở đằng kia, rồi sẽ dựng thêm tượng Chúa cứu thế…”.
Nhìn theo cái khoát tay của Đồng, thấy tất cả các công trình tâm linh vừa được dựng lên ở đây, cái nào cũng bề thế, cái nào cũng hoành tráng và được bố trí ở những nơi đầy dụng ý để tạo nên một không gian thu nhỏ của cõi Thiền… Mới hay không chỉ là chuyện có trước hay có sau, mà chính cách nhìn, cách nghĩ, cách làm; chính cái nâng niu, trân trọng, chỉn chu trong cách hành xử với người đã khuất mới là điều đáng nói… Dẫu là Thiên đường hay sự An lạc thì cũng đâu phải bỗng dưng mà có tự trời…
– Vậy thì mộ đưa về đây sẽ chôn cất thế nào?
– Cát táng sẽ ở chỗ này, theo hình bậc thang. Ở đây chúng tôi có các mô hình mộ đơn, mộ đôi, cả mô hình nghĩa trang gia đình, dòng họ… Còn hung táng sẽ ở đằng kia, theo hình Bát giác…
– Tại sao lại là hình Bát giác?…
– Quy hoạch khu hung táng theo hình Bát giác là để người ta có thể lựa chọn hướng đặt mộ theo những nhu cầu khác nhau của mỗi gia đình…
Thì ra là thế. Đâu phải chỉ là toà ngang dãy dọc, đâu phải chỉ là bề thế khang trang. Cũng đâu phải chỉ là huyền vi thanh tịnh, mà ngay cả đến cái tinh tế và vi diệu của văn hoá phương Đông, là một hướng nằm sao cho hợp thời hợp tuổi mà người ta cũng không quên tính đến… Đơn giản là vậy, mà sâu sắc đến bất ngờ cũng là vậy. Bất ngờ không chỉ với riêng mình, mà có lẽ ở nhiều nơi khác, tại những công trình, những nghĩa trang khác cũng thế. Người ta sẽ dễ dàng quên mất đi điều này nếu đem vào đây cái tư duy ban phát – chấp nhận, và cách hành xử theo lối xin – cho thường vẫn thấy ở trần gian…
4. Bây giờ, sau khi đã xem, đã kể, đã bàn về hai công trình “không thể đùa được” ở đất mỏ này, là cái An Lạc Viên dưới chân đèo Bụt, và vĩ thanh của nó – Công viên nghĩa trang An Lạc ở Hoành Bồ, thì mới là lúc bắt đầu sang đến câu chuyện “về cái người đã có ý tưởng, đã sáng tạo, đã đầu tư một cách tâm huyết để tạo ra những công trình độc đáo và ý nghĩa này”. Mười năm trước, với An Lạc Viên, chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Phát triển công nghiệp Quảng Ninh, tên giao dịch Quốc tế là INDEVCO; còn bây giờ nó đã được nâng lên thành Công ty Cổ phần Tập đoàn INDEVCO. Người có công trong việc gây dựng, phát triển, và hiện vẫn đang là người đứng đầu Công ty là Đỗ Thành Trung. Tên đầy đủ là thế, nhưng đã từ lâu người ta vẫn quen gọi tay giám đốc nhiều cá tính này là “Trung con”, không chỉ trong đời thường mà cả trên mặt báo cũng như trong các cuộc họp hành có liên quan đến INDEVCO. Thoạt nghe có vẻ xấc, nghe riết rồi cũng quen…
“Trung con” quê mãi Ninh Bình, ra đất mỏ này khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng. Đến giữa thập niên cuối của thế kỷ trước, khi ấy chừng đâu cũng đã trên dưới 30 tuổi, thì bắt đầu mon men lập doanh nghiệp tổ chức khai thác, chế biến than. Cũng là bắt đầu từ hòn than, nhưng đâu có được khai thác, chế biến một cách quy mô theo đúng nghĩa của nó. Doanh nghiệp của “Trung con” ngày ấy mới chỉ có khả năng và cũng chỉ được phép khai thác lại từ các bãi thải, hay gom góp lại từ những con suối sau mưa, gọi là tận thu. Còn nói theo cách nôm na của dân gian thì là đi “mót”… Bòn nhặt từng hòn, từng vốc, rồi xay, rồi trộn, rồi chế biến để thành các loại sản phẩm đem bán cho những cơ sở sản xuất có nhu cầu về loại chất đốt có nhiệt lượng thấp như vậy. Đó là những lò vôi, lò gạch ngói thủ công ở quê nhà và các vùng lân cận, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình… Túc tắc được một thời gian, phát hiện ra thị trường Trung Quốc cũng cần loại than này, “Trung con” từ người đang trực tiếp khai thác, chế biến chuyển sang làm người chuyên thu gom than từ những cơ sở sản xuất nhỏ như mình để tiêu thụ. Tham gia vào hoạt động “xuất khẩu” than từ những ngày ấy, tuy chỉ ở mức độ “mèo nhỏ bắt chuột nhỏ”, song tích tiểu thành đại, góp gió thành bão, lại gặp thời gặp vận nên rồi cũng đến ngày “phất”…
