Trong báo Tuổi Trẻ cuối tuần ra ngày 5.7.2015 nơi trang 26 – 27 có đăng bài Chuyện kể từ người tham gia làm Britannica tiếng Việt của tác giả Nguyễn Việt Long. Đây là chuyện kể khá công phu và phong phú của công cuộc dịch thuật, đính chính, bổ sung, Việt hóa cuốn Bách khoa thư rút gọn Britannica, suốt 6 năm mới hoàn thành (2008 – 2014) qua ba phần : Nhiều kiểu khó khăn, Xử lý các vấn đề nhạy cảm, Phần của Việt Nam trong từ điển.

Bạn đang xem: Paracel islands là gì

Cuối năm 2014, bộ Từ điển bách khoa Britannica chia làm hai tập được NXB Giáo Dục phát hành. Tôi chưa có bộ từ điển giá trị này để tra cứu, nhưng khi đọc bài báo Chuyện kể… thấy có hai mục từ liên quan đến thời sự nóng hổi là Nam Bộ (Cochin China)Parcel Islands (Hoàng Sa)Spratly Islands (Trường Sa) của bộ dịch từ điển, nên xin góp ý kiến :

*

Cauchin (Giao Chỉ) Bản đồ Plancius khắc năm 1592 ghi tên nước ta là Cauchin (Giao Chỉ) chia ra Đàng Ngoài (Tunquin), Đàng Trong (Cauchinchina). Ở Biển Đông có quần đảo Pracel, bờ biển Quảng Ngãi gọi là Costa de Pracel. Bản đồ Đại Nam thống nhất toàn đồ ghi trên quần đảo Pracel là Hoàng Sa và Vạn lý Trường Sa.

Nguồn: Manguin, sđd, trang 318

1. Mục từ Nam Bộ (Cochin China)

Bài báo Chuyện kể…viết : “Nhóm dịch Việt Nam cũng phát hiện những lỗi sai của bản gốc và đề nghị họ chỉnh sửa. Điển hình là mục từ Nam Bộ (Cochin China) có ghi rằng khu vực này từng là một chư hầu của đế quốc Trung Hoa (the area was a vassal of the Chinese empire)”.

Có lẽ không nên lấy khái niệm Nam Kỳ – Cochinchine (đúng hơn Nam Bộ – Cochin China) xuất hiện từ sau hòa ước Patenôtre 1884 (Pháp chia Việt Nam thành ba kỳ : Bắc Kỳ – Tonkin, Trung Kỳ – Annam và Nam Kỳ – Cochinchine) mà áp đặt vào khái niệm Cochin China chỉ cả nước An Nam trong thời gian soạn thảo Britannica 1768. Bản đồ Mercator 1613 kèm đây cho thấy rõ điều đó.

Người Pháp lấy địa danh Cochinchine đặt cho Nam Kỳ vì không hiểu gốc gác và ý nghĩa thực của địa danh này. Vậy chúng ta nên tìm hiểu qua lịch sử địa danh đã gây nhiều tai hại đó.

Ngoài quốc hiệu chính thức như Văn Lang, Vạn Xuân, Đại Cồ Việt, An Nam, Việt Nam, …, từ thượng cổ nước ta vẫn có tên là Giao Chỉ… mà người Hoa đọc là Kiao Tchi, người Quảng Đông đọc là Kaw Ci, người Mã Lai đọc là Kuchi hay Kochi và người Nhật đọc là Cochi.

*

Nước Cochinchina (Giao Chỉ giáp Tần) tức Đại Việt trong vùng Indiaorientalis (Đông Ấn)

Trích tác giả Mercator, 1613.

Nguồn: Suarez, sđd, trang 194-195

Cuối thế kỷ XV, hai nước Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đua nhau đi khám phá đế quốc Ấn Độ. Kha Luân Bố (Christophe Colomb) vượt Đại Tây Dương tới đất liền Tân Thế Giới tưởng rằng đã tới Ấn Độ vào năm 1492. Vasco de Gama theo hướng đông sang Ấn Độ, vòng dưới mũi Hảo Vọng ở nam Phi Châu rồi theo hướng bắc phát hiện ra thị trấn Calicut thuộc Ấn Độ năm 1498, rồi trở thành Phó vương Bồ Đào Nha cai quản Ấn Độ. Phó vương thứ hai là nhà hàng hải Allonso de Albuquerque (1453 – 1515) có công xây dựng thủ phủ Goa năm 1510, chiếm eo bể Malacca năm 1511. Nhà thám hiểm Francisco Rodrigues còn để lại bản thảo cuộc hành trình ở Đông Nam Á có kèm theo bản vẽ sơ sài về nước ta khoảng năm 1511 – 1512 và ghi tên là Cochim de China. Sau khi chiếm được Malacca, người Bồ Đào Nha thường dùng người Mã Lai làm hướng đạo để phát kiến miền Viễn Đông: Họ hỏi nước ta tên là gì, thì được trả lời là Cochi hay Kuchi, Kochi tức Giao Chỉ. Người Bồ Đào Nha thấy bên duyên hải Ấn Độ cũng có một thị trấn lớn tên là Cochi (cũng đọc là Cochin), nên họ phải ghi tên nước ta là Cochinchine tức nước Giao Chỉ giáp Trung Hoa. Địa danh Chine đã xuất hiện từ đầu hay trước Công nguyên, biến chuyển từ Tần mà ra (nhà Tần, nước Tần), người Hoa âm là T’sin, tiếng Latinh âm là Cin rồi các dân tộc Tây phương ghi là Chine hay China. Như vậy, Cochinchine có nghĩa thực là Giao Chỉ giáp Tần để chỉ toàn quốc Đại Việt hay An Nam từ khi chưa bao gồm đất Nam Kỳ.

Cũng giống như bộ đồ bản Võ Bị Chí 1621 phần vẽ về nước ta ghi rõ quốc hiệu là Giao Chỉ và ở biển phía đông ghi là Giao Chỉ Dương tức biển Giao Chỉ, các bản đồ cổ Tây Phương ghi trên đất liền nước ta là Cochin chine tức Giao Chỉ giáp Tần và ở biển Đông cũng là biển Giao Chỉ giáp Tần. Có thể nói bản đồ cổ Tây Phương ghi đúng như Võ Bị Chí của Trung Quốc. Tuy nhiên, địa danh Cochinchine với nhiều dạng ghi âm tương tự được Tây Phương sáng tạo từ đầu thế kỷ XVI, về sau người ta tưởng rằng đây là một địa danh đa âm chứ không bao hàm ý nghĩa gì. Cho nên từ cuối thế kỷ XVI, nước ta chia ra Đàng NgoàiĐàng Trong, Tây phương (chúng tôi chưa phát hiện cụ thể là ai) liền lấy địa danh Tunquin (hay các dạng tương tự từ nguyên ngữ Đông Kinh) để chỉ Đàng Ngoài và lấy địa danh Cochinchine để chỉ Đàng Trong. Chúng tôi thấy bản đồ Plancius 1592 là tư liệu đầu tiên đặt để các địa danh này. Tuy nhiên, nhiều bản đồ và sách địa lý Tây phương vẫn dùng địa danh Cochinchine để chỉ toàn quốc nước ta cho tới cuối thế kỷ XIX.

Trên biển Đông, suốt ba thế kỷ từ đầu thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XIX, bản đồ Võ Bị Chí 1621 cũng như bản đồ cổ Tây phương đều ghi là Giao Chỉ Dương hay biển Giao Chỉ giáp Tần (Cochinchine). Có lẽ vì không hiểu nghĩa địa danh đa âm này nên người ta bỏ chủ từ (Giao Chỉ) mà chỉ giữ lại túc từ (Tần hay Chine), để ghi là Biển Tần (Mer de Chine hay Chinese Sea). Như vậy là vô lý, người ta lại đổi là Biển Nam Trung Hoa (Mer méridionale de la Chine hay South China Sea). Vì sự ghi sai lạc địa danh như thế, Trung Quốc mới sáng tạo ra cái Lưỡi bò gồm 11 khúc năm 1948, sau bỏ 2 còn lại 9 khúc ghi dấu phạm vi phi khoa học để mưu chiếm toàn biển Đông.

2. Hai mục từ Quần đảo Hoàng Sa – Paracel Islands và Quần đảo Trường Sa – Spratly Islands

Dưới mục Xử lý các vấn đề nhạy cảm… Bài báo viết : “Điển hình là hai mục từ Quần đảo Hoàng SaQuần đảo Trường Sa (với tên gọi trong bản gốc là Paracel IslandsSpratly Islands), có thêm chú thích tên gọi của các bên có tuyên bố chủ quyền, phía đối tác ghi ý kiến gọi đây là khu vực tranh chấp, Việt Nam là một trong các bên có tuyên bố chủ quyền. Rốt cuộc hai mục từ này bị bỏ, kéo theo bản đồ liên quan cũng bị loại bỏ”. Tuy không được đọc phần “hai mục từ” này, tôi cũng tiếc phía đối tác đã loại bỏ, giá như các dịch giả cứ theo đúng tư liệu của Britannica thì cũng đủ chứng minh Hoàng Sa – Paracel Islands và Trường Sa – Spratly Islands đích thực là của Việt Nam. Tôi xin tóm tắt góp ý:

Về quần đảo Hoàng Sa – Paracel Islands

Năm 1511, nhà hàng hải Bồ Đào Nha Allonso de Albuquerque chiếm lĩnh eo bể Malacca. Năm 1523, giới hàng hải Bồ Đào Nha đặt kế hoạch khảo sát bờ biển Giao Chỉ và Giao Chỉ Dương. Năm 1523 – 1527 – 1529, Diogo Ribeiro vẽ ba bản đồ bờ biển Giao Chỉ (chưa đúng lắm) và dải rất dài rộng các đảo san hô và các bãi đá ngầm trong Giao Chỉ Dương, được ghi tên là Parcel (có nghĩa là các đảo nhỏ), sau trở thành địa danh Paracel hoặc Pracel. Bồ Đào Nha giữ bí mật các bản đồ đã vẽ được những khám phá mới, nhưng chẳng bao lâu các nước Tây phương khác đã “ăn cắp” được bí mật và trong hơn ba trăm năm, họ đã vẽ ra hàng trăm, nếu không nói hàng nghìn bản đồ đều ghi khối lớn đảo nhỏ san hô gọi là Paracel hay Pracel trong biển Giao Chỉ Dương và bờ biển của khối đảo ấy (Costa de Paracel) thì ghi ở khoảng Quảng Ngãi.

Năm 1650, Alexandre de Rhodes ấn hành tại Roma một bản đồ Vương quốc An Nam (Regnũ Annam) mà chúng tôi nghi là vẽ theo bản đồ An Nam ghi địa danh bằng chữ Hán của Hồng Đức 1490. Alexandre de Rhodes ghi Đàng Ngoài là Tunkin, Đàng Trong là Cocincina và đặc biệt trên địa điểm Hoàng Sa lại ghi là Pulo Sisi (?)

Năm 1838, triều đình Minh Mạng công bố một bản đồ chính thực mang tên Đại Nam nhất thống toàn đồ tất nhiên bằng chữ Hán, vẽ đất nước ta rất rõ ràng. Ở ngoài khơi biển Đông, từ khoảng ngang với Quảng Nam xuống tới Bình Thuận, có vẽ khối lớn đảo san hô li ti tương đương với các bản đồ Tây phương ghi là Paracel Islands (hay Pracel Islands). Tuy nhiên, mỗi bản đồ vẽ khối hình dạng khác nhau. Chúng tôi thấy hầu như khối đảo li ti của bản Đại Nam nhất thống toàn đồ 1838 vẽ gần giống hẳn bản đồ Bờ biển Đàng Trong – Đàng Ngoài và một phần bờ biển Trung Hoa (Carte des Costes de Cochinchine, Tunquin et Partie de celles de la Chine) của Hà Lan 1749. Bản đồ Hà Lan ghi như các bản đồ cổ Tây phương khác địa danh La Paracel, còn ở Đại Nam nhất thống toàn đồ thì ở phía bắc ghi hai chữ Hán Hoàng Sa, ở phía nam ghi bốn chữ Vạn Lý Trường Sa. Như vậy, với khối đảo li ti trong biển Đông, các bản đồ cổ Tây phương chỉ ghi chung một địa danh Paracel Islands (quần đảo Paracel), còn trên bản đồ Đại Nam 1838 thì đã phân biệt hai quần đảo Hoàng SaVạn Lý Trường Sa.

Xem thêm: Defragment Là Gì – Chống Phân Mảnh ổ Cứng Là Gì

Về nhóm từ Quần đảo Trường Sa – Spratly Islands

Năm 1843, thuyền trưởng hàng hải Anh Richard Spratly tới tham quan miền nam quần đảo Paracel, đi thăm từng đảo san hô và bãi đá ngầm, tới mỗi nơi đều đặt tên theo ngôn ngữ và văn hóa Anh. Có lẽ trước tiên đến một đảo khá lớn, liền gọi là Spratly (Đảo Trường Sa), rồi tới các địa điểm khác, đại loại như South Reef (Đảo Nam), Thitu I. (Đ.Thị Tứ), Amboyna Cay (Đảo An Bang), Loaita I. (Đ. Loai Ta), Fiery Cross (Đá Chữ Thập), Commodore Reef (Đá Công Đo), Johson Reef (Đá Gạc Ma), Latt Reef (Đá Lát), Prince of Wales Bank (Bãi Phúc Tân), Bombay Castle (Bãi Huyền Trân), Barque Canada Reef (Bãi Thuyền Chài), Royal Charlotte Reef (Đá Sác Lốt), …

Không biết từ ai hay chính Richard Spratley đặt tên cho phần phát hiện mới là Spratly Islands (Quần đảo Spratly) mà Việt Nam gọi là Vạn Lý Trường Sa. Phần quần đảo còn lại vẫn giữ tên cũ là Paracel tức quần đảo Hoàng Sa.

Richard Spratly đi thám sát các đảo miền nam Quần đảo Paracel bằng tàu đánh cá voi (British whaler) chứ không bằng tau quân sự. Nên khi xong việc, Richard Spratly không hề tuyên bố vùng quần đảo san hô này thuộc chủ quyền Anh hay của quốc gia nào. Mà hầu như thừa nhận Quần đảo Spratly chỉ là phần phía nam của Quần đảo Paracel và Quần đảo Paracel vẫn luôn thuộc chủ quyền của nước Cochinchine (Giao Chỉ giáp Tần) tức nước Việt Nam (tên này mới đặt từ năm 1804).

Bản đồ Spratly Islands (Quần đảo Trường Sa) với chi tiết địa danh các đảo, có lẽ mới được phổ biến và chấp thuận từ khoảng năm 1850 hay chậm hơn. Chúng tôi thấy một bản đồ nước An Nam của E.G.Rovenstein, nhà khoa học Đức, trích từ Karte ven Hinter-Indien und den Ostindischen Inscin – 1874 có vẽ và ghi tên các đảo trong biển Đông (Chinesisches Meer – Biển Trung Hoa) suốt từ bắc (Hoàng Sa) xuống nam (Trường Sa). Trên hết ghi chữ đặc biệt Paracelins (Quần đảo Paracel) và chữ An nam ở dưới. Ở phía nam có ghi nhiều tên đảo nhỏ, bãi và đá, nhưng không thấy tên đảo Spratly. Như vậy, năm 1874 vẫn còn bản đồ và sách địa lý ghi nhận Paracel Islands (Quần đảo Paracel) là của Cochinchine hay Annam gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa.

Chúng tôi lưu giữ được một bản đồ lớn 74 x 104 cm do sở Thủy văn thuộc bộ Hải quân Pháp thực hiện năm 1885 mang nhan đề Archipel des Paracels (Quần đảo Hoàng Sa) “theo tư liệu của người Đức (1881-1883) và của người Anh cùng người Pháp gần đây nhất”. Bản vẽ gồm hai phần quần đảo: 1) Groupe du Croissant (Nhóm Nguyệt Thiềm) với các đảo, bãi thành viên. – 2) Groupe de l’ Amphitrite (Nhóm Tuyên Đức) với các đảo, bãi thành viên. Địa danh và ghi chú trên bản đồ đều bằng tiếng Pháp. Ít nhất từ năm 1974, Nha Địa dư Quốc gia Đà Lạt khi ấn hành bản đồ Hoàng Sa – Trường Sa đã Việt hóa hết (xem bản đồ đính kèm).

***

Tóm lại, chúng tôi thiển nghĩ: lấy khái niệm Nam Bộ (Cochin China) để sửa sai cho Britannica là không nên. Vì địa danh Cochinchina hay Cochinchine do Tây phương sáng tạo với nguyên âm Giao Chỉ (giáp) Tần mà ra và để chỉ nước An Nam thời xưa. Hàng trăm hay cả ngàn bản đồ cổ Tây phương (bắt đầu từ Bồ Đào Nha) ghi tên biển Giao Chỉ (do Trung Quốc xác định đầu tiên) là biển Cochinchine, rồi tới thế kỷ XVIII hay XIX chỉ ghi là biển China. Sự hiểu nhầm ý nghĩa thực của địa danh sẽ gây ra tai ương cho nước ta!

Đối với “hai mục từ Quần đảo Hoàng SaQuần đảo Trường Sa (với tên gọi trong bản gốc là Paracel IslandsPratly Islands)…”, thì dịch giả hiện đại hóa và Việt hóa khá nhiều, làm cho phía đối tác “loại bỏ” là phải. Đáng lẽ chỉ dùng những tư liệu của chính Britannica để chứng minh ít nhất từ đầu thế kỷ XVI là Quần đảo Pracel hay Paracel (gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa) ở gần bờ biển nước ta và thuộc chủ quyền nước ta mà khi ấy họ gọi là Cochinchine (Giao Chỉ giáp Tần). Còn địa danh Spratly Island mới xuất hiện từ nửa sau thế kỷ XIX và cũng là phần nam của Quần đảo Paracel mà thôi.

Đó là đôi điều góp ý đơn sơ thành thật kính gởi dịch giả và độc giả Từ điển Bách Khoa thư Britannica tiếng Việt. Xin thông cảm và vui lòng chỉ dẫn cho những gì còn sai sót. Xin hết lòng cám ơn.

Nguyễn Đình Đầu

___________________________________________

1 P.Y. Maguin, Les Portugais sur les côtes du Vietnam et du Campa, PEFEO Paris. 1972. Note, trang 42.

2 Manguin, sđd, trang 155 – 156.

3 Nguyễn Đình Đầu, Chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông và Hoàng Sa – Trường Sa. NXB Đại học Quốc gia TP.HCM. 2014. Trang 300 – 301.

4 Manguin, sđd, trang 157.

Xem thêm: Liability Là Gì – Nợ Phải Trả

5 Monique Chemillier Gendreau, La souveraineté sur les archipols Paracels et Spratleys. Paris. 1996. Trang 168.

Chuyên mục: Hỏi Đáp