Tắm Onsen, trải nghiệm không thể thiếu dành cho bất kỳ ai khi đến Nhật. Không những khách thập phương mà ngay cả người Nhật cũng “mê mệt” vì Onsen. Tuy nhiên, có phải Onsen ở đâu cũng được vẽ ra màu hồng như vậy, và cảm giác tắm bồn nước nóng có thật sự như thiên đường.

Bạn đang xem: Onsen là gì

3 mẩu chuyện có thật dưới đây sẽ giúp bạn có cái nhìn khác về suối nước nóng Nhật Bản đấy.

Câu chuyện thứ 1:

Lần đầu đến Nhật, bạn tôi (A) rất háo hức được bước vào bể tắm Onsen xem nó có thật sự tuyệt vời như lời đồn.

Khoả thân xong, A vào tắm vòi sen để làm sạch người, sau đó háo hức ngâm mình vào bồn tắm.

Ảnh: tokyocheapo.com

“Nóng quá”: A giật mình hét lên khi chỉ vừa đưa một chân xuống.

Nước Onsen thường có nhiệt độ dao động từ 40 độ C thế nên nếu không quen, bạn sẽ có cảm giác mông mình bị luộc chín khi chạm vào đáy bồn.

“Chẳng lẽ từ bỏ như thế này? Không được, ngâm một chút rồi sẽ quen thôi!”: A thầm nhủ và động viên mình.

Đúng như vậy, sau 2 phút, cơ thể đã dần thích nghi với môi trường nước nóng, A thả lỏng hơn và không biết tự bao giờ, 30 phút đã trôi qua.

Cảm thấy toàn thân tuy nhẹ nhõm nhưng chẳng còn chút sức nào, định bụng đứng dậy lau người. Thế nhưng, vì ngâm quá lâu mà không nghỉ giữa chừng nên bạn tôi – người chỉ mới lần đầu đi Onsen, lập tức ngất xỉu trên thềm.

May mắn thay, những người bạn cùng phòng lo lắng vì mãi chẳng thấy bạn mình về, thế nên vội vã đi tìm. Đến nơi thấy A “trần trụi, lăn lóc” trên sàn. Đánh thức 3 lần, nó tỉnh lại cả 3 nhưng rồi lại ngất đi tiếp. Cuối cùng, cảm thấy không ổn, những người còn lại buộc phải cõng nó đến trạm xá của khách sạn.

Sau đó, bạn tôi tỉnh lại như không hề có chuyện gì xảy ra. Ngược lại nó còn rất háo hức được đi tiếp lần sau. Thế nhưng, tật ngâm lâu trong bồn là phải “chừa”.

Câu chuyện thứ 2:

Bạn đã bao giờ nghe đến suối nước nóng lộ thiên (露天風呂 – Rotenpuro). Nghe nói rằng vào mùa đông, khi tiết trời trở nên lạnh giá và từng bông tuyết khẽ khàng rơi, nếu ngâm mình trong suối nước nóng lộ thiên thì cảm giác như ở trên tiên cảnh. Cơ thể trong bồn ấm nóng, sảng khoái hoà vào hơi lạnh thổi qua đỉnh đầu, tưởng tượng thôi cũng cảm thấy phấn khích phải không nào?

Ảnh: jpninfo.com

Cô bạn tôi (B) khi nghe nói khách sạn có bồn tắm lộ thiên, liền không chần chừ kéo chúng tôi đi. Thế nhưng, bạn biết rồi đấy, khi thời tiết đến mức có tuyết rơi thì không khí đã vô cùng lạnh lẽo. Thế nên việc tắm bên ngoài khiến chúng tôi chẳng mấy hứng thú. Lôi kéo mãi chẳng được, B đành đi một mình. Suối tắm lộ thiên chỉ cách bồn tắm trong nhà một cánh cửa kéo. Thế nhưng, vào mùa đông, cánh cửa ấy lại là cả một bức tường dày ngăn chúng tôi tận hưởng thiên nhiên.

Xem thêm: Haul Là Gì – Shopee Nội Dung Trên Shopee

Thấy bạn tôi mãi chẳng về, tôi đến chỗ cánh cửa và hỏi lớn : “Mày còn sống không?”

Chẳng thấy tiếng trả lời, tôi đánh liều kéo cửa thì trời ơi, thân thể B run cầm cập và nó chẳng nhúc nhích được như thể vai và đầu bị đóng băng. Đầu nó vẫn còn vài bông tuyết vướng lên.

Tôi liền gọi những người khác đưa B vào trong.

Bạn tôi đã thoát chết như vậy và xin chừa chẳng dám đến gần bồn tắm lộ thiên một lần nào nữa.

Câu chuyện thứ 3: 

Nhóm bạn tôi 3 người (2 nữ 1 nam) kéo nhau đến thành phố Hakone, địa điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh Kanagawa.

Buồn thay, ngày bạn tôi đến, trời mưa bão bùng khiến cả ngày chẳng thăm thú được cảnh quan mà chỉ có ở trong phòng.

Đến tối, sau khi ăn cơm, cả bọn bàn nhau:” Đã đến Hakone mà không tắm Onsen thì thật phí phạm”. Nghĩ vậy, 3 người bạn nhanh chóng tìm kiếm một khu tắm Onsen để ngâm mình. Trong khi 2 người bạn nữ lựa chọn một bồn tắm với mức giá trung bình và trông có vẻ sạch sẽ thì bạn còn lại đề xuất một khu tắm Onsen tự nhiên, giá lại khá rẻ và được tặng kèm 1 phần nước.

Ảnh: shibuonsen

Với sinh viên du học, nghe đến hai chữ “rẻ” và “miễn phí” thì vui còn gì bằng. Thế nên 3 người quyết định chọn khu tắm tự nhiên.

Thế nhưng, đến nơi, 3 người bắt đầu cảm thấy lựa chọn của mình có vấn đề, vì khu tắm nằm trên một ngọn đồi dốc có bậc thang bằng đá chẻ và xung quanh chẳng lấy một hàng quán hay bóng người.

Vì trời cũng đã tối muộn và chẳng kịp chuẩn bị cho phương án dự phòng, 3 người đánh liều vào bên trong. Đứng ở quầy tính tiền chỉ có mỗi bà cụ đã quá 70. Bà chẳng buồn chào hỏi nhiều, chỉ đưa chìa khoá tủ đựng đồ và hướng dẫn 3 người phòng tắm. Đến phòng thay đồ, 2 người bạn nữ mới té ngửa vì có chìa khoá nhưng chẳng có ngăn tủ nào đóng được cả. Chưa kể sàn nhà đầy đất và rác vương vãi…

Đến đây mà lại quay ra thì kỳ quá, thế nên 2 bạn nữ bảo nhau cố gắng nhẫn nhịn. Vào được bồn tắm, cả hai cảm thấy đỡ phần lo lắng vì nước khoáng tự nhiên, ấm nóng rất thoải mái. Thế nhưng đang tắm, bỗng có tiếng hát từ đâu vọng đến, khiến hai “nàng” hoảng sợ. Tuy nhiên “chất giọng này chắc hẳn là của bạn nam còn lại kia” hai người tự trấn an nhau như vậy.

Đến khi tính tiền xong xuôi, bạn tôi mới thắc mắc với bà chủ kia rằng nước uống miễn phí đâu, thì bị dội gáo nước lạnh khi được trả lời rằng :”Làm gì có nước nào?”

Chẳng thể nói gì, chúng tôi đành ngậm ngùi ra về. Trên đường về, bỗng nhớ đến giọng hát nọ. Bạn tôi cất tiếng hỏi bạn nam kia.

-“Hồi nãy bồ hát to thế, vọng qua cả khu nữ”.

Xem thêm: Come Up Là Gì – Come Up Trong Tiếng Tiếng Việt

-“Ủa tui có hát gì đâu!”

Bỗng nhiên, cảm giác ớn lạnh chạy dọc sống lưng 3 người, họ chỉ biết nhìn nhau rồi bước đi cho nhanh ra khỏi bãi tắm “ác mộng” ấy.

Thật là một kỷ niệm ám ảnh phải không nào?

Ảnh: lovethispic.com

Qua những câu chuyện trên đây, có bạn nào thay đổi cách suy nghĩ về Onsen Nhật không?

“Mỗi người mỗi cảnh”, mỗi tình trạng sức khoẻ khác nhau, vì thế khi tắm suối nước nóng bạn phải cân nhắc nhiều thứ khác chứ không chỉ khoả thân rồi nhảy ùm vào là được. Thế nhưng, tóm lại cho cùng, không thử không biết, thế nên khi đến Nhật, dù chỉ một lần thôi, nhất định hãy tắm Onsen bạn nhé!

Chee 

Top 10 Onsen không thể bỏ qua khi đến Nhật Bản

Mùa hè này bạn “chỉ cần quấn khăn tắm”việc còn lại là đến công viên Onsen chơi tàu lượn thôi!

Chuyên mục: Hỏi Đáp