Thông thường, loa bookshelf không có được sự hoành tráng về âm hình, độ sâu, chắc của dải trầm và độ động quyết liệt như ở những cặp loa cột lớn được thiết kế tốt. Tuy nhiên, loa bookshelf lại có thế mạnh riêng và được không ít audiophile lựa chọn dành cho lối nghe tinh tế, sâu lắng ở cự ly gần (near-field), không gian nhỏ.
Bạn đang xem: Loa bookshelf là gì
Những cặp loa bookshelf mà thienmaonline.vn giới thiệu trong bài viết này luôn là niềm khao khát của bất cứ một audiophile nào. Chúng được coi như những cột mốc, đánh dấu bước ngoặt của nền công nghệ chế tạo loa. Thay vì phải sử dụng những thùng loa cực lớn theo thiết kế truyền thống của JBL, Altech Lansing, Klipsch, Bozak, Wharfedale…, các nhà sản xuất loa tại châu Âu đã hướng tới những trải nghiệm âm nhạc không thua kém, thậm chí có phần ấn tượng hơn qua những thiết kế loa nhỏ gọn nhưng công nghệ dẫn đầu.
Có những cặp loa trong danh sách này đã trở thành biểu tượng của ngành công nghiệp thu âm như Roger LS 3/5A (Anh quốc), Celestion SL70 (Anh quốc), biểu tượng của thiết kế loa Isobarik như cặp Totem Mani 2 (Canada), và thậm chí, một biểu tượng của sự thịnh vượng như cặp loa Sonus Faber Extrama (Italia).
Trong trường hợp, bạn bắt gặp một trong 6 cặp loa này được rao bán trên thị trường với tình trạng tốt, chúng tôi không có lời khuyên nào khác ngoài việc hãy nhanh tay mà tìm cách sở hữu. Bởi, một khi đã có chúng trong tay, cánh cửa đến với thế giới âm nhạc sẽ gần gũi, và rộng mở hơn lúc nào hết.
ROGERS LS 3/5A
Mô tả
Được Rogers thiết kế theo đơn đặt hàng của BBC để sử dụng trên xe truyền hình lưu động, Rogers LS 3/5A là mẫu loa monitor nhỏ, linh hoạt và không kén không gian. Chỉ nhỉnh hơn chiếc hộp giày chút xíu nhưng Rogers LS 3/5A sở hữu mạch phân tần với thiết kế sử dụng mạch chỉnh pha và cân bằng dải tần tối ưu, được coi là phức tạp bậc nhất ở thời điểm mà nó ra đời. LS 3/5A được thiết kế 2 đường tiếng với loa tweeter có màng Mylar đường kính 25 mm và loa woofer màng Bextrene đường kính 110mm.
Rogers LS 3/5A thoạt đầu được sử dụng trong công nghệ phát thanh, truyền hình, nhưng nhanh chóng vượt ra ngoài phòng thu và được giới audiophile săn đón bởi âm thanh cực kỳ chính xác, chi tiết và tự nhiên. Cặp LS 3/5A được Rogers chế tạo trong khoảng 1975-1988. Sau đó, nó được nhượng quyền cho các nhà sản xuất Anh quốc khác thực hiện như Spendor (1984), Harbeth (1993), KEF (1996) và Stirling (2007)…
Tính đến thời điểm này, có gần 100.000 cặp LS 3/5A được tiêu thụ. Song thị trường vẫn chuộng nhất những phiên bản đầu tiên của Roger với mẫu loa 14 Ohms/16 Ohms. Một đôi Rogers LS 3/5A nếu còn mới và nguyên bản, có thể được bán với giá cả trăm triệu đồng bởi giá trị sưu tập rất cao.
Âm thanh
Là loa monitor trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình nên Rogers LS 3/5A có chất âm rất tự nhiên, và đặc biệt trung thực trong khoảng tần số tái tạo giọng nói của con người. Loa thể hiện giọng hát rất thực, ấm, rõ, sắc sảo với đầy đủ cảm xúc, như cách nó giúp các phát thanh viên của BBC kiểm chứng lại giọng nói của mình trong những chương trình phát sóng trực tiếp.
Rogers LS 3/5A có dải tần gần như phẳng tuyệt đối trong khoảng từ 200 Hz – 10 k Hz. Do đó, âm nhạc được tái tạo một cách khá hoàn chỉnh và không kén chọn thể loại nhạc. Loa không có tiếng trầm sâu do kích thước thùng nhỏ và kích thước driver nhỏ, nhưng dải trung trầm rất đẹp, chi tiết và tốc độ. Trong một phòng nghe dưới 20m2, loa vẫn có thể xác lập được âm hình rõ ràng, sinh động và ổn định để có thể thưởng thức thoải mái các bản nhạc cổ điển. Tuy nhiên, cần lưu ý đây là cặp loa để nghe near-field, phù hợp với lối nghe tinh, kỹ và sâu lắng của các audiophile khó tính, hợp với nhạc jazz, classic và hòa tấu nhạc cụ.