Đất mỏ ngày ấy người người làm than, nhà nhà làm than, ngành ngành làm than. Làm rồi thì có thành có bại. “Phất” được như “Trung con” khi đó không nhiều nhưng cũng không phải ít. Có điều “phất” theo thế thời thì được chăng hay chớ, “phất” nhờ may mắn thì của thiên trả địa, “phất” bằng trí trá lọc lừa thì ác giả ác báo, “phất” do “ăn xổi ở thì” thì phù vân tan hợp… Cuối cùng chỉ có bằng mồ hôi và ý chí thì cái “phất” mới thực sự là ăn chắc mặc bền… Hiểu thế nên bao nhiêu tiền của kiếm được sau đó đều tập trung đầu tư phát triển doanh nghiệp, xây dựng nhà xưởng, rồi thuê đất mở cảng, rồi lắp đặt dây chuyền sàng tuyển, bốc rót than… Rồi nữa đến nhà lầu, xe hơi, đến vung vinh tiền bạc… Tất nhiên! Làm nhỏ thì ăn nhỏ, làm lớn phải ăn lớn, ấy là chuyện ai cũng hiểu… Thế nhưng thói đời ghen ăn tức ở, nghèo thì khinh nhưng giàu thì ghét. Hiểu, nhưng đâu dễ chấp nhận. Thế là gièm pha, thế là soi mói, đồn thổi, thế là bới móc, kiện tụng… Ầm ĩ, dai dẳng đến rát cả tai, đến chóng cả mặt, lùng nhùng lận đận không biết bao năm, thậm chí có lúc tưởng chừng phải bỏ cuộc… Xưa, đòn của giang hồ, suy cho cùng cũng chỉ là để phân ngôi cao thấp. Đến thương trường, hiểm ác mấy rốt cục cũng bởi bạc tiền. Nhưng đến đòn của thói tị hiềm thì thật khó lường, khó tránh. Nó nhiều khi chẳng bởi điều gì cho ra tấm ra món mà vùi dập người ta đến mạt kiếp tàn đời… Cũng may là cái gã giám đốc này đi lên từ tay trắng, đã nếm đủ mùi hỉ nộ ái ố ở đời, chứ nếu không thì “xong” từ lâu rồi…
Người ta chỉ thực sự cảm phục và công nhận gã sau khi chứng kiến hai việc làm cũng “động trời” không kém gì việc đứng ra làm cái An Lạc Viên sau này. Việc thứ nhất là dám nhận thầu làm vệ sinh môi trường cho toàn bộ thành phố Cẩm Phả và thành phố Hạ Long đâu như từ gần chục năm trước. Nghe thì đơn giản thế, nhưng hoá ra lại hóc búa vô cùng, bởi lẽ mặc dù mang danh là một thành phố du lịch, một di sản thiên nhiên nổi tiếng thế giới, nhưng suốt bao năm, chỉ trừ khu vực Bãi Cháy nằm bên kia sông Cửa Lục vốn được xem là trung tâm du lịch là tương đối sạch sẽ, còn lại phía bên này sông, bao gồm toàn bộ khu vực Hòn Gai, Cẩm Phả và xa hơn nữa, những hàng cây, góc phố thường xuyên ngập chìm trong bụi đất, bụi than lầm lụi, một tình trạng điển hình của những thành phố công nghiệp già nua, cũ kỹ. Suốt bao năm, vấn đề vệ sinh môi trường do Nhà nước đảm nhiệm không khắc phục được tình trạng ô nhiễm này. Đến khi thực hiện chủ trương xã hội hoá hoạt động vệ sinh môi trường, các doanh nghiệp “đàn anh” trong tỉnh khi được gợi ý đều ậm ừ cho qua chuyện rồi tìm cách lảng. Thế mà bỗng đâu cái công ty cổ phần có tên gọi là “Phát triển công nghiệp” chẳng có liên quan gì kia lại đứng ra nhận. Tưởng muốn chơi trội, ai dè làm thật. Mua sắm xe cộ, trang thiết bị chuyên dụng, thành lập xí nghiệp, cắt cử người mà làm, mà dọn, mà gom, mà rửa… Kỹ lưỡng, chỉn chu đến nỗi đường sá, cây cối dần dà sạch bong, tươi tắn, rạng rỡ từ trong đến ngoài… Ban đầu chỉ là hỗ trợ cho Công ty Vệ sinh môi trường của tỉnh, sau rồi thấy làm ăn hiệu quả, tỉnh giao đảm nhiệm chính thức luôn.
