Nói về lĩnh vực Kế toán – Kiểm toán, chúng ta không thể bỏ qua KPMG – mảnh ghép cuối cùng trong bức tranh BIG4 thống trị lĩnh vực này. Song song với Deloitte, PwC và EY, KPMG đồng hành cùng các công ty, doanh nghiệp trong mọi dịch vụ kiểm toán, thuế và tài chính. Hôm nay, thienmaonline.vn sẽ cung cấp cho các bạn kiến thức về quy trình thi tuyển và làm việc tại KPMG Việt Nam với vị trí thực tập sinh.
Bạn đang xem: Kpmg là gì
KPMG – mảnh ghép không thể thiếu của BIG4
Giới thiệu chung
KPMG là tên viết tắt của Klynveld Peat Marwick Goerdeler, các công ty tiền thân của KPMG. Sau cuộc đại hợp nhất đầu tiên trong ngành kế toán vào năm 1987 giữa KMG và Peat Marwick, KPMG đã được thành lập.
KPMG xuất hiện tại Việt Nam từ năm 1994 với 3 văn phòng ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng (mới thành lập vào ngày 17 tháng 12 năm 2015). KPMG Việt Nam cho đến nay đã trở thành một trong những công ty cung cấp dịch vụ kiểm toán hàng đầu được công nhận bởi Bộ Tài chính và VACPA về mặt doanh thu, số lượng khách hàng.
KPMG Việt Nam, bên cạnh những mảng dịch vụ rất thiết yếu đối với các khách hàng doanh nghiệp như Kiểm toán, Thuế, Tư vấn doanh nghiệp, còn có thêm các dịch vụ khác như Tư vấn Pháp lý bao gồm các dịch vụ bản quyền, thâm nhập thị trường, tái cấu trúc và các dịch vụ pháp lý liên quan đến M&A, Tư vấn tài chính và mua bán doanh nghiệp.
KPMG với những dịch vụ kiểm toán, thuế và tài chính
Hiện tại, số lượng nhân viên ở KPMG Việt Nam đạt con số 1,000 nhân viên ở 3 văn phòng chính Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng:
Trụ sở KPMG Việt Nam: Tầng 46, tòa nhà Kaengnam, Phạm Hùng, Hà Nội.Văn phòng Hồ Chí Minh: Tầng 10, tòa nhà Sunwah, đường Nguyễn Huệ, Quận 1, HCM.Văn phòng Đà Nẵng: Lầu 5, Tòa nhà Indochina Riverside, 74 Bạch Đằng, Phường Hải Châu 1, Quận Hải Châu, Đà Nẵng.
Thi tuyển thực tập sinh làm việc tại KPMG Việt Nam
Giống như Deloitte và PwC, để trở thành thực tập sinh chính thức làm việc tại KPMG, các ứng viên phải vượt qua 4 vòng thi tuyển “cân não”. Thông thường, quá trình tuyển Internship của KPMG diễn ra từ tháng 8 đến tháng 12. Đối tượng của KPMG khá đa dạng, hầu như không phân biệt trường đại học hay chuyên ngành của ứng viên. Trong bài viết này, thienmaonline.vn sẽ chủ yếu tổng hợp và phân tích kinh nghiệm thi tuyển vào KPMG năm 2017 tại khu vực miền Bắc và bộ phận Audit.
Chương trình tuyển thực tập sinh của KPMG Việt Nam
Vòng 1: Vòng hồ sơ
KPMG sẽ mở đơn nhận hồ sơ online vào khoảng cuối tháng 8 và sẽ đóng đơn vào khoảng đầu tháng 10. Vòng hồ sơ ở KPMG không có nhiều điểm khác so với các BIG còn lại. Bạn nên trang bị cho mình một CV ấn tượng với những hoạt động nhất định cả trong học tập và hoạt động ngoại khóa để các nhà tuyển dụng KPMG có thể nhớ đến bạn. Dù không nên quá lo lắng vì KPMG nhận hồ sơ rất đa dạng, bất kể bạn học trường gì, điểm số không quá cao hầu hết đều có thể vượt qua vòng này; bạn cũng nên cẩn trọng khi viết CV bởi CV sẽ là một trong những yếu tố sử dụng để phỏng vấn bạn trong vòng sau trước khi được chính thức làm việc tại KPMG.