Loa rất hợp khi được phối ghép với ampli đèn cổ của các hãng Anh quốc hoặc Hoa Kỳ như Leak, Pilot, Eico… Nếu muốn biết bản ghi của bạn có âm thanh thực sự thế nào thì Rogers LS 3/5A sẽ là người kể chuyện trung thực nhất.
Thông số kỹ thuật
Thiết kế: Thùng kín, 2 đường tiếng, đặt trên chân loa
Điểm cắt tần: 3 kHz
Dải tần: 80Hz-20kHz ±3dB
Độ nhạy: 82dB/W/m
Trở kháng thông thường: 16 Ohms
Công xuất ampli khuyến cáo: tối đa 50 watt
Kích thước: 30,5x19x15,9 cm (CxRxS)
Trọng lượng: 5,3 kg
Thể tích thùng lo: 5 lít
Giá tham khảo năm 1975: 430 USD
SONUS FABER EXTREMA
Mô tả
Hai mươi lăm năm trước (1991), sự xuất hiện của Sonus Faber Extrema không khác gì “bom tấn” trên thị trường hi-end. Trước Extrema, chưa có một cặp bookshelf nào được chế tạo một cách phức tạp, cầu kỳ, đầy tham vọng và thậm chí ngông cuồng đến như vậy.
Nhìn cái vẻ ngông ngạo của Extrema, người ta dễ hình dung ra một tài phiệt béo ị xứ Sicilia miệng ngậm tẩu, hay hờ hững ly vang, đang ngồi lim dim ngắm những cánh buồm ra vào vịnh. Cho đến giờ, cũng chưa có cặp bookshelf nào nặng tới 40 kg, sử dụng cả tản nhiệt cho bộ crossover khổng lồ. Ngay cả thời điểm này, cũng chỉ một số rất ít các hãng chế tạo loa hi-end mới sản xuất ra những bộ crossover ngoại cỡ. Có thể nói với Extrema, Franco Serblin đã đi trước thời đại vài chục năm.
Chi tiết nổi bật của Extrema chính là cặp tweeter dome mềm số một thế giới lúc bấy giờ – Dynaudio Esotar T330 đường kính 28mm. Loa midbass đường kính 190mm do Sonus Faber chế tạo sở hữu cuộn dây âm Hexacoil có đường kính tới 145mm! Củ loa có thể chịu công suất tối đa 200 watt, nhưng công suất đỉnh tức thời của nó lên tới ngưỡng 2kW trong thời gian 10 phần triệu giây.
Âm thanh
Sở hữu kích thước và trọng lượng thuộc loại vĩ đại nhất trong thế giới loa bookshelf, người ta thường kỳ vọng vào dải trầm của Extrema không thua kém những loa cột loại lớn. Và nó không làm các audiophile thất vọng. Loa có thể xuống thẳng tắp tới tần số 27 Hz với tiếng trầm nhanh, mạnh, chi tiết. Extrema chơi nhạc với âm lượng cực lớn mà không có dấu hiệu của méo tiếng. Âm hình, âm sắc vẫn vững vàng, tự nhiên.
Khác với vẻ bề ngoài, âm thanh của Extrema lại cực kỳ linh hoạt, uyển chuyển và tinh tế. Các dải âm cân bằng, tiếng trầm không lấn lướt các dải trên và tiếng cao không bao giờ gắt. Âm hình của cặp loa rất chính xác và sân khấu âm thanh cực rộng, cặp loa thường xuyên “biến mất” khi nó chơi nhạc. Giọng loa tuy cân bằng và khá tự nhiên, nhưng vẫn giữ vị ngọt đặc trưng ở dải trung và trung cao của Sonus Faber. Nghe đặc biệt hay với nhạc cổ điển, dàn lớn.