Xem thêm: Interpret Là Gì – Interpret Trong Tiếng Tiếng Việt
Vậy là từ khi có “Trung con” đứng ra lo liệu, người dân ở thành phố Hạ Long và thành phố Cẩm Phả từ bao đời giờ mới thực sự được sống trong bầu không khí trong lành của một Di sản thiên nhiên thế giới, còn lãnh đạo thành phố thì hồ hởi đánh giá đây là bước ngoặt mang tính chuyển tiếp của thời đại trong vấn đề vệ sinh môi trường, tạo tiền đề quan trọng để đưa Hạ Long trở thành “Thành phố công nghiệp không khói” đúng như giá trị cần thiết của nó…
Sau vụ này, đến cả người khắt khe nhất cũng bắt đầu thấy mên mến cái tay giám đốc có cái tên gọi mang chất hảo hớn giang hồ nhiều hơn là chất doanh nhân này…
Rồi đến việc thứ hai, cũng chẳng giống ai, là việc xử lý đám cháy cho vỉa than tại đồi 908 khu vực Đèo Nai. Đây là vỉa than phát hoả từ thời Pháp, và đã âm ỉ cháy như vậy suốt hơn nửa thế kỷ cho đến lúc bấy giờ (cuối năm 2004). Bằng cách làm việc táo bạo đến lì lợm của mình, một lần nữa “Trung con” lại khiến cho mọi người từ “tâm phục, khẩu phục” đến thiện cảm thực sự…
Số là cái mỏ than cháy dở dở dang dang ấy từ lâu vẫn luôn là nỗi bận tâm của nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh. Tuy nhiên, do trình độ khoa học kỹ thuật thời bấy giờ, cộng với những hạn chế khách quan về năng lực của đội ngũ cán bộ chuyên môn, nên việc bận tâm thì cứ bận tâm mà việc cháy thì vẫn cứ cháy; còn người dân thì đời này qua đời khác, cứ ngày ngày nhìn khói bụi vần vũ mà thành quen, mà thản nhiên chấp nhận “sống chung với… hoả” cho đến khi không thể chịu đựng nổi nữa. Đó là vào cuối năm 2004, đầu năm 2005, khi đám cháy từ sâu trong lòng đất đã lan dần lên tới sát bề mặt. Giữa ngày đông tháng giá mà hơi nóng từ trong lòng núi toả ra rừng rực một vùng, cùng với khói bụi mịt mù, u ám. Sống cạnh một cái lò than khổng lồ như thế, người khoẻ còn thấy mệt, nói gì đến người già và trẻ nhỏ. Vậy nên đã có không ít người phải nhập viện cấp cứu vì hít phải khí thải từ đám cháy bốc ra… Chuyện đến tai Chính phủ. Không thể đừng được nữa. Thế là Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh, khi ấy là ông Nguyễn Văn Quynh, vừa chân ướt chân ráo từ một huyện biên giới về, đã phải lập tức mở ngay một “Hội nghị Diên Hồng” để kêu gọi nhân tài tìm cách xử lý…
Công bằng mà nói thì trước khi xảy ra sự kiện này, lãnh đạo tỉnh cũng đã không chỉ một lần huy động tổng lực cả con người lẫn trang thiết bị để khắc phục sự cố xuyên thế kỷ này, trong đó đáng kể hơn cả là hai lần bộ đội công binh với đầy đủ binh hùng tướng mạnh, cùng những máy móc vào loại hiện đại nhất thời bấy giờ, như máy đo độ sâu, máy khoan nhanh, máy bơm công suất lớn để bơm nước biển từ cách đó bốn, năm cây số vào chữa cháy… Vậy mà rồi cuối cùng cả hai lần, đội quân hùng hậu được trang bị đến tận răng ấy đều phải lặng lẽ rút lui không kèn không trống để về “tiếp tục nghiên cứu…”. Còn lực lượng phòng cháy, chữa cháy của địa phương thì cũng đã năm lần bảy lượt ra quân, lần nào cũng cả trăm con người, cật lực cả ngày lẫn đêm suốt hàng tháng trời, nhưng rồi đâu vẫn hoàn đấy. Không những thế, cái thứ cháy âm ỉ đó, sau mỗi lần khắc phục không thành lại càng được thể bốc to hơn. Đêm đêm, lửa liếm xanh lè qua những khe nứt bên sườn núi trông xa như một Hoả diệm sơn treo lơ lửng, thon thót trên đầu hàng trăm hộ dân đang cắm dùi dưới thành phố…
