Các HTX đóng vai trò khá quan trọng trong sự phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới của Quảng Nam. Tuy nhiên, để kinh tế tập thể có thể phát triển mạnh, ngoài chính sách hỗ trợ kịp thời của nhà nước, mỗi thành viên HTX phải tự khắc phục những hạn chế của cách làm kinh tế tập thể theo tư duy bao cấp.

Bạn đang xem: Hợp tác xã kiểu mới là gì

BƯỚC ĐỆM ĐỂ VƯƠN TẦM

Toàn tỉnh hiện đã có hơn 77% các HTX thực hiện chuyển đổi theo Luật HTX 2012. Đó được xem là một bước đệm để những HTX này tiếp cận với những chính sách ưu đãi mới.

 

*

Đối với những HTX đủ khả năng cần mở rộng phạm vi hoạt động, trở thành đầu kéo giúp những HTX yếu hơn. Trong ảnh: Nhà máy gạch của HTX Đại Hiệp mang lại nhiều lợi ích cho thành viên của mình.

Gắn kết giữa thành viên

“Thực chất, việc chuyển đổi theo luật mới chính là sự thay đổi về bản chất của một HTX. Nói đúng hơn là buộc HTX đi vào hoạt động theo đúng nghĩa của nó, là hướng về thành viên, mọi dịch vụ của HTX đều ưu tiên phục vụ cho thành viên của mình, mang lại lợi ích gắn với quyền lợi thiết thực của họ…” – ông Phạm Thành Sự, Giám đốc HTX Đại Hiệp cho biết.

Sự thay đổi lớn nhất của một HTX khi chuyển đổi theo luật mới chính là thay đổi cơ cấu bộ máy quản lý của HTX. “Khi đã chuyển đổi thì không còn là ban chủ nhiệm mà là hội đồng quản trị (HĐQT), hoạt động như một doanh nghiệp. Ở đó, lợi ích của thành viên đều như nhau, mỗi quyết định, mỗi thay đổi đều phải có sự thông qua của tất cả thành viên hướng đến sự gắn kết cần thiết để phát triển HTX. Thành viên của HĐQT sẽ phải có được sự tín nhiệm cần thiết, thể hiện bằng năng lực, sự sáng tạo trong chiến lược kinh doanh, từ đó mới giúp cho HTX có được sự thích nghi kịp thời trong giai đoạn mới”- ông Sự cho biết thêm.

Chỉ tính riêng trong năm 2015, doanh thu của HTX Đại Hiệp đạt 22 tỷ đồng, trong đó nhà máy gạch đưa về doanh thu hơn 12 tỷ đồng. Theo ông Phạm Thành Sự, sau khi được Liên minh HTX Việt Nam hỗ trợ vay 3 tỷ đồng để đầu tư vào nhà máy sản xuất gạch men vào năm 2012 với năng suất 150 triệu viên/năm, HTX đã từng bước đạt được sự ổn định. Sau khoảng 2 năm kiến thiết và chững lại do giá gạch bị đứng, hiện nay nhà máy đưa lại doanh thu trung bình hơn 12 tỷ đồng mỗi năm, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm công nhân với mức thu nhập 3 – 5 triệu đồng/ tháng. “Cái cốt yếu là chúng tôi tập trung rà soát hết lại những thành viên của HTX, xác định những người nào thật sự tâm huyết để xây dựng HTX, từ đó có những điều chỉnh phù hợp. Một HTX mạnh không phải cứ đông thành viên là được mà căn bản là phải có sự đồng lòng, sự gắn kết giữa các thành viên…” – ông Sự nói.

Khi đã chuyển đổi theo luật mới, các HTX cũng sẽ có cơ hội để tiếp cận những nguồn vốn vay ưu đãi để mở rộng sản xuất. “Các HTX sẽ tiếp cận được những nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi như các doanh nghiệp vừa và nhỏ, điều mà trước đây chưa có. Đó là bước đệm cần thiết giúp họ có những phương án cần thiết để tăng gia sản xuất”- ông Đoàn Văn Lên, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho hay.

Nhu cầu tất yếu

Một trong những HTX được đánh giá là có sự chuyển biến rõ rệt nhất kể từ sau khi chuyển đổi theo luật mới, HTX Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc đang từng bước khẳng định được vai trò “bà đỡ” của mình cho nông dân. “Trước đây, HTX vẫn hoạt động theo kiểu cũ, công nợ của xã viên rất lớn, thành thử trên giấy tờ thì HTX có tiền nhưng thực chất nguồn vốn của HTX không có, vì vậy, uy tín bị giảm sút. Sau khi thực hiện chuyển đổi, chúng tôi gạt bỏ những gì không hiệu quả, tập trung vào việc bao tiêu sản phẩm, cung ứng các dịch vụ nông nghiệp cho các thành viên. Đặc biệt là từ khi liên kết với các doanh nghiệp để sản xuất lúa giống, đảm bảo được đầu ra cũng như thu nhập thì người dân đã tin tưởng HTX hơn rất nhiều” – ông Trương Cảm, Chủ tịch HĐQT HTX Ái Nghĩa cho biết.

Ban đầu, HTX chỉ làm vài chục hecta, đến nay toàn huyện đã có hơn 225ha liên kết sản xuất giống lúa lai. “Trước đây, chính mình phải tìm đến họ, nhưng sau thời gian hoạt động hiệu quả, họ đã tự động tìm đến mình để xin gia nhập vào HTX. Những người còn nợ tiền của HTX cam kết trả nợ dần, từ đó HTX có thêm nguồn vốn để tiếp tục mở rộng sản xuất. Hiện nay, tổng số thành viên của HTX gần 3.000”- ông Cảm nói thêm.

Từ sau khi chuyển đổi hoạt động HTX theo luật 2012 (thực hiện chuyển đổi vào tháng 7.2013), HTX nông nghiệp Ái Nghĩa từng bước xây dựng các chế độ bảo hiểm nhằm khuyến khích, động viên người lao động tăng cường trách nhiệm đối với công việc. Đối với những người cam kết làm việc lâu dài cho HTX, thực hiện tốt nhiệm vụ được khen thưởng. Ngoài ra, HTX cũng thực hiện chia lãi hàng năm đối với những thành viên thường xuyên sử dụng các dịch vụ HTX, chia lãi từng dịch vụ một cách công khai, minh bạch. “Khi thực hiện chuyển đổi theo luật mới, quyền lợi của thành viên được chú trọng hơn, và tất cả dịch vụ nông nghiệp của HTX đều hướng đến thành viên. Theo luật mới, đã là thành viên thì phải sử dụng dịch vụ của HTX trong 3 năm, nếu không anh sẽ mất quyền lợi của một thành viên. Như vậy sẽ tăng trách nhiệm của mỗi thành viên đối với HTX và ngược lại” – ông Nguyễn Văn An, Giám đốc HTX Ái Nghĩa bổ sung thêm.

Đa dạng hóa ngành nghề

Đã từ lâu, nhiều HTX chọn con đường đa dạng hóa ngành nghề, lấy ngắn nuôi dài để phát triển. Tuy nhiên, tồn tại được theo con đường đó khá ít bởi khi chưa đủ tiềm lực nhưng phải đầu tư dàn trải thì khó có thể đạt được kết quả cao. HTX Điện Quang là một trong những số ít còn duy trì được, thậm chí mở rộng ngành nghề kinh doanh ngày một lớn mạnh.

Hiện tại, HTX Điện Quang có đến 15 dịch vụ để phục vụ thành viên như: nông nghiệp, chăn nuôi, tín dụng, thu gom rác thải, bảo hiểm cho trâu bò… với quy mô ngày càng được mở rộng. Trong năm 2015, doanh thu của HTX đạt hơn 12 tỷ đồng, lãi ròng 250 triệu đồng. Số tiền này ngoài việc chia lãi suất cho các cổ đông thì còn được bổ sung vào quỹ khen thưởng, phúc lợi, đề phòng rủi ro và tích lũy vốn để phát triển sản xuất.

“Chúng tôi vẫn lấy nông nghiệp làm gốc, từ đó phát triển dần những ngành mà địa phương đang thiếu. Bên cạnh đó, kết hợp những mục tiêu phát triển kinh tế của địa phương bằng những dịch vụ thích hợp thì sẽ không bị lỗi thời mà ngày càng mang lại hiệu quả cao. Ví dụ như địa phương chú trọng phát triển đàn bò, chúng tôi có dịch vụ bảo hiểm bò. Nhận thấy nông dân rất cần vốn quay vòng nhưng không được đáp ứng, chúng tôi thành lập quỹ tín dụng…”- ông Nguyễn Đức Thành, Giám đốc HTX Điện Quang cho biết.

Cũng theo ông Thành, việc chuyển đổi theo luật năm 2012 của HTX chỉ là hình thức, bởi từ trước đó HTX đã hoạt động theo những luật mới hiện tại. “Chuyển đổi chỉ là bước đệm để các HTX tiệm cận hơn với các chính sách ưu đãi. Nhưng bản thân mỗi HTX, mỗi cán bộ lãnh đạo nếu không chuyển đổi tư duy phù hợp thì cũng không đổi mới được gì. Vì vậy, chúng tôi rất chú trọng đến việc nâng cao năng lực của mỗi cán bộ, nhất là tầng lớp kế cận” – ông Thành tâm sự.

HTX Duy Thành, huyện Duy Xuyên cũng được biết đến là một HTX nông nghiệp đa dạng ngành nghề. Tuy nhiên, khác với HTX Điện Quang, HTX Duy Thành chỉ chuyên về các dịch vụ nông nghiệp nhằm hỗ trợ tối đa cho thành viên trong mỗi vụ mùa. Doanh thu của HTX trong năm 2015 đạt hơn 4,5 tỷ đồng, lãi ròng trên 102 triệu đồng. “Ngay từ đầu năm, chúng tôi liên kết với các công ty sản xuất lúa giống ở Thái Bình, Quảng Bình… rồi mua vật tư cần thiết cho một vụ mùa, cung cấp cho nông dân. Họ không phải trả tiền mà cứ đến cuối vụ thu hoạch thì tính tiền rồi trả lại cho chúng tôi. Nói chung, họ chỉ cần bỏ sức, còn tất cả mình có thể làm thay họ. Như vậy vừa giúp nông dân đỡ cực mà HTX lại có thể phát triển tốt hơn…” – ông Hồ Điền, Giám đốc HTX Duy Thành nói.

MỐI GẮN KẾT TỪ ĐÂU?

Có ý kiến cho rằng, nhiều địa phương thành lập HTX để đối phó, bởi đó là một trong những tiêu chí để công nhận nông thôn mới. Và thực tế đã chứng minh rằng, những HTX kiểu đó sớm muộn gì cũng… bể. Một HTX được thành lập, phải là xuất phát từ nhu cầu thực tiễn thì mới phát triển bền vững.

 

*

Với sự chuyển đổi kịp thời, nhiều HTX đã vươn mình, từng bước trở thành “bà đỡ” của nông dân. Trong ảnh: Các dịch vụ nông nghiệp của các HTX giúp nông dân giảm bớt được sức lao động.

Bám sát địa phương

Một trong những tồn tại trong việc xây dựng kinh tế tập thể là sự phối hợp giữa chính quyền địa phương và HTX vẫn còn rất ít. Ngược lại, nhiều HTX vẫn chưa chú trọng đến mục tiêu phát triển kinh tế của địa phương là gì để từ đó có những điều chỉnh phù hợp, kịp thời tạo thành một khối gắn kết. “Hiện nay, vai trò của tổ hợp tác, HTX trong phát triển kinh tế địa phương là không thể phủ nhận. Chính vì vậy, chúng tôi đã có những điều chỉnh để kịp thời hỗ trợ cho họ phát triển. Nhất là việc mở rộng sản xuất kinh doanh, tăng cường liên kết với các doanh nghiệp để sản xuất, tạo thị trường, tạo đầu ra ổn định cho nông sản địa phương, nhất là những nông sản đặc thù, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân” – ông Hồ Ngọc Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết.

Xem thêm: Phân Bổ Tiếng Anh Là Gì – Phân Bổ In English, Translation, Vietnamese

Theo ông Mẫn, chính quyền địa phương đang tích cực thực hiện Nghị quyết 46, 124 của UBND tỉnh về đẩy mạnh hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể của địa phương. “Ngoài ra, huyện cũng có một khoản từ nguồn vốn sự nghiệp, được giao cho phòng nông nghiệp của huyện quản lý. Nếu HTX nào mở ra một dịch vụ mới, ngành nghề mới thích hợp thì sẽ nhận được hỗ trợ từ nguồn này để khuyến khích họ làm cho tốt”- ông Mẫn nói thêm.

Ông Lê Thìn, Giám đốc HTX Điện Phước I cho biết, sự phối hợp giữa chính quyền địa phương là hết sức cần thiết. “Ở đây không chỉ là chuyện chủ trương, chính sách mà là câu chuyện của sự đồng lòng. Người dân sẽ tin tưởng hơn nếu tất cả đều thống nhất chủ trương, ý kiến: trồng cây gì hay nuôi con gì cho có hiệu quả”- ông Thìn cho hay.

Với hơn 1.800 thành viên, HTX Điện Phước I đã phối hợp với chính quyền địa phương trong việc xây dựng nông thôn mới. Với những dịch vụ như điện, thủy lợi… các thành viên đã đóng góp hơn 3,9 tỷ đồng cho việc xây dựng nông thôn mới. Đó là những đóng góp ngày công, hiến đất để làm đường vì mục tiêu chung của xã. “HTX đã phối hợp trực tiếp với từng ban chấp hành của mỗi thôn, từ đó có những điều chỉnh sao cho phù hợp. Vừa có thể tăng thu nhập cho HTX, vừa góp sức, chung tay với địa phương trong công cuộc chung”- ông Thìn nói.

Cần nỗ lực từ hai phía

Cơ chế, chính sách hỗ trợ đã có, tuy không phải là nhiều, nhưng ít ra cũng có thể làm thay đổi diện mạo của phong trào này. Theo ông Phan Minh Dũng, Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, để kinh tế tập thể phát triển được đúng bản chất thì cần phải nhìn nhận lại một cách toàn diện, rồi từ đó có những cơ chế đặc thù nhằm hỗ trợ HTX phát triển. “Để góp phần xây dựng phong trào kinh tế tập thể của địa phương, chúng tôi đã xây dựng 2 đề án là kiên cố hóa giao thông nội đồng, kênh mương thủy lợi và cải tạo đất màu. Một khi đất đai được cải tạo tốt sẽ thu hút được các nhà đầu tư liên kết sản xuất, cộng với việc kênh mương nội đồng được đảm bảo sẽ giảm được các phụ phí không cần thiết, từ đó tăng sức cạnh tranh cho HTX để kéo doanh nghiệp về phía mình” – ông Dũng cho biết.

Cũng theo ông Dũng, huyện cũng đang xem xét để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho HTX, đây cũng là một đột phá mới rất quan trọng. Khi có được quyền sử dụng đất, HTX có thể thế chấp cho các ngân hàng, các nguồn quỹ hỗ trợ để vay vốn mở rộng sản xuất.

“Ngoài việc trông chờ vào những chính sách hỗ trợ, bản thân các HTX cũng phải có sự thích ứng kịp thời. Muốn như vậy thì bộ máy quản lý cần phải có được tư duy phù hợp, có chiến lược kinh doanh. Có một nghịch lý rất lớn, khi là các tổ hợp tác thì hoạt động rất hiệu quả, nhưng đến khi nâng tầm lên quy mô của một HTX thì lại… bể. Nguyên nhân là năng lực của ban quản trị HTX còn hạn chế, không theo kịp sự thay đổi”- ông Nguyễn Thanh Tài, nguyên Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết.

Tính đến cuối tháng 11.2015, toàn tỉnh có hơn 2.500 tổ hợp tác, trong đó thành lập mới 42 tổ hợp tác, đây là kết quả cao nhất từ trước đến nay. Những tổ hợp tác này đều xuất phát từ nhu cầu của từng hộ cá thể liên kết để tìm hướng đi mới như: sản xuất rau sạch, mây tre đan, chăn nuôi gia súc, gia cầm…“Tuy nhiên, đó chỉ là sự liên kết của vài ba hộ nên sự gắn kết rất tốt. Còn khi đã thành lập HTX thì sự gắn kết đó dần mất đi. Đó là vấn đề. Nếu ban quản trị HTX đủ năng lực để giữ gìn và phát triển mối quan hệ đó tốt thì HTX mới có thể tồn tại” – ông Tài nói thêm.

ĐỊNH HƯỚNG CHO KINH TẾ TẬP THỂ

Làm thế nào để vực dậy kinh tế tập thể, với loại hình hợp tác xã? Chúng tôi ghi nhận vài ý kiến từ những người có trách nhiệm.

 

*

Sự phối hợp giữa chính quyền và HTX cần được phát huy để đạt hiệu quả của kinh tế tập thể.

* Ông Võ Kim Cự, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam: Cần tập trung mở rộng quy mô của HTX

 

*

 

Hiện nay, các HTX ở Quảng Nam có được một sự phát triển nhất định. Tuy nhiên, có nhiều HTX vẫn chưa dám mở rộng quy mô của mình để bước sang một giai đoạn mới. Một HTX mạnh có thể trở thành đầu kéo cho các HTX khác, từ đó mở rộng địa bàn hoạt động cũng như các dịch vụ kèm theo. Một khi đã hoạt động có hiệu quả thì tin rằng khi mở rộng ra cũng sẽ gặt hái được thành công.

Các HTX cần phải tập trung phát triển những dịch vụ là nhu cầu bức thiết của xã hội, từ đó không sợ bị lỗi thời, có thể tồn tại lâu như quỹ tín dụng. Cái này, HTX Điện Quang đã làm rất tốt và hiệu quả cao. Có thể nói, đây là mô hình điểm cần nhân rộng của tỉnh, thậm chí cả nước. Ở đây hội tụ được những điều kiện cần và đủ để cho một HTX kiểu mẫu. Cái được của HTX Điện Quang là họ biết cách xây dựng chuỗi giá trị liên hoàn, trong đó HTX là chủ thể. Chỉ cần xây dựng được thị trường thì có được tất cả yếu tố như: vốn, công nghệ và thu nhập. Để làm được điều đó cần phải có kỹ năng quản lý khoa học, sát với thực tiễn.

Hiện nay, Quảng Nam vẫn còn nhiều HTX hoạt động cầm chừng, không hiệu quả, vì vậy, những HTX có khả năng, có điều kiện cần liên kết để vực những HTX này lên (như Liên hiệp HTX), từ đó mở rộng địa bàn hoạt động, không chỉ gói gọn trong 1 xã mà là 2 – 3 xã, thậm chí là cả huyện…

* Ông Lê Trí Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh: Tập trung phát triển các HTX nông nghiệp

 

*

 

Quảng Nam đang là một tỉnh nông nghiệp, vì vậy cần phải chú trọng phát triển kinh tế theo thế mạnh của mình. Hiện nay, trong số 165 HTX đang hoạt động của tỉnh thì có đến 133 là HTX dịch vụ nông nghiệp. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tổ chức tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo… ở những lĩnh vực này HTX có vai trò tối quan trọng.

Để vực dậy được mảng kinh tế này, cần có sự đánh giá đúng về bản chất hiện tại. Các HTX nông nghiệp vẫn còn ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún, trình độ quản lý của các cán bộ HTX còn hạn chế. Vì vậy, tỉnh sẽ có những điều chỉnh kịp thời để cải tổ kinh tế hợp tác. Mỗi năm, tỉnh sẽ hỗ trợ không dưới 10 tỷ đồng để giúp các HTX có thể mở rộng quy mô, phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, Quỹ hỗ trợ phát triển HTX cũng sẽ được bổ sung 7 tỷ đồng/năm. Như vậy mới hy vọng có cải thiện.

Cũng trong thời gian tới, cần phải đẩy mạnh chuyển đổi các HTX còn lại theo luật năm 2012, chậm nhất là đầu quý 2 năm 2016 sẽ hoàn thành tất cả. Đối với những HTX đã chuyển đổi cần tiếp tục phát triển theo hướng hỗ trợ trực tiếp trong nông nghiệp, HTX phải là cầu nối liên kết giữa doanh nghiệp với người dân để đầu tư vào nông nghiệp. Đây là nhiệm vụ quan trọng nhất.

UBND tỉnh cũng sẽ quyết liệt vào cuộc, khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với HTX, nông dân để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, nhất là các nông sản lợi thế của Quảng Nam. Chủ trương của UBND tỉnh là không nhất thiết phải đông mà cần ở chất lượng, phải giải quyết được từng khâu trong sản xuất nông nghiệp. Có thể 3 – 4 HTX gộp lại thành một nhưng phải đảm bảo việc giúp nông dân phát triển thì vẫn tốt hơn là nhiều HTX mà không giải quyết được chuyện này. Phát triển sản xuất là gốc, các dịch vụ kèm theo là điều kiện cần.

* Ông Đoàn Văn Lên, Chủ tịch Liên minh HTX Quảng Nam: Các HTX cần tự cải tổ chính mình

 

*

 

Với sự hỗ trợ từ các chính sách, các HTX trên địa bàn đang có lợi thế lớn để phát triển, đặc biệt là với sự ra đời của Quỹ hỗ trợ phát triển HTX. Quỹ hỗ trợ HTX được thành lập từ năm 2012 đến nay, đã xem xét giải ngân cho 110 dự án của 90 đơn vị (64 tổ hợp tác, 26 HTX), trong đó có 91 dự án được vay đầu tư tính lãi suất ưu đãi với tổng số lượt vốn 41,2 tỷ đồng và 19 dự án được hỗ trợ vốn có hoàn lại vốn gốc với tổng số lượt vốn 1,9 tỷ đồng. Về cơ bản, Quỹ đã cố gắng giải ngân cho nhiều dự án có triển vọng khả thi, góp phần giúp các HTX từng bước vượt qua khó khăn.

Hiện nay, đã có hơn 77% các HTX thực hiện chuyển đổi theo Luật HTX 2012, nhưng không hẳn là cứ chuyển đổi là hoạt động hiệu quả ngay. Đó chỉ là bước đệm giúp các HTX tiếp cận được với các cơ chế, chính sách hỗ trợ. Điều còn lại phụ thuộc vào chính bản thân của những HTX này. Để phát triển một cách bền vững, tồn tại trong cơ chế thị trường như hiện nay thì đòi hỏi các HTX này cần có sự đột phá từ bên trong. Những lối mòn trong suy nghĩ kiểu cũ cần được dẹp bỏ, thay vào đó là sự năng động, linh hoạt nhằm thích ứng một cách tốt nhất với biến chuyển của thị trường.

Xem thêm: Tắc Te Là Gì – “Con Chuột” Để Làm Gì

Các HTX cần tập trung đầu tư cho những ngành dịch vụ có triển vọng, gắn với quyền lợi của mỗi thành viên trong HTX. Bởi các HTX hiện nay đều lấy thành viên làm nòng cốt, các dịch vụ đều hướng đến nhu cầu của thành viên. Một khi đã đảm bảo được cuộc sống, thu nhập cho họ thì HTX mới vững được. Quan trọng nhất vẫn là phối hợp với chính quyền địa phương (huyện, xã) trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế tập thể của địa phương. Bởi nếu không có sự quan tâm đúng mức của chính quyền sở tại thì các HTX khó có thể phát triển. Cần phải gắn kết việc phát triển kinh tế của địa phương với phát triển HTX. Thực chất, muốn phát triển kinh tế thì việc đầu tiên phải chú trọng đến kinh tế hộ, nghĩa là đi từ tầm vi mô. Khi đã vững chắc mới nghĩ đến chuyện mở rộng, nâng tầm thành tổ hợp tác hay HTX sau này.

Chuyên mục: Hỏi Đáp