Thông số kỹ thuật
Thiết kế loa: 2 đường tiếng
Loa tweeter: dome mềm đường kính 28 mm
Loa woofer: giấy tẩm khoáng đường kính 190mm
Loa woofer cộng hưởng: KEF B139 hoặc TDL 3021GT03
Điểm cắt tần: 2kHz
Dải tần: 35Hz – 18 kHz
Công suất ampli khuyến nghị: tối đa 200 watt
Kích thước: 460x270x550 mm (CxRxS)
Trọng lượng: 40 kg
Thể tích: 20 lít
Giá tham khảo năm 1991: 12.500 USD
CELESTION SL700
Đặc điểm
Trước SL700, Celestion đã rất nổi với model phòng thu SL600. Để khắc phục một số nhược điểm của dòng SL600 trong khả năng trình diễn tiếng trầm cũng như độ tuyến tính của dải tần, SL700 đã ra đời với kích thước thùng lớn hơn một chút. Loa sử dụng tweeter dome kim loại và woofer màng Kobex đường kính 15cm. Điểm cắt tần của loa nằm ở 3kHz.
Đáng chú ý, xương loa woofer được thiết kế bởi kỹ sư tài danh Graham Bank và tiếp tục phát triển với sự hỗ trợ của công nghệ giao thoa laser, cho phép loa woofer hoạt động như một piston thuần trong suốt quá trình làm việc. Thiết kế độc đáo của loa woofer cho phép màng loa thay vì di chuyển vào vùng mất kiểm soát, vốn thường xảy ra với loa màng giấy, lại hướng sóng âm di chuyển vào màng và hấp thụ hoàn toàn mà không làm suy hao và thất thoát năng lượng.
Viền nhún của loa được cấu thành từ hai loại vật liệu, lớp viền phía trong tiếp xúc với nón loa làm từ PVC, có tác dụng hướng đường đi của sóng âm vào trong màng loa. Lớp màng phía ngoài được làm bằng cao su mềm, cho phép loa có một hành trình thoải mái. Cả hai driver trên SL700 đều do Celestion chế tạo.
Một trong những ưu điểm lớn nhất trong thiết kế của SL700 (cũng như SL600) là lớp vỏ được xử lý bằng vật liệu Aerolam sần chứ không mịn, sau này có một số hãng làm theo như Reference 3A. Lớp vỏ loa này có thể triệt tiêu hiện tượng sóng đứng, âm phản xạ và trượt âm cho âm thanh chi tiết, tĩnh hơn.
Xem thêm: Joke Là Gì
Âm thanh
Celestion SL700 là cặp loa có âm thanh cân bằng hàng đầu của Celestion, song vẫn mang sộ số nét đặc trưng của hãng với cả 3 dải đều rất ngọt. Cho dù thể loại nhạc là gì, khi nghe qua SL700, đều dễ chiếm cảm tình của người nghe. Dải cao êm và ngọt. Tiếng trầm của SL700 tuy không thể sánh với loa lớn, nhưng cũng cực kỳ ấn tượng so với hầu hết loa bookshelf, có khả năng thể hiện được âm thanh của dàn nhạc lớn khá tốt.
Nếu phải chọn ra một danh sách những cặp loa bookshelf có nhạc tính cao nhất, có lẽ SL700 thuộc top 5. Cho dù bạn nghe nhạc rock, nhạc cổ điển hay nhạc vàng đi chăng nữa thì âm thanh của SL700 cũng vẫn quá đỗi quyến rũ. Tất nhiên, loa có tính thư giãn cao như vậy sẽ không quá chi tiết. Âm hình của SL700 cũng không thuộc hàng top trong danh sách những cặp loa được giới thiệu lần này.
Thông số kỹ thuật
Thiết kế loa: Thùng kín 2 đường tiếng
Vỏ thùng: Aerolam
Loa tweeter: màng nhôm đường kính 3,1 cm
Loa woofer: màng Kobex, viền PVC/cao su đường kính 15 cm
Điểm cắt tần: 3 kHz
Độ nhạy: 82 dB
Trở kháng thông thường: 8 Ohms
Công suất ampli khuyến nghị: tối đa 120 watt
Kích thước: 37,5×20,3×24 cm (CxRxS)
Trọng lượng: 6,2 kg
Thể tích: 12 lít
Giá tham khảo năm 1988: 3.000 USD
ACOUSTIC ENERGY AE1
Mô tả
Có đến một nửa trong danh sách này là những cặp loa đến từ nước Anh. Và thú vị hơn, là cả 3 cặp loa đều có xuất xứ phòng thu, có nghĩa là được chế tạo với mục đích ban đầu dành cho hoạt động phát thanh, thu thanh. Và cặp AE1 của Acoustics Energy cũng có lịch sử tương tự. AE1 phiên bản phòng thu có lớp vỏ làm bằng chất liệu chống trượt âm, tuy không thật bắt mắt nhưng rất hiệu quả.