Tại buổi “Hội nghị Diên Hồng” năm ấy, sau một hồi bàn ra tán vào đầy hào hứng, sôi nổi, nhưng rồi cuối cùng vẫn lại là sự im lặng như bao lần trước… chỉ mãi đến phút chót, cái im lặng nặng nề ấy mới được phá tan. Người ta thấy, lại vẫn là “Trung con”, đứng lên thủng thẳng nhận làm…
Cho đến tận bây giờ, nhiều người từng có mặt tại buổi họp ngày hôm ấy cũng phải thú nhận rằng: “Nhận thì nhận, nhưng quả là tin thì chưa hẳn đã tin. Có điều suy đi tính lại cũng chẳng còn cách nào khác, nên đành để cho hắn thử sức…”.
Vậy là từ buổi ấy cho đến suốt nửa năm sau, cứ hằng đêm, người ta thấy từng đoàn xe tải hạng nặng chở đầy lửa đỏ rực chạy rầm rập từ khu mỏ cháy ra tận ngoài bãi biển… Thì ra cách chữa cháy của “Trung con” vô cùng đơn giản. Ấy là đem máy xúc xúc thẳng vào đám cháy, bốc nguyên cả đống than, xít đang rừng rực lửa lên xe đem ra đổ ngoài biển… Đơn giản thế mà không mấy người nghĩ ra. Mà có nghĩ ra thì cũng chẳng mấy người dám xắn tay vào mà làm, chỉ trừ có hắn, “Trung con”…
Khi bãi đá cháy, than cháy từ mỏ đổ ra ngoài biển ấy đã rộng chừng gấp đôi cái sân bóng, ước đâu vài trăm héc ta, thì đám cháy ở mỏ cũng được dập tắt hoàn toàn. Hết than rồi thì lấy gì mà cháy nữa. Cái lý của “Trung con” là thế. Về sau này, nhiều chuyên gia chữa cháy có hạng, tầm cỡ quốc gia cũng phải công nhận rằng đây là một cách làm sáng tạo, hiệu quả và triệt để, tuy hơi liều lĩnh; nhưng “… không thể có cách nào tốt hơn!…”. Không chỉ có thế, cái bãi thải mà hắn đổ ra ấy, ít lâu sau cũng được san ủi bằng phẳng làm thành kho chứa than để đưa các cảng than nội địa vươn ra xa ngoài biển, tạo điều kiện cho các tàu và sà lan có tải trọng lớn vào ra thuận tiện, an toàn. Lợi đơn lợi kép không biết bao nhiêu mà kể…
* * *
Ở đời, hoạn lộ mỗi người mỗi nẻo, phúc phận mỗi người mỗi khác. Với người này thì nghề chọn người, với người khác thì ngược lại. Song cứ thử nhìn lại tất cả những gì đã qua, nhất là những điểm nhấn lớn trong cuộc đời, trong sự nghiệp, chợt nghĩ hình như cái gã “Trung con” này là kẻ vốn sinh ra để đi trên những con đường hẹp. Thì đấy, tất cả những gì mà người ta quay lưng lại thì rồi cuối cùng cũng lại đến tay hắn. Hết làm người bạn thân thiện với môi trường lại đến làm người hùng cứu hoả. Rồi nữa, sau vụ chữa cháy thành công, trong khi INDEVCO tưng bừng kỷ niệm mười năm thành lập (1996-2006) và đón nhận Huân chương Lao Động hạng Ba do Nhà nước trao tặng, thì “Trung con” đã lại bắt đầu tất bật với dự án An Lạc Viên như đã nói ở trên… Toàn là những việc “khó nhằn” như thế, nói là đường hẹp chẳng chính xác hay sao. Thế nhưng hẹp thì hẹp, cứ mạnh dạn, cứ quyết đoán mà đi thì đường hẹp mấy rồi cũng ắt sẽ thành đường lớn, giống như cái chòm lông trên cổ con ngựa, cứ lặng lẽ mọc, lặng lẽ tách ra để một ngày kia chợt xoã thành bờm. Điều đó sẽ mãi là quy luật, sẽ mãi là chân lý, bởi vì nó chính là cuộc sống.
