Có 32% dân số thế giới và 35% dân số Việt Nam là Millennials. Đây là một thế hệ có ít nhiều quyền lực trên thị trường tiêu dùng mà nhiều thương hiệu đang cố gắng tiếp cận. Millennials có những insights đặc biệt nào mà những đối tượng khác không có, và các thương hiệu đang khai thác ra sao?
Millennials là ai? Họ là thế hệ sinh từ năm 1980-2000, tức là 8X và 9X mà chúng ta thường gọi. So với thế hệ trước, Millennials được hưởng nền giáo dục tốt hơn và lớn lên cùng với sự phát triển của công nghệ. Do đó mà hành vi mua sắm, tiêu dùng cũng ít nhiều khác đi.
Bạn đang xem: Millennial là gì
Với một lớp người đặc biệt như thế, hãy lắng nghe xem họ đang thực sự nghĩ gì.
“Tôi muốn nhiều hơn”
Millennials ít khi hài lòng ngay với một sản phẩm nào đó. Họ muốn nhiều hơn, rồi lại nhiều hơn một chút.
80% Millennials muốn xem behind the scenes, còn đối với Baby Boomers (những người sinh vào năm 1946-1964) chỉ là 63%. Họ muốn xem after credit, behind the scenes chứ không phải chỉ có mở-thân-kết của một bộ phim.
48% Millennials sẵn lòng mua gói premium để có được trải nghiệm sản phẩm tốt hơn, trong khi chỉ 34% Baby Boomers có nhu cầu này.
73% Millennials chi nhiều tiền hơn cho những thương hiệu đáng tin cậy, trong khi Baby Boomers chỉ có 51%.
Hãy tìm cách đáp ứng cho họ nhiều hơn một sản phẩm bình thường, tìm cách upselling hay cross-selling, hoặc tặng cho họ thêm những giá trị đi kèm khác.
Spotify – dịch vụ nghe nhạc trực tuyến đến từ Thụy Điển là một ví dụ. Hơn 70% khách hàng của Spotify là Millennials. Tính đến quý 2/2019, lượng người dùng của họ là khoảng 222-228 triệu, trong đó lượng tài khoản premium là 107-110 triệu.
“Tôi thích những gì tốt cho sức khỏe”
Cứ 5 Millennials thì có đến 4 người ưa chuộng những sản phẩm lành mạnh, tốt cho sức khỏe, dù giá cả có phần cao hơn đi nữa. Họ thông minh trong cách xem xét thành phần, nguồn gốc sản phẩm, tin tưởng sản phẩm hữu cơ, tự nhiên. Hàng hóa chính hãng, có nhãn mác, xuất xứ, hạn sử dụng rõ ràng cũng sẽ ghi điểm hơn với Millennials.
Bên cạnh việc lựa chọn thực phẩm, Millennials còn xây dựng chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh, bao gồm cả việc tập luyện để có một vóc dáng đẹp. Gym và yoga là những phong trào đang ngày càng thu hút nhiều bạn trẻ. Họ cũng có nhu cầu cao đối với các ứng dụng theo dõi, chăm sóc sức khỏe, cân nặng, hỗ trợ tập luyện…
“Tôi muốn đạt đến sự cân bằng trong cuộc sống”
Một phần lớn Millennials không tìm kiếm một công việc lương cao, mà tìm một công việc giúp họ có được sự cân bằng. Họ nhảy việc nhiều, không chỉ vì muốn thăng tiến, mà là muốn tìm một công việc phù hợp.
Trong mắt lớp người trước, Millennials thường bị xem là một thế hệ lười biếng, chịu đựng áp lực kém, ngại khó ngại khổ. Nhưng Millennials có cái lý của họ khi đang cố cân bằng giữa công việc và cuộc sống.
Như đã đề cập ở trên, Millennials quan tâm đến sức khỏe, không chỉ là sức khỏe thể chất mà còn là sức khỏe tinh thần. Việc phải chịu áp lực trong thời gian dài không chỉ làm mất đi sự hứng thú, đam mê trong công việc, mà còn dẫn đến stress, rối loạn giấc ngủ, bất ổn tâm lý…
Mới đây, Strongbow và Đen Vâu đã khai thác cực kỳ thành công insight này với MV “Bài này chill phết”. Millennials với cuộc sống công sở bức bối gần như phát cuồng với từng ca từ trong bài hát: “Sáng chúng ta làm, vì tờ bạc nhiều màu trong ví – Đêm về ta chill, riêng mình một bầu không khí.” Điều này đủ chứng tỏ work-life balance vẫn là thứ mà Millennials luôn khao khát.
“Tôi còn lâu mới tin vào quảng cáo”
Millennials lớn lên trong thời đại thông tin, giữa sự bủa vây của những lời quảng cáo, mời chào. Họ dần hình thành được “sức đề kháng” với thông tin. Họ trở nên đa nghi hơn và không phải thương hiệu nói gì là đều tin “sái cổ”.
Vậy làm sao để thuyết phục được họ bằng quảng cáo của bạn?
Millennials tận dụng công nghệ và mạng xã hội để kiểm chứng thông tin quảng cáo trước khi “cúng” tiền cho một món hàng nào đó. Có đến 97% Millennials tìm đọc các nhận xét, đánh giá về sản phẩm trước khi mua, và 89% tin vào những đánh giá đó. Thay vì ra sức quảng cáo, mỏi miệng vô ích, hãy tận dụng kênh đánh giá để tạo niềm tin với đối tượng đặc biệt này.
Xem thêm: Residential Area Là Gì – Khu Dân Cư Tiếng Anh Là Gì
Một hình thức khác có thể làm Millennials xiêu lòng chính là những bài đăng từ chính người dùng. Những bài review, “đập hộp” với hình ảnh thật, video thật sẽ khiến họ tin hơn những mẫu quảng cáo hoành tráng.
Ngoài ra, đừng quên tích lũy các chỉ số niềm tin bằng lượt vote trên Facebook, Google My Business, Google Seller Rating…
“Tôi không giàu nhưng tôi không ham rẻ”
Millennials không phải là người có tiềm lực tài chính mạnh. Một số đã có sự nghiệp ổn định, nhưng một số chỉ mới bắt đầu bước vào đời với một túi tiền không mấy rủng rỉnh.
Nhưng đừng vì vậy mà nghĩ họ ham mua đồ giá rẻ một cách bất chấp. Họ quan tâm đến giá trị của sản phẩm. Họ sẵn sàng mua một món hàng giá hơi cao nhưng chất lượng đáng đồng tiền, hơn là một mặt hàng nghe thì có vẻ rẻ nhưng sớm vứt đi.
Như đã đề cập, Millennials có nhiều cách tiếp cận thông tin để “kiểm định” chất lượng sản phẩm trước khi mua. Vì vậy, đừng ngại nếu bạn muốn bán sản phẩm cao cấp cho họ. Hãy tạo điều kiện để họ trải nghiệm và thấy sản phẩm của bạn xứng đáng với giá tiền.
PNJ Next là một thương hiệu trang sức nhắm đến giới trẻ sành điệu, có cá tính, có gu thẩm mỹ. Dù sản phẩm của họ thuộc hàng “sang chảnh”, chủ yếu là trang sức và đồng hồ đến từ các thương hiệu nổi tiếng thế giới, PNJ Next vẫn được đón nhận tích cực. Các cửa hàng với thiết kế sang trọng, tinh tế, tập trung vào tính trải nghiệm, đáp ứng yêu cầu về thẩm mỹ của nhóm khách hàng trẻ.
“Tôi thích các hoạt động bên ngoài”
Khoảng 58% Millennials ăn tối ở ngoài ít nhất 1 lần 1 tuần, đối với Baby Boomers chỉ là 29%.
Trung bình 42% các dịp uống nước của Millennials không diễn ra ở nhà, bao gồm uống nước tại nơi làm việc, quán café, nhà hàng, trường học, quán vỉa hè…
Để phục vụ một thế hệ năng động và bận rộn như vậy, hàng loạt các dịch vụ ăn uống, giải trí mọc lên. Rạp chiếu phim, quán café, quán trà sữa, quán ăn, quán beer… liên tục xuất hiện.
Đồng thời, hãy tận dụng tất cả những phương tiện quảng cáo ngoài trời (OOH) như billboard, màn hình LCD, quảng cáo trên thân xe… Đây là phương thức gây dễ “bắt” được ánh mắt của lớp người tiêu dùng thích dịch chuyển.
“Tôi thích những gì sáng tạo và truyền cảm hứng”
Khi thực hiện các hoạt động marketing dành cho Millennials, hãy lưu ý đến vấn đề này. Họ không phải là đối tượng bị mờ mắt bởi khuyến mãi, giảm giá. Bên cạnh chất lượng, họ còn dành sự ưu ái cho những gì sáng tạo và truyền cảm hứng. Đối với thế hệ trước, chúng ta không thấy được (hoặc không thấy rõ) điều này.
Bao bì ngày càng ảnh hưởng nhiều đến quyết định mua hàng của người tiêu dùng.
Maison Marou là một cửa hàng chocolate tại Sài Gòn. Điểm nhấn của họ là những thanh chocolate được bọc trong giấy gói thanh lịch và đẹp mắt. Nhà thiết kế James Woft sử dụng hoạ tiết hoa văn Việt Nam cách điệu, kết hợp với kỹ thuật in lụa cầu kỳ.
Cửa tiệm cũng được décor như một nhà máy chocolate thực sự để khách hàng quan sát được các công đoạn chế biến đầy nghệ thuật. Như vậy, giá trị sản phẩm không chỉ nằm ở chất lượng chocolate, mà còn là nguồn cảm hứng họ mang lại cho khách hàng.
Tóm lại, Millennials không phải là những khách hàng khó tính, nhưng cũng không hề dễ dãi sao cũng được. Họ chỉ khác biệt so với thế hệ trước, và có đầy đủ những lý do cho sự khác biệt đó. Hãy lắng nghe để hiểu, nếu bạn muốn đưa thương hiệu của mình trở thành một tri kỉ của thế hệ này.
Xem thêm: Thông điệp Là Gì – Nghĩa Của Từ Thông điệp
Insight khách hàng là thứ có thể làm đau đầu mọi marketers, nhưng ai cũng đều khao khát chạm tới. Khám phá những tâm tư giấu kín của khách hàng, dự đoán hành vi và xu hướng của họ là những lý do bạn buộc phải bỏ thời gian nghiên cứu, thăm dò thị trường.
Tham khảo ngay khóa học Market Research tại AIM Academy. Đăng ký càng sớm, học phí càng ưu đãi!
Chuyên mục: Hỏi Đáp