Khi nhắc tới người Hướng nội hay người Hướng ngoại, phần đông mọi người có suy nghĩ rằng người Hướng nội thì nhút nhát và ít nói, còn người Hướng ngoại thì thân thiện và nói nhiều. Đây là một quan niệm hết sức phổ biến nhưng lại không hoàn toàn chính xác. Việc dành ra một chút thời gian tìm hiểu thêm sẽ mang lại kiến thức đúng đắn về mỗi loại tính cách khác nhau. Điều này không chỉ giúp bạn xác định được tính cách của bản thân, lý giải những suy nghĩ, hành vi của mình, mà còn giúp bạn kiểm soát chúng tốt hơn và đưa ra những quyết định phù hợp trong cuộc sống.

 

Khái niệm Hướng nội/Hướng ngoại

Hướng nội/Hướng ngoại là hai trong số 8 yếu tố mà nhà tâm lý học Carl Jung đã đưa ra trong học thuyết nổi tiếng của mình về phân loại tính cách. Tuy nhiên, khái niệm Hướng nội/Hướng ngoại vẫn còn bị nhầm lẫn khi chúng ta nghĩ rằng tính cách của một người chỉ hoàn toàn nghiêng về một bên và đối nghịch với bên còn lại. Trên thực tế, theo lý thuyết của Carl Jung, rất hiếm khi có người 100% Hướng nội hoặc 100% Hướng ngoại, nếu có thì người đó chỉ có thể là bị mất trí. Nói theo cách khác, từ “Hướng nội”, “Hướng ngoại” ở đây cần được hiểu giống như 2 thái cực trên thang đo tính cách. Và phần lớn mọi người sẽ nằm trong khoảng giữa thang đo, với tính cách có “xu hướng” nghiêng nhiều hơn về một bên so với bên còn lại.

Không giống với suy nghĩ thông thường của mọi người về cách phân biệt người có xu hướng Hướng nội hay Hướng ngoại dựa vào mức độ rụt rè/cởi mở, trên thực tế, sự khác biệt của 2 xu hướng này lại nằm ở cách mà họ tái tạo/nạp năng lượng.

Người có xu hướng Hướng nội lấy lại năng lượng của mình bằng việc dành thời gian riêng tư cho bản thân. Họ thường bị mất năng lượng khi ở môi trường phải tiếp xúc với nhiều người trong thời gian dài, đặc biệt là trong những đám đông.Người có xu hướng Hướng ngoại, ngược lại, tái tạo năng lượng thông qua việc giao tiếp với người khác. Những người này thực sự bị tụt năng lượng khi phải ở một mình quá nhiều.

Điều này có nghĩa rằng: người Hướng nội vẫn có thể có kỹ năng giao tiếp tốt, tự tin, cởi mở với mọi người xung quanh, chỉ là sau đó họ cần thời gian riêng tư để cảm thấy thoải mái và nạp năng lượng. Còn người Hướng ngoại cũng sẽ có những lúc muốn được ở một mình, suy ngẫm trong sự yên tĩnh, nhưng thường thì khoảng thời gian này không kéo dài mà được họ bù đắp bằng những cuộc trò chuyện, tương tác với nhiều người khác.

Sự khác biệt dựa trên cơ sở sinh học giữa người Hướng nội và người Hướng ngoại:

Vào những năm 1960, nhà tâm lý học Hans Eysenck đã đưa ra một cách giải thích mang tính sinh học cho sự khác biệt của 2 xu hướng tính cách này trong cuốn sách “The Biological Basis of Personality” (1967). Theo ông, đơn giản là 2 xu hướng có những mức độ phản ứng của cơ thể và não bộ khác nhau đối với các kích thích từ môi trường. Trong đó người có xu hướng Hướng ngoại có mức độ phản ứng thấp hơn đối với kích thích, tức là họ cần phải hoạt động nhiều hơn để đạt được mức phản ứng mà một người cảm thấy bình thường và thoải mái khi không làm gì cả. Đây là lí do khiến họ luôn tìm kiếm những trải nghiệm mới mẻ, phiêu lưu, và mong muốn được ở bên cạnh những người khác. Mặt khác, những người có xu hướng Hướng nội lại có mức phản ứng cao hơn đối với kích thích, do đó họ bị choáng ngợp trước các hoạt động mà đối với người khác là hứng thú, sôi động, hấp dẫn. Vì vậy họ tìm kiếm những cuộc trò chuyện riêng tư với một số ít người về những chủ đề quan trọng, thích ở một mình và ở trong những môi trường có thể dự đoán trước.

Cụ thể hơn, sự khác biệt về mặt sinh học giữa người có xu hướng Hướng nội và người có xu hướng Hướng ngoại được thể hiện qua nồng độ dopamine (một hormone hóa học đóng vai trò mật thiết đối với não bộ, sự học tập và sự kích thích với điều mới mẻ), đặc điểm gen di truyền và quá trình não bộ xử lý kích thích từ môi trường bên ngoài của người đó. Đối với người Hướng ngoại, con đường dẫn truyền xung thần kinh tiếp nhận các kích thích từ bên ngoài tới não bộ ngắn hơn. Đường này đi qua các khu vực não bộ liên quan tới vị giác, xúc giác, thị giác, thính giác, kèm theo đó là sự gia tăng mạnh về nồng độ dopamine. Điều này khiến cho họ trải nghiệm cảm giác phấn chấn, hứng khởi khi thử nghiệm một điều gì đó mang tính kích thích cao. Ngược lại, con đường dẫn truyền xung thần kinh tiếp nhận các kích thích bên ngoài của người Hướng nội dài và phức tạp hơn, đi qua các vùng não bộ phụ trách việc ghi nhớ, sắp xếp kế hoạch và giải quyết vấn đề, nồng độ dopamine của họ cũng thấp hơn.

*

Những đặc điểm của người có xu hướng Hướng nội:

Những người có xu hướng Hướng nội trông có vẻ khó hiểu, vì dường như thật dễ dàng để chúng ta đánh giá họ là những người rụt rè, nhút nhát, trong khi thực ra chỉ là họ cảm thấy mệt mỏi khi phải ở cạnh quá nhiều người. Đối với người Hướng nội, được ở một mình và chìm đắm trong những suy nghĩ riêng tư có chức năng phục hồi giống như một giấc ngủ, và có chức năng nuôi dưỡng giống như một bữa ăn.

Bạn đang xem: Hướng ngoại là gì

Xem thêm: Dsta là gì ?

Xem thêm: Teamwork Là Gì – Những Kỹ Năng Cần Có Trong Teamwork

Người có xu hướng Hướng nội được biết đến với những đặc điểm như: suy nghĩ trước khi nói, yêu thích các nhóm bạn nhỏ và thân thiết, thích các cuộc nói chuyện cá nhân, riêng tư về chủ đề mà họ quan tâm, cần thời gian ở một mình để phục hồi và không thoải mái trước những sự thay đổi đột ngột. Họ không nhất thiết là những người rụt rè, nhút nhát và có thể không né tránh các tình huống xã hội, nhưng họ chắc chắn sẽ cần thời gian một mình hoặc chỉ với một vài người thân thiết (gia đình, bạn bè) sau khi phải tương tác với quá nhiều người trong thời gian dài.

12 cách để chăm sóc cho người có xu hướng Hướng nội:

1. Tôn trọng nhu cầu riêng tư của họ

2. Không bao giờ làm họ khó xử, xấu hổ ở nơi công cộng

3. Hãy để họ quan sát trước ở trong tình huống mới

4. Cho họ thời gian suy nghĩ và đừng yêu cầu những câu trả lời ngay lập tức

5. Đừng làm phiền họ khi họ tập trung

6. Thông báo cho họ trước khi có sự thay đổi

7. Nhắc họ 15 phút trước khi yêu cầu họ hoàn thành công việc gì

8. Góp ý với họ ở nơi riêng tư

9. Đào tạo những kỹ năng mới cho họ một cách riêng tư

10. Cho phép họ tìm ít nhất 1 người bạn thân thiết có cùng sở thích và năng lực với họ

11. Đừng ép họ kết bạn với quá nhiều người

12. Tôn trọng sự hướng nội của họ, đừng cố gắng biến họ thành người Hướng ngoại

 

*

Những đặc điểm của người có xu hướng Hướng ngoại:

Những người có xu hướng Hướng ngoại là những người năng động. Họ thường thích dành thời gian với mọi người vì đây là cách mà họ phục hồi sau những khoảng thời gian ở một mình chăm chỉ làm việc hay tập trung. Đối với họ, việc được tương tác giống như được tiếp thêm năng lượng, càng tương tác nhiều thì năng lượng càng lớn. Khi ở trong đám đông, họ sẽ giao tiếp bằng mắt và mỉm cười, trò chuyện nếu có cơ hội, và những nguồn năng lượng như vậy giống như những điều tích cực và vui vẻ mà họ muốn được cảm nhận mỗi ngày.

10 cách để chăm sóc cho người có xu hướng Hướng ngoại:

1. Tôn trọng sự độc lập của họ

2. Khen ngợi họ trước mặt nhiều người

3. Chấp nhận và khuyến khích sự nhiệt tình của họ

4. Cho phép họ khám phá và được nói ra những điều họ muốn

5. Gây bất ngờ cho họ theo cách chân thành

6. Thông cảm cho họ khi họ đang bận

7. Để cho họ duy trì sự năng nổ, hăng hái

8. Đưa ra cho họ các lựa chọn khác nhau

9. Tạo những cử chỉ, hành động thể chất và sử dụng ngôn ngữ thể hiện tình cảm

10. Hãy để cho họ tỏa sáng

*

Một điều chắc chắn là chúng ta sẽ gặp rất nhiều và đa dạng các tính cách khác nhau trong suốt cuộc đời mình, từ những người cực kỳ hướng nội cho tới những người cực kỳ hướng ngoại, và những người ở giữa 2 thái cực này. Việc thấu hiểu sự khác biệt giữa các xu hướng tính cách sẽ giúp chúng ta có thể thông cảm, chấp nhận, hòa hợp hơn với mọi người và phát huy được những điều tốt đẹp nhất ở họ.

Chuyên mục: Hỏi Đáp