Mà cuộc sống thì luôn có những vĩ thanh…
Vĩ thanh của An Lạc Viên là công viên An Lạc. Trên 630ha diện tích cho một công trình như vậy tưởng đã là lớn, nhưng theo tin mới nhất thì ngay trong tháng 3 năm 2015 vừa rồi, INDEVCO lại vừa nhận tiếp quyết định của tỉnh giao làm chủ đầu tư dự án xây dựng công trình xử lý rác thải liên hoàn theo công nghệ sinh học với tổng diện tích hơn 900ha. Có thể hiểu dự án này chính là vĩ thanh của hoạt động vệ sinh môi trường mà INDEVCO đã tự nguyện đảm đương và đảm đương một cách hiệu quả suốt bao năm qua. Tất nhiên việc một doanh nghiệp liên tiếp nhận được những dự án có quy mô sử dụng đất lớn như vậy không phải là không có những ì xèo, thắc mắc. Người ta bảo đất Quảng Ninh này đào đâu lên mà chẳng có than. Quản lý dự án hàng trăm héc ta như vậy, chắc hẳn “Trung con” đã nắm trong tay hàng trăm ngàn tấn than dưới lòng đất… Nghe những chuyện đó mà thấy buồn, thấy cám cảnh cho sự đời nhỏ nhen, xoi mói… Người tâm sáng thì luôn nhìn đời bằng con mắt vị tha, độ lượng, đồng cảm; nhưng người hà tiện lại thường hay cay nghiệt, hẹp hòi. Vĩ thanh của cuộc sống đôi khi cũng vẫn còn đó những âm thanh lạc lõng như thế…
Nhưng cũng chẳng sao.
5. Trở lại câu chuyện về Công viên An Lạc. Sau khi nghe Đồng giải thích về ý nghĩa của quy hoạch Bát giác cho khu hung táng, dường như có điều gì đó thật suy tư chợt ùa vào trong lòng mỗi người, nên tất cả đều im lặng theo đuổi những suy nghĩ riêng của mình. Mãi đến lúc ngồi trên xe trở về, qua Đại lộ An Lạc, bỗng có người lên tiếng, nửa như với nhà đầu tư, nửa như với chính mình:
“- Chẳng biết ai sẽ là người đầu tiên về an nghỉ ở đây nhỉ?…”.
Xem thêm: Cic Là Gì – Cic Hoạt động Như Thế Nào
Một lần nữa, câu trả lời của Đồng lại làm chúng tôi như giật mình nhìn lại cõi người:
– Có năm người rồi anh ạ. Đó là năm người tự nguyện hiến thân cho y học. Sau khi hoàn thành công việc, thân xác họ chẳng còn lành lặn, tên tuổi họ cũng chẳng còn ai nhớ nữa, người ta cũng chẳng biết đưa họ đi đâu, về đâu… Chúng tôi dành chỗ này, ngay trung tâm, để đưa họ về, để đền đáp lại những đóng góp thầm lặng của họ. Đấy sẽ là những chủ nhân đầu tiên của nghĩa trang này ngay trong ngày khánh thành…
Nghe Đồng nói mà nước mắt như muốn ứa ra. Đúng là trong cuộc đời này chúng ta còn nhiều điều vô tình quá. Vô tình với cuộc sống, vô tình với con người, vô tình cả với những điều nhân ái, cao cả… Cũng may mà đã có người nghĩ giúp ta điều ấy, để chúng ta vơi bớt đi nỗi ân hận, day dứt; để một lúc nào đó chúng ta chợt nhận ra là mình đã vô tình…
Tiếng của Đồng tuy rất nhẹ, song giữa không gian khoáng đạt của sự thanh tịnh và an lạc này, nó bỗng trở nên da diết, thăm thẳm, giống như cái triết lý trong câu nói mà anh vừa nói đang ngân lên trong lòng. Một triết lý ẩn sâu sau những việc làm trân trọng mà những người hôm nay đã nâng niu dành dụm cho hôm qua và mai sau.
Chuyên mục: Hỏi Đáp