mẫu CV ngành kế toán được làm ở thienmaonline.vn
DÙNG MẪU NÀY
Tiếng Việt
Tiếng Anh
Vòng 2: Vòng Test
Đã từ lâu, KPGM và PwC là 2 BIG không dùng chuyên ngành trong các đề Test. Nhưng những năm gần đây, KPMG đã thêm dần chuyên ngành vào đề Test và độ khó thì cũng tăng dần qua các năm. Thí sinh sẽ được thi ngay tại văn phòng qua các ca, mỗi ca thi tầm 20 – 30 người.
Đề thi của KPMG được đánh giá là không quá khó, nhưng bù lại đòi hỏi tốc độ làm bài rất nhanh của thí sinh. Đây là firm duy nhất không có bài viết essay trong đề thi, thay vào đó là 32 câu trắc nghiệm trong thời gian 30 phút. Nội dung xoay quanh Ethic cũng như những khái niệm cơ bản trong kiểm toán, thuế. Ngoài ra còn có những câu hỏi về EQ, thí sinh phải sắp xếp theo thứ tự ưu tiên của mình để tính điểm.
Cũng chính một phần do KPMG lựa chọn đa dạng thí sinh từ các trường đại học và mới đưa chuyên ngành vào đề Test nên đề thi chuyên ngành không quá khó khăn. Những thí sinh học đúng chuyên ngành thì học giáo trình Kiểm toán căn bản và Kiểm toán tài chính, sau đó học tiếng Anh chuyên ngành là có thể tự tin bước qua vòng này. Những thí sinh học khác chuyên ngành có thể lựa chọn khóa học F8 ACCA – Audit and Assurance vừa mở rộng từ vựng cũng như trạng bị kiến thức chuyên ngành cho mình. Trong môn học này, bạn chỉ cần tập trung vào các khái niệm cơ bản như: Ethic, risk, audit opinion, assertion, audit procedure…
Để vượt qua kì thi tuyển của KPMG, bạn phải nắm vững nội dung từng vòng
Vòng 3: Phỏng vấn với HR
Khác với những BIG khác, kỳ tuyển dụng KPMG 2017 không có phần phỏng vấn nhóm, thay vào đó là 2 vòng phỏng vấn cá nhân. Sau vòng Test, ngoài những thí sinh đã được chọn vào tham gia vòng 3, KPMG còn có danh sách chờ gồm những thí sinh đang ở dạng cân nhắc. Nếu trong vòng 3 này, những thí sinh đã được chọn nhưng không có sự thể hiện thật sự thuyết phục, những thí sinh ở danh sách chờ sẽ được gọi vào phỏng vấn.
Ở vòng này, người phỏng vấn ứng viên thuộc bộ phận nhân sự (HR), thời gian phỏng vấn rất ngắn, thường dao động khoảng 10-15 phút. Tuy thời gian phỏng vấn không quá dài, nhưng với kinh nghiệm phỏng vấn lâu năm, HR sẽ định vị được tính cách và lựa chọn những thí sinh phù hợp. Đặc điểm chung của các vòng phỏng vấn ở KPMG là người phỏng vấn rất thân thiện và luôn tạo cảm giác thoải mái cho thí sinh. Những câu hỏi trong vòng này thường xoay quanh về tâm lý con người và cách giải quyết những vấn đề có thể phát sinh trong công việc.
Nói về vòng Phỏng vấn, một số ứng viên chia sẻ những câu hỏi mình gặp, như là:
“Bạn đang tham gia vào một team kiểm toán, nhưng có thành viên trong nhóm rất lười, giao việc gì cũng nhận nhưng không làm hoặc làm không đến nơi đến chốn. Bạn sẽ xử lý như thế nào?”
“Bạn đang tham gia vào một team kiểm toán tại một công ty. Tuy nhiên, sau cuộc kiểm toán, giám đốc công ty lại nói rằng bạn làm việc không tốt và không có trách nhiệm. Bạn sẽ xử lý như thế nào?”
Mục đích của những câu hỏi này nhằm đánh giá tính cách cũng như khả năng xử lý tình huống của bạn trong thực tế sau này khi làm việc tại KPMG hay bất cứ firm kế kiểm nào khác. Bạn nên trả lời thật với những gì mình suy nghĩ, không nên cố gắng trả lời theo khuôn mẫu vì điều này chắc chắn sẽ không qua khỏi mắt HR. Bạn nên xử lý một cách thật khéo léo, nhưng vẫn phải giữ được tính cách, cái chất riêng của mình. Câu trả lời phải thật sự logic, đồng thời thể hiện bạn là người rất chuyên nghiệp trong công việc.
HR cũng sẽ hỏi nhiều câu hỏi liên quan đến nội dung trong CV. Nếu bạn trả lời không nhất quán, HR sẽ có những câu hỏi thêm. Ngoài ra, những câu hỏi chuyên ngành cũng sẽ được sử dụng trong vòng này. Người phỏng vấn cũng sẽ xem xét điểm GPA của bạn trong CV, nếu đủ cao thì sẽ chỉ hỏi những câu đơn giản như: có mấy loại ý kiến kiểm toán, tiêu chuẩn ghi nhận tài sản cố định…
Tuy nhiên, do có rất nhiều sinh viên không thuộc chuyên ngành Kế toán – Kiểm toán cũng tham gia thi tuyển nên những thí sinh này sẽ không có kiến thức nền quá tốt về chuyên ngành. Thay vào đó, những câu hỏi xử lý tình huống sẽ được áp dụng, còn lại là những câu hỏi chuyên ngành cực kì đơn giản để xem thí sinh đó có chút khái niệm nào về kế toán kiểm toán hay không.
Theo kinh nghiệm của những thực tập sinh đã có thời gian gắn bó và làm việc tại KPMG, các thí sinh nên giữ một trạng thái bình tĩnh cũng như tự tin. Trước người phỏng vấn cực kì thân thiện mà lại tỏ ra lúng túng thì bạn đã đánh mất một phần cơ hội của mình rồi.
Xem thêm: Measles Là Gì – Measles Fact Sheet Thông Tin Về Bệnh Sởi
Vượt qua kì thi, bạn sẽ chính thức làm việc tại KPMG
Vòng 4: Phỏng vấn với Partner
Thời gian vòng này dao động từ 25-40 phút. Những thí sinh đã vượt qua vòng 3 thì có đến 80% khả năng sẽ trở thành thực tập sinh và nhận được cơ hội làm việc tại KPMG. Nếu HR đã hoàn thành rất tốt nhiệm vụ lựa chọn thí sinh trong vòng trước thì đến vòng này, những câu hỏi chủ yếu xoay quanh cá nhân và định hướng nghề nghiệp.
Những câu hỏi thường được đưa ra là: Bạn có apply vào BIG nào không? Nếu có thì bạn cảm nhận mỗi BIG như thế nào? Ngoài ra cũng có nhiều câu hỏi về chuyên ngành tùy thuộc vào chuyên ngành bạn theo học. Nếu bạn có kiến thức nền về kế toán kiểm toán, bạn sẽ được trả lờii những câu về chuyên ngành, có khó có dễ. Còn nếu không học đúng chuyên ngành thì sẽ có những câu hỏi đơn giản đòi hỏi bạn phải có tư duy về kế kiểm cũng như có khả năng theo đuổi ngành nghề này. Ví dụ như: Chi phí quản lý doanh nghiệp sẽ bao gồm những chi phí gì hay tại sao lại phải trích khấu hao cho Tài sản cố định.
Sau 4 vòng thi, số lượng thực tập sinh chính thức được chọn khoảng 48 người.
Thông thường mỗi kì thi tuyển, KPMG lựa chọn khoảng 50 thực tập sinh
Làm việc tại KPMG Việt Nam
1. Văn hóa làm việc tại KPMG
Phương châm hoạt động của KPMG là “Cutting through complexity” – Đơn giản hóa mọi sự phức tạp. Với câu slogan này, KPMG muốn định hướng cho nhân viên của mình tìm ra cách xử lí tình huống tốt nhất cho mọi vấn đề bằng cách nhìn nhận các vấn đê phức tạp và thể hiên nó một cách rõ ràng và đơn giản để đưa ra quyết định đúng đắn.
‘Be Extraordinary. Be KPMG’ cũng là một slogan quen thuộc tại KPMG
KPMG luôn hướng tới giá trị cốt lõi là:
Lãnh đạo bằng cách nêu gương;Làm việc trên tinh thần đồng đội;Tôn trọng từng cá nhân;Tìm hiểu sự thật và thấu hiểu bản chất;Cởi mở và thành thật trong giao tiếp;Cam kết với cộng đồng;Hành động liêm trực.
Điều đặc biệt ở KPMG là công ty nãy sở hữu KPMG Business School (Phòng học nghiệp vụ KPMG) giúp học viên tiếp cận những kiến thức mới nhất về nghiệp vụ, công việc và kỹ năng lãnh đạo. Chính vì vậy khi làm việc tại KPMG, nhân viên vẫn luôn có cơ hội học tập. Điều này cho thấy vấn đề tích lũy trau dồi kiến thức, đào tạo cho nhân viên để có được một nguồn nhân lực chất lượng tốt luôn là sự ưu tiên hàng đầu của KPMG.
Văn phòng KPMG Việt Nam
Bên cạnh hoạt động thường niên hàng năm “KPMG Community Day”, một hoạt động thú vị ở KPMG là chương trình “Feel Good Friday” vào thứ 6 hàng tuần. Mọi người sẽ được làm việc ở bất kỳ nơi nào mình muốn và không phải mặc đồ công sở.
2. Hoạt động xã hội tại KPMG
KPMG Việt Nam tổ chức nhiều cuộc thi, hoạt động để tiếp cận gần hơn với các bạn sinh viên. Có thể kể đến cuộc thi Future Accountant Contest là sân chơi lí tưởng tạo cơ hội thực tập cho nhiều bạn sinh viên đam mê lĩnh vực Kế toán – Kiểm toán hay Cuộc thi giải quyết tình huống kinh doanh quốc tế của KPMG (KPMG International Case Competition) là cơ hội để sinh viên được làm việc với các vấn đề kinh doanh thực tiễn và trải nghiệm thực tế làm việc với khách hàng.
Ngoài ra KPMG cũng tổ chức nhiều buổi office tour để các bạn sinh viên hiểu hơn về văn hóa, cơ cấu tổ chức các phòng ban và có ấn tượng tốt đẹp về công ty. KPMG cũng có học bổng dành cho sinh viên xuất sắc.
Với môi trường làm việc chuyên nghiệp, đề cao sự học hỏi, tiếp nhận kiến thức, tôn trọng và lắng nghe từng cá nhân, KPMG sẽ là môi trường tốt để phát triển và trau dồi bản thân.
3. Chia sẻ thực tế làm việc tại KPMG
Nói về văn hóa và môi trường làm việc tại KPMG, anh T. – cựu thực tập sinh tại đây chia sẻ “đặc điểm nổi bật là môi trường làm việc vô cùng thân thiện, sự đoàn kết trong công việc là rất cao.”
“Điều anh nhớ nhất là các anh chị trong team đều rất cởi mở và nhiệt tình giúp đỡ. Không khí làm việc trừ những lúc deadline thì đều vui vẻ. Đặc biệt intern ở BIG4 sẽ rất tuyệt vì thường sẽ có khoảng 20-30 người cùng vào nên chơi với nhau rất vui, nhiều hoạt động ngoài giờ làm.”
“Thực sự là sinh viên nên đi intern chưa có kiến thức và kinh nghiệm gì cả, công ty đào tạo từ đầu, công việc kiểm toán thì mệt và khá căng thẳng, thường xuyên ở lại cơ quan muộn.
Một ngày làm việc của intern: đến cơ quan trước 8h. Đúng 8h cùng team đến khách hàng. Làm việc đến 12h đi ăn trưa. 1h làm tiếp đến 5h thì rục rịch quay về công ty. Làm việc tiếp tại công ty đến tầm 8h hoặc về nhà làm. Quan trọng là kịp deadline. Thường lúc 6h thì ở văn phòng có ăn nhẹ rất vui. Ở lại muộn nữa được ăn tối miễn phí nên về nhà chỉ việc ngủ!”
4. Chế độ đãi ngộ và lương thưởng
Làm việc tại KPMG nói riêng cũng như tại BIG4 nói chung, sau khi hoàn thành kỳ thực tập, bạn sẽ có cơ hội trở thành nhân viên chính thức. Tùy vào mức độ công việc, bạn sẽ được nhận mức lương khác nhau. Theo review của một số người đi trước đã làm việc tại BIG 4, mức lương của Assisstant tại BIG4 rơi vào khoảng tầm 6,5-7 triệu/ tháng. Còn đối với vị trí Manager, mức lương thường từ $2,000 trở lên.
Xem thêm: reserves là gì
Trên trang website chính thức, KPMG khẳng định “ghi nhận tiềm năng, nuôi dưỡng tài năng và khen thưởng cho thành tích xuất sắc của bạn. Nhưng ngoài chế độ lương thưởng, đãi ngộ cạnh tranh và toàn diện, bạn còn được hưởng lợi từ môi trường làm việc khuyến khích nhân viên hoàn thành mục tiêu và thúc đẩy thay đổi mang tính bền vững. Tất cả chúng tôi đều có chung niềm tin này, và chính sách trọng thị nhân tài của chúng tôi sẽ ghi nhận tài năng của bạn và trân trọng những ý kiến mà bạn mang lại cho đồng nghiệp và khách hàng.”
Vậy là khi làm việc tại đây, bạn phải tự đàm phán mức lương phù hợp với năng lực và khả năng đóng góp của mình cho KPMG.
Kết luận: Vượt qua những vòng thi tuyển căng thẳng, bạn sẽ trở thành một kiểm toán viên tập sự làm việc tại KPMG, tham gia trực tiếp vào những công việc của kiểm toán, gặp gỡ những người mới. Nếu làm tốt, bạn sẽ được cân nhắc lên những vị trí cao hơn và nhận mức lương xứng đáng. Tuy nhiên bạn cũng nên nhớ rằng khi lựa chọn kiểm toán, bạn đã dấn thân vào một công việc đòi hỏi sự vững tâm để đối mặt với áp lực mùa bận và những con số cùng những khách hàng đa dạng. Hãy thật bình tĩnh và chuẩn bị thật tốt để sẵn sàng cho mùa làm việc tại KPMG thành công. Đừng quên rằng, một CV chuyên nghiệp sẽ là chìa khóa đầu tiên giúp bạn mở cửa đón nhận mọi cơ hội việc làm phù hợp nhé!
Bài viết tổng hợp và tham khảo từ SAPP, IJV và một số trang khác, có thể còn nhiều thiếu sót, rất mong nhận được thêm thông tin góp ý, chia sẻ của các bạn để bổ sung cho những hiểu biết về KPMG Việt Nam. Hi vọng rằng qua bài viết, bạn sẽ đúc rút được kinh nghiệm để ứng tuyển và làm việc tại KPMG thành công!
Chuyên mục: Hỏi Đáp