Củ loa midbass của AE1 do Phil Jones (Acoustic Energy) chế tạo và được lắp ráp bởi British Elac có đường kính chỉ 11 cm nhưng công suất rất lớn và tái tạo tín hiệu tần gần như tuyến tính trong dải tần hoạt động của nó. Nón loa được làm bởi hợp kim nhôm, ác-nốt hóa 2 mặt. Lớp mạ dày gần như tạo nên màng loa 3 lớp theo kiểu sandwich, nhẹ nhưng cứng.
Viền nhún của loa được làm bằng cao su – mousse đặc biệt có thể đưa hành trình loa tối đa 20 mm mà không làm màng lệch trục gây méo tiếng. Một công nghệ độc đáo được ứng dụng trên AE1 là màng loa sandwich có thể hấp thụ và tỏa nhiệt từ cuộn dây âm, đảm bảo chi tiết này luôn ở nhiệt độ ổn định trong suốt quá trình hoạt động.
Âm thanh
Đây là một trong những cặp loa nhỏ khó đánh. Lý tưởng nhất là được ghép với ampli bán dẫn class A, công suất lớn. Khi gặp đúng đối tác, cặp loa nhỏ xíu này sẽ khiến bất cứ ai cũng phải ngạc nhiên trước uy lực của nó: âm thanh lớn nhưng rất vững vàng, ung dung như loa cột.
Không chỉ gây ngạc nhiên về công suất, AE1 còn được đánh giá là một trong những cặp loa nhỏ có tiếng trầm cực hay. Tiếng bass của AE1 thực sự có sức nặng, nhưng nhanh nhẹn và linh hoạt, không kéo đuôi. Dải trầm đẹp giúp âm thanh toàn dải cân bằng, chi tiết, bảo toàn được cả những hài âm trung và cao.
Về âm sắc, loa thiên về trầm, ấm. AE1 chơi nhạc đĩnh đạc mà không thiếu phần uyển chuyển, không quá lả lướt như Celestion SL700, cũng không quá chính xác như Rogers LS 3/5A. Trong danh sách này, chỉ có AE1 là tiếp tục được sản xuất.
Thông số kỹ thuật
Thiết kế: Loa 2 đường tiếng, thùng hở
Woofer: Nhôm phủ ac-nốt đường kính 11,5 cm
Tweeter: Nhôm phủ ma-nhê đường kính 2,54 cm
Dải tần: 80 Hz – 17 kHz
Độ nhạy: 84 dB
Trở kháng: 8 Ohms
Công suất chịu tải tối đa: 200 watt
Kích thước: 29,5×17,8×25,4 (CxRxS)
Trọng lượng: 8 kg
Giá tham khảo năm 1986: 1500 USD
DYNAUDIO SPECIAL 25
Mô tả
Là một trong những nhà sản xuất củ loa lớn nhất, và uy tín nhất thế giới, không có lý do gì để Dynaudio không xuất hiện trong danh sách này. Trên thực tế, có đến 2 cặp Dynaudio được đưa ra để lựa chọn vào danh sách này, gồm Special 25 và C1 Platinum. Tuy nhiên, do tính lịch sử và độ “quý hiếm” mà thienmaonline.vn đã quyết định lựa chọn Special 25.
Special 25 được Dynaudio chế tạo như một phiên bản đặc biệt để kỷ niệm 25 năm thành lập hãng vào năm 2002. Đây là cặp loa bookshelf khá lớn hai đường tiếng sử dụng cặp tweeter Esotar 1,1 inch cùng loại trên Confidence C4, một trong những cặp tweeter hay nhất tại thời điểm đó. Special 25 sở hữu phân tần bậc 1 và lỗ thoát hơi rất lớn phía sau cho dải trầm xuống tới ngưỡng 35 Hz!
Là cặp loa đặc biệt có tính biểu tượng nên Special 25 được gia công rất kỹ cả về hình thức lẫn chất lượng âm thanh. Có nhiều màu gỗ để lựa chọn cho vỏ thùng từ óc chó, hồng sắc, cho tới mắt chim… và đều được đánh bóng piano tuyệt đẹp. Lưu ý, Special 25 không quá kén ampli, và càng đầu tư ampli tốt đến đâu thì âm thanh sẽ càng khiến người nghe phải ngạc nhiên tới đó.
Âm thanh
Khác với vẻ bề ngoài vuông thành sắc cạnh, âm thanh của Special 25 lại vô cùng mềm mại, nuột nà, giàu chất thơ. Giọng loa êm và mượt, cho dù chơi thể loại nhạc nào cũng dễ khiến làm người nghe phải xiêu lòng.
