Coi giáo sư, phó giáo sư chỉ là chức danh khoa học, không phải là chức danh nghề nghiệp khiến cho nó “oai hơn”, và dễ gây “dị ứng” hơn.

Bạn đang xem: Giáo sư là gì

Việc Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước công bố 1.226 ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư và phó giáo sư năm 2017 làm xôn xao dư luận đến mức Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo phải rà soát. Đây là việc chưa từng có.

Vì sao như vậy?

Nguyên nhân trực tiếp, dễ nhìn thấy là số lượng 1.226 ứng viên được công nhận lần này, bị coi là nhiều. Nhưng nếu lấy 1.226 ứng viên đạt chuẩn giáo sư (85) và phó giáo sư (1.141) chia đều cho khoảng 350 đại học ở Việt Nam thì thực ra trung bình mỗi trường lần này chỉ có 4-5 giảng viên được công nhận. Trong bối cảnh tỷ lệ giáo sư, phó giáo sư của các đại học ở Việt Nam mới đạt khoảng 15-16% số giảng viên, thì số lượng đó không phải là nhiều, nếu không nói là ít.

Vấn đề làm ồn ào dư luận là số lượng ứng viên được công nhận năm nay tăng đột biến so với năm trước (hơn 60%). Trong bối cảnh các tiêu chuẩn để được công nhận giáo sư, phó giáo sư sẽ được thắt chặt hơn trong năm tới, trong đó có những tiêu chuẩn bất khả thi với nhiều người (công bố trên các tạp chí quốc tế thuộc danh mục SCOPUS, ISI), sự gia tăng đột biến về số lượng này làm cho dư luận nghi ngờ nhiều ứng viên đã tranh thủ lên chuyến tàu vét, và có thể có hội đồng đã xuê xoa cho lọt nhiều ứng viên chưa đủ chuẩn. Thủ tướng đã có ý kiến chỉ đạo, Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước và các Hội đồng ngành đang xem xét rà soát, chắc chắn sẽ có câu trả lời trước công luận.

Ngoài lý do dễ thấy trên, còn hai nguyên nhân nữa dễ làm nóng dư luận xã hội. Thứ nhất liên quan đến việc xác định nội hàm các chức danh giáo sư, phó giáo sư. Ở hầu hết đại học trên thế giới, Professor (giáo sư), Associate Professor (phó giáo sư) và Assistant Professor (tạm gọi là trợ giáo sư) là 3 chức danh khoa học, đồng thời cũng là 3 chức danh nghề nghiệp chính (để hưởng lương) của giảng viên đại học.

Ở Việt Nam thì khác, giáo sư và phó giáo sư được coi là chức danh khoa học (trước đây hay gọi là học hàm) của giảng viên đại học chứ không phải là chức danh nghề nghiệp. Hệ thống chức danh nghề nghiệp chính thức của giảng viên đại học Việt Nam là giảng viên (hạng III), giảng viên chính (hạng II) và giảng viên cao cấp (hạng I), chứ không phải là giáo sư, phó giáo sư. Để xếp bậc lương cho các giáo sư, phó giáo sư (nhằm tránh cái danh hão), trước đây phó giáo sư được xếp ngang với giảng viên chính, giáo sư ngang với giảng viên cao cấp, nhưng từ năm 2016 cả hai đều thuộc bậc giảng viên cao cấp.

Quan niệm coi giáo sư, phó giáo sư chỉ là chức danh khoa học mà không phải là chức danh nghề nghiệp làm cho danh giáo sư, phó giáo sư ở Việt Nam có vẻ “oai hơn”, và vì vậy cũng làm cho xã hội dễ gây “dị ứng” hơn. Nếu quan niệm giáo sư, phó giáo sư cũng là chức danh nghề nghiệp, thậm chí đơn giản chỉ gọi là giảng viên hạng I, hạng II, hạng III đúng như hệ thống chức danh nghề nghiệp của giảng viên đại học Việt Nam (mặc dù so với thế giới thì chả giống ai), chắc xã hội sẽ ít ồn ào hơn!

Nguyên nhân thứ hai liên quan đến cách thức đánh giá, công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư. Ở nước ngoài, đây đơn giản chỉ là hoạt động tuyển dụng hoặc nâng ngạch nghề nghiệp cho giảng viên đại học, diễn ra hàng năm, hoàn toàn do các trường đại học quyết định (thông báo chỉ tiêu, nhận hồ sơ ứng viên, thành lập hội đồng tuyển dụng hoặc nâng bậc, với thành viên chủ yếu là giáo sư, nhà khoa học cùng ngành/chuyên ngành), ít ai quan tâm.

Xem thêm: Số Hữu Tỉ Là Gì – định Nghĩa Số Hữu Tỉ Trong Số Học

Còn ở Việt Nam, như chúng ta biết, nó diễn ra tới 3 vòng: vòng Hội đồng cơ sở (xem xét, đánh giá các tiêu chuẩn cứng nói chung), vòng Hội đồng ngành (xem xét, đánh giá chủ yếu các tiêu chuẩn liên quan đến chuyên môn), vòng Hội đồng nhà nước (xem xét, bỏ phiếu quyết định).

Điều khó hiểu là vai trò của Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước? Hội đồng có 31 vị thuộc 31 ngành hoặc chuyên ngành khác nhau, làm sao có thể đủ năng lực đánh giá để bỏ phiếu đồng ý/không đồng ý cho các ứng viên là giáo sư, hay phó giáo sư không cùng ngành/chuyên ngành của mình?

Sau khi kết thúc vòng 3, Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước tổ chức trọng thể lễ công bố cấp quốc gia các ứng viên đạt chuẩn giáo sư, phó giáo sư với cờ, trống rất rình rang, vô tình biến việc tuyển dụng hoặc nâng ngạch nghề nghiệp bình thường của giảng viên thành một sự kiện vinh danh, tác động đến toàn xã hội theo hướng tiêu cực nhiều hơn là tích cực.

Bốn đề xuất

Để cho việc bổ nhiệm các giáo sư, phó giáo sư của các đại học đi đúng hướng và hòa nhập cùng thế giới, ngoài việc xây dựng bộ tiêu chí giáo sư, phó giáo sư khoa học, hợp lý và nâng cao dần theo chuẩn mực quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên triển khai những việc sau.

Thứ nhất, cần đưa giáo sư, phó giáo sư vào hệ thống chức danh nghề nghiệp của giảng viên đại học, theo chuẩn mực chung của các đại học thế giới.

Thứ hai, cần trả việc đánh giá, công nhận và bổ nhiệm các ứng viên đạt chuẩn giáo sư, phó giáo sư về cho trường đại học, theo một lộ trình thích hợp.

Thứ ba, cần xây dựng lại quy chế xét duyệt, công nhận và bổ nhiệm các chức danh giáo sư, phó giáo sư theo hướng bỏ Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước, chỉ cần Hội đồng Chức danh giáo sư của trường đại học và Hội đồng Chức danh giáo sư ngành (trợ giúp về mặt chuyên môn cho Hội đồng trường, danh sách Hội đồng có thể thay đổi hàng năm, tùy theo yêu cầu chuyên môn).

Xem thêm: Sau To Là Gì – To + Verb: động Từ Nguyên Mẫu Có To

Thứ tư, cần tăng cường các hoạt động thanh tra, hậu kiểm (việc thực hiện quy chế, chỉ tiêu, quá trình xét công nhận và bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư của các trường) của Bộ Giáo dục và Đào tạo với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước.

Chuyên mục: