Bạn đang xem: Thẩm phán là gì
Thẩm phán là một chức danh tư pháp, đồng thời là một nghề nghiệp đặc biệt – nghề xét xử. Người thực hiện nghề xét xử được gọi là Thẩm phán. Khi xét xử, Thẩm phán không nhân danh cá nhân hay Hội đồng xét xử mà nhân danh Nhà nước để định tội danh, hình phạt trong các vụ án hình sự, để phân định đúng, sai trong các vụ việc, tranh chấp dân sự, hành chính, lao động, kinh doanh thương mại, hôn nhân gia đình. Khi xét xử, người Thẩm phán phải tuân thủ nghiêm ngặt những nguyên tắc nhất định, trong đó nguyên tắc cơ bản và quan trọng nhất là độc lập, chỉ tuân theo pháp luật. Đó cũng là quyền, trách nhiệm và lương tâm của người Thẩm phán.
Về mặt học thuật, có nhiều quan niệm khác nhau về nguyên tắc khi xét xử Thẩm phán độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Có quan niệm cho rằng nguyên tắc “khi xét xử, Thẩm phán độc lập, chỉ tuân theo pháp luật” là sản phẩm của học thuyết phân quyền tư sản. Theo học thuyết này, quyền tư pháp độc lập với các quyền lập pháp, hành pháp. Quyền tư pháp độc lập tất yếu đòi hỏi người Thẩm phán phải xét xử độc lập. Cũng có quan niệm cho rằng, bản chất của hoạt động xét xử, của các phán quyết của quan tòa là sự bảo vệ công lý, là sự phán quyết của công lý. Và vì lẽ ấy, khi xét xử người Thẩm phán phải thoát ly tất cả, nghĩa là không được để cho tình cảm, ý nghĩ, lợi ích cá nhân chi phối, không được quy phục bất cứ ý chí nào, quyền uy nào ngoài uy quyền pháp luật. Pháp luật là người chỉ dẫn, là mệnh lệnh tuyệt đối, là hiện thân của công lý mà người Thẩm phán là “nô bộc” trung thành.
Có thể còn nhiều quan niệm khác, tuy nhiên, rõ ràng nguyên tắc “Thẩm phán xét xử độc lập, chỉ tuân theo pháp luật” từ lâu đã trở thành nguyên tắc phổ biến trong tất cả các nền tư pháp của các nhà nước. Nguyên tắc này đề cao vị trí thượng tôn của pháp luật; bảo đảm tính khách quan, công bằng của các phán quyết, bởi pháp luật thể hiện ý chí chung, không thiên vị người bị hại, cũng không xử nặng những kẻ tội đồ mà hành vi phạm tội không đáng như vậy. Và quan trọng hơn nguyên tắc này sẽ đòi hỏi những trình tự tố tụng công khai, dân chủ, cho phép xác minh được sự thật khách quan mà nhờ đó và dựa vào pháp luật, người Thẩm phán có thể đưa ra được các phán quyết công bằng.
Như vậy, nguyên tắc “Thẩm phán xét xử độc lập, chỉ tuân theo pháp luật” trở thành điểm tựa của nền tư pháp, của pháp đình, có tính bất khả xâm phạm. Tuy nhiên, sự cao cả, linh thiêng ấy của nguyên tắc “Thẩm phán xét xử độc lập, chỉ tuân theo pháp luật” lại hết sức “mong manh”, dễ bị vi phạm, bởi Thẩm phán cũng chỉ là con người, mọi hành động của họ không chỉ phụ thuộc vào chính họ mà còn phụ thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, vào cơ chế mà trong đó người Thẩm phán chịu sự chi phối, tác động. Vì vậy, để bảo đảm cho Thẩm phán độc lập và chỉ tuân theo pháp luật khi xét xử đòi hỏi phải có những điều kiện nhất định, trong đó có các điều kiện quan trọng và hết sức cần thiết sau:
Điều kiện này không chỉ phụ thuộc vào khả năng, ý chí tự đào tạo, rèn luyện của bản thân người Thẩm phán mà còn phụ thuộc vào công tác tuyển chọn, bổ nhiệm, đào tạo và quản lý công tác đào tạo, bồi dưỡng Thẩm phán trong bối cảnh cải cách tư pháp hiện nay. Theo đó, trước hết cần đổi mới cơ chế tuyển chọn và bổ nhiệm Thẩm phán.
Ngoài ra, để bảo đảm yếu tố tâm lý ổn định, tạo điều kiện để người Thẩm phán yên tâm công tác, rèn luyện, tu dưỡng nâng cao trình độ, nghiệp vụ xét xử cần thực hiện hai giải pháp có tính lâu dài. Trước hết, cần nghiên cứu kéo dài tuổi về hưu, với Thẩm phán cấp huyện là 65 tuổi. Đây là điều cần thiết bởi không chỉ do tuổi thọ trung bình của người dân đã tăng lên đáng kể mà còn bởi thời gian công tác của người Thẩm phán càng lâu thì kinh nghiệm xét xử của họ càng nhiều. Thứ hai, kéo dài nhiệm kỳ Thẩm phán, với Thẩm phán cấp huyện có thể là 7 năm, về lâu dài, cần nghiên cứu chế độ bổ nhiệm Thẩm phán suốt đời, như các công chức khác trong hệ thống công chức Việt Nam.
Mặt khác, cần có chế độ khuyến khích và tạo môi trường thuận lợi để người Thẩm phán thực hiện các nghiên cứu khoa học từ thực tiễn công tác xét xử của bản thân, đồng thời có chế độ kinh phí thỏa đáng cho công tác nghiên cứu khoa học của TAND cấp huyện, thực hiện việc kết hợp chặt chẽ giữa công tác nghiên cứu khoa học với việc nâng cao chất lượng xét xử của Tòa án.
Quan trọng hơn, cần có những đầu tư thích đáng vào công tác đào tạo Thẩm phán bằng việc tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình, nâng cao chất lượng đào tạo nghiệp vụ xét xử của Thẩm phán tại Học viện Tư pháp, tập trung đào tạo nâng cao kỹ năng áp dụng pháp luật trong xét xử các loại án của người Thẩm phán. Mỗi thẩm phán cần nắm vững các kỹ năng cơ bản như: kỹ năng nghiên cứu, phân tích, đánh giá các tình tiết, sự kiện, tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ án cụ thể được giao; kỹ năng tập hợp, lựa chọn, giải thích các quy phạm pháp luật một cách chính xác, phù hợp với các tình tiết, sự kiện, chứng cứ và toàn bộ nội dung cụ thể của vụ án; kỹ năng tổ chức, điều khiển phiên tòa; kỹ năng viết bản án và tuyên án… Để làm tốt vấn đề này, ngành Tòa án cần chú trọng hơn nữa công tác tổng kết kinh nghiệm xét xử, phát triển án lệ, nghiên cứu, tiếp thu kinh nghiệm đào tạo kỹ năng xét xử của Thẩm phán ở các nước, bao gồm các nước theo hệ thống pháp luật châu Âu lục địa và các nước theo hệ thống án lệ, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế về đào tạo Thẩm phán.
– Ngạch A1 áp dụng cho Thẩm phán TAND cấp huyện (Thẩm phán sơ cấp), gồm 9 bậc, hệ số lương bậc 1 là 2,34 và hệ số lương bậc 9 là 4,98.
– Ngạch A2 áp dụng đối với Thẩm phán TAND cấp tỉnh, gồm 8 bậc, hệ số lương bậc 1 là 4,40 và hệ số lương bậc 8 là 6,78.
Xem thêm: Google+ Là Gì – Google Tài Khoản
– Ngạch A3 áp dụng đối với Thẩm phán TAND tối cao, gồm 6 bậc, hệ số lương bậc 1 là 6,20 và hệ số lương bậc 6 là 8,00.
Như vậy, chế độ lương đối với Thẩm phán các cấp không có gì khác biệt với chế độ lương của cán bộ, công chức và không phù hợp với tính đặc thù của nghề nghiệp xét xử của Thẩm phán. Ngoài ra, sự bất cập của ngạch lương Thẩm phán còn ở chỗ số bậc trong một ngạch là quá lớn; nếu tính 03 năm được lên một bậc lương thì Thẩm phán sơ cấp phải mất 27 năm mới hết ngạch A1 và mất 21 năm mới hết ngạch A2 (Thẩm phán trung cấp). Vì vậy, toàn bộ cuộc đời công chức của người Thẩm phán cũng chỉ theo hết các bậc trong ngạch lương A1 mà không thể theo hết bậc lương A2, chưa kể để trở thành Thẩm phán TAND cấp huyện phải có ít nhất 4 năm làm công tác pháp luật.
Từ thực tế trên, ngoài việc tiếp tục nghiên cứu để Thẩm phán được hưởng chế độ bồi dưỡng phiên tòa và phụ cấp trách nhiệm một cách thỏa đáng hơn, cần chú trọng rất nhiều vấn đề trong đó quan trọng nhất là cải cách cơ bản chế độ tiền lương áp dụng đối với thẩm phán. Công việc xét xử của Thẩm phán là một loại lao động đặc biệt, thuộc một nghề nghiệp đặc biệt. Nghề Thẩm phán hay nghề xét xử cũng như các nghề nghiệp khác đều đòi hỏi phải có kỹ năng nghề nghiệp; việc hình thành nghề cũng phải tuân theo những quy tắc, quy trình nhất định, nhưng tất cả quy tắc, quy trình ấy đều được thể hiện dưới hình thức pháp lý, gắn với quy trình tố tụng, bằng hoạt động áp dụng pháp luật có tính tập thể (Hội đồng xét xử), trong đó Thẩm phán là nhân cốt, có tác dụng ảnh hưởng lớn. Điều đặc biệt nữa là hoạt động nghề nghiệp của Thẩm phán không mang tính cá nhân, mà nhân danh Nhà nước, thừa hành quyền lực nhà nước để phân xử đúng sai, để trừng trị hoặc tha bổng, dựa vào pháp luật chứ không dựa vào tình cảm, lợi ích hoặc bất kỳ mệnh lệnh nào. Nói cách khác, việc hành nghề của người Thẩm phán là lao động quyền lực hoàn toàn độc lập, tự quyết định. Vì vậy, đây cũng là nghề có tính trách nhiệm cao và hết sức khắc nghiệt. Phán quyết của Tòa án, mà trong đó, kết quả sự hành nghề của người Thẩm phán là yếu tố quyết định, liên quan đến sinh mệnh, danh dự, nhân phẩm, tự do và tài sản của con người, đến thân phận của một con người. Một phán quyết sai lầm có thể đeo đuổi người Thẩm phán cả đời, dằn vặt lương tâm họ suốt đời. Tính khắc nghiệt trong nghề nghiệp Thẩm phán còn thể hiện ở sự nguy hiểm trong hành nghề, phải đối mặt với cái ác, do vậy tính mạng của bản thân, gia đình luôn bị đe dọa. Những điều đó trở thành áp lực nghề nghiệp lớn. Trong điều kiện kinh tế thị trường, áp lực ấy không chỉ xuất hiện trong các vụ án hình sự, mà cả trong các vụ án dân sự, kinh doanh thương mại, nhất là trong các trường hợp giải quyết phá sản, tài sản tranh chấp lớn.
Từ tính đặc thù trên của nghề nghiệp thẩm phán đòi hỏi Nhà nước, xã hội phải chia sẻ với tất cả những gì có thể, trong đó cải cách chế độ tiền lương của Thẩm phán cần được coi là ưu tiên hàng đầu, theo hướng vừa nâng cao hệ số lương khởi điểm, vừa giảm thiểu hợp lý số bậc trong một ngạch lương, vừa rút ngắn thời gian nâng lương.
Nhà nước cũng cần có những quan tâm, cải cách thích hợp đối với Thẩm phán cấp huyện. Đây là đội ngũ đông đảo nhất, thực hiện việc xét xử lần đầu (sơ thẩm) hầu hết các loại án. Về mặt lý luận và thực tiễn đều cho thấy, nếu việc xét xử lần đầu “thấu tình, đạt lý”, không có kháng cáo, kháng nghị thì TAND cấp tỉnh “không phải xét xử”. Do đó, cần đổi mới nhận thức rằng, không nhất thiết cứ là Thẩm phán cấp huyện thì chỉ hưởng ngạch lương A1, tức ngạch lương sơ cấp; cần áp dụng thi nâng ngạch cho họ mà không bị ràng buộc bởi nơi họ làm việc là Tòa án cấp huyện.
Ngoài ra, bên cạnh những thuận lợi mà Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân năm 2011 quy định cho Thẩm phán khi làm nhiệm vụ xét xử, như được miễn phí cầu, phà, đường; được cấp trang phục, giấy chứng minh để làm nhiệm vụ, cần bảo đảm cho Thẩm phán có đủ điều kiện làm việc, nhất là Thẩm phán làm việc ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Các điều kiện này có thể mở rộng ra như phòng làm việc, hệ thống camera, máy photocopy, máy chiếu, các thiết bị khoa học công nghệ thông tin và đào tạo kỹ năng sử dụng cho thẩm phán.
Cơ chế thực hiện quyền xét xử của Tòa án các cấp thống nhất trong cơ chế tổng thể thực hiện quyền lực nhà nước. Yêu cầu hàng đầu đối với cơ chế ấy là phải bảo đảm cho Tòa án độc lập, chỉ tuân theo pháp luật trong thực hiện chức năng xét xử. Tòa án có độc lập thì thẩm phán mới được độc lập khi xét xử. Để đáp ứng yêu cầu này, đòi hỏi phải giải quyết nhiều mối quan hệ phức tạp như: mối quan hệ lãnh đạo của Đảng đối với công tác xét xử của Tòa án; mối quan hệ giữa cơ quan lập pháp, hành pháp, cơ quan dân cử ở địa phương với Tòa án các cấp; mối quan hệ giữa Tòa án với các cơ quan tiến hành tố tụng; mối quan hệ nội bộ ngành, trong đó mối quan hệ giữa các cấp Tòa án, giữa lãnh đạo Tòa án với Thẩm phán, người trực tiếp thực hiện quyền lực xét xử. Những mối quan hệ này được thể hiện tập trung trong quản lý TAND địa phương của TAND tối cao trên cơ sở phân cấp…
Trong các mối quan hệ trên, mối quan hệ lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động xét xử của Tòa án và mối quan hệ trong quản lý TAND địa phương là những mối quan hệ có tính nhạy cảm, đòi hỏi phải có một cơ chế điều chỉnh phù hợp. Trong bối cảnh cải cách tư pháp, điều ấy đặt ra hai vấn đề:
Một là, cần tiếp tục hoàn thiện mối quan hệ lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động xét xử của Tòa án. Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 của Đảng đã đề cập đến việc hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với công tác tư pháp, trong đó có công tác xét xử, nhấn mạnh: “Đảng lãnh đạo chặt chẽ hoạt động tư pháp và các cơ quan tư pháp về chính trị, tổ chức và cán bộ, khắc phục tình trạng cấp ủy đảng buông lỏng lãnh đạo hoặc can thiệp không đúng vào hoạt động tư pháp… Xây dựng và hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của cấp ủy đảng trong việc chỉ đạo, giải quyết những vụ việc quan trọng, phức tạp; cơ chế phối hợp làm việc giữa các tổ chức đảng với các cơ quan tư pháp và các ban, ngành có liên quan theo hướng cấp ủy định kỳ nghe báo cáo và cho ý kiến định hướng về công tác tư pháp, xác định rõ trách nhiệm tập thể và cá nhân cấp ủy viên trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác tư pháp”.
Chủ trương trên đã xác định những vấn đề có tính nguyên tắc cho việc hoàn thiện mối quan hệ lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động xét xử của Tòa án, cụ thể là cần tăng cường tính pháp lý trong sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động xét xử. Theo đó, những văn kiện lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động xét xử, về công tác chính trị, tổ chức cán bộ ngành Tòa án cần được thể chế hóa thành pháp luật, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng chỉ trong khuôn khổ các quy định của các văn bản thể chế hóa. Về phía Đảng, cần có quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan đảng, đảng viên được phân công trực tiếp lãnh đạo cơ quan Tòa án và công tác xét xử của Tòa án, “tập trung rà soát, xây dựng đồng bộ hệ thống các quy chế, quy định, quy trình công tác để tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị”.
Để phù hợp với chủ trương đổi mới tổ chức hệ thống Tòa án, chuyển tổ chức Tòa án theo cấp xét xử cần đổi mới hệ thống tổ chức đảng trong các cơ quan Tòa án. Theo đó, các tổ chức này được lập thành một hệ thống riêng, không chịu sự lãnh đạo của các tổ chức đảng địa phương, theo nguyên tắc tổ chức đảng cấp dưới (cấp Tòa khu vực) chịu sự lãnh đạo của tổ chức đảng cấp trên và thống nhất chịu sự lãnh đạo của tổ chức đảng cao nhất trong ngành; tổ chức này chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Xem thêm: Năm 2014 Là Năm Con Gì, Vận Mệnh Người Sinh Năm 2014
Việc tổ chức đảng theo mô hình trên có tác dụng phòng ngừa, tránh được sự can thiệp của tổ chức đảng địa phương vào công tác cán bộ cũng như trong hoạt động xét xử, đồng thời cũng là cách thức, phương thức lãnh đạo phù hợp với tính chất, đặc thù của hoạt động xét xử.
Chuyên mục: Hỏi Đáp