Chiết tweeter Exotar đã phát huy tác dụng tối đa khi tái tạo được một dải cao trong vắt, tơi dịu, sang trọng và tuyệt đối không có hiện tượng sạn, gắt âm. Tiếng trầm của loa cũng rất ấn tượng. Trong điều kiện phòng thông thường, tiếng trầm có thể xuống được ngưỡng 30 Hz, tương đương với loa cột lớn. Thừa hưởng công nghệ của Dynaudio nên tiếng trầm của Special 25 có lực, sắc sảo và tốc độ.
Special 2 có âm thanh thuộc loại trung tính, chơi nhạc thiên về thư giãn, êm dịu chứ không “khắt khe” như Roger LS 3/5A. Điểm hạn chế duy nhất của cặp loa là độ động không thật tốt như trên cặp C1 Platinum nên khi thể hiện những khúc nhạc hoành tráng chưa thật đã.
Thông số kỹ thuật
Thiết kế: hai đường tiếng, thùng hở
Điểm cắt tần: 2,4 kHz
Trở kháng: 4 Ohms
Độ nhạy: 88 dB
Kích thước: 222x423x349 mm (RxCxS)
Trọng lượng: 13 kg
Giá tham khảo năm 2002: 5200 USD
TOTEM ACOUSTIC MANI 2
Mô tả
Mani 2 là cặp loa duy nhất trong danh sách có xuất xứ ngoài châu Âu với xuất xứ Canada. Totem Acoustics được giới audiophile đánh giá cao bởi âm thanh của nó vừa có sự ngọt ngào, quyến rũ của loa châu Âu (đặc biệt là loa Anh), lại cũng có độ chi tiết, sự cân bằng và tốc độ của những cặp loa Mỹ.
Bề ngoài, Mani 2 cũng giống như những cặp loa 2 driver, 2 đường tiếng thông thường. Song trên thực tế, loa sử dụng đến 2 củ woofer 17W 75XL của Dynaudio lắp song song theo nguyên tắc Isobaric, một công nghệ độc quyền trên cặp loa cùng tên của hãng LINN. 2 loa woofer của Mani 2 được bố trí theo kiểu nam châm đối nam châm với một lượng khí luôn được bảo toàn giữa hai màng. Nhờ thiết kế này, dải trầm của Mani 2 gần như không có đối thủ đối với loa bookshelf. Mani 2 sở hữu loa tweeter đường kính 1 inch của SEAS.
Mani 2 có ngoại hình đơn giản, nhưng nhã nhặn, lớp vỏ được làm bằng gỗ thịt cứng cáp, chắc chắn, nhưng trọng lượng loa lại khá nhẹ bởi bên sở hữu một kết cấu tối ưu, không có những vật liệu damping và những mộng giằng phức tạp.
Âm thanh
Vẫn mang trong mình “dòng máu” Totem, nên Mani 2 sở hữu chất âm ngọt, dịu đặc trưng ở dải trung cao và cao. Cho dù chơi nhạc thể loại nào thì dải cao của Mani 2 cũng vô cùng dễ nghe, êm ái mà không sạn gắt. Những ý kiến cho rằng, loa tweeter dome kim loại dễ gắt hơn tweeter dome lụa, dome giấy là hoàn toàn chủ quan. Để dải cao được trong, ngọt nhưng vẫn chi tiết, phụ thuộc rất nhiều vào cấu trúc củ loa, mạch phân tần và khả năng xử lý thùng. Tất cả những chi tiết này đều là thế mạnh của Totem.
Xem thêm: Thổ Nhưỡng Là Gì – Góc Tò Mò Giải đáp
Tuy dải cao hơi có một chút ám ngọt, nhưng trung âm của Mani 2 lại cân bằng và tự nhiên, đồng thời rất nhuyễn nên nhạc tính lại càng cao. Với Mani 2, người nghe có thể thoải mái thưởng thức nhiều dòng nhạc đa dạng khác nhau, từ jazz, classic, blues cho tới pop, rock hay thậm chí cả dòng nhạc trữ tình của Việt Nam như nhạc tiền chiến, nhạc bolero…
Với thiết kế Isobaric, Mani 2 sở hữu tới 2 driver woofer nên cho đến nay, Mani 2 vẫn là cặp bookshelf có dải trầm mạnh mẽ và “sạch sẽ” nhất trong số những cặp loa có cùng tầm giá với nó. Nhờ thiết kế Isobaric mà tiếng trầm của Mani 2 rất nhanh, chi tiết và tự nhiên, nghe “đã” tai với nhạc cổ điển và rock. Ngay cả khi so sánh với một số loa cột có tiếng với giá cao hơn gấp 2 lần tiền thì dải trầm của Mani 2 vẫn có thể xuống được sâu hơn, và chi tiết hơn.
Chuyên mục: Hỏi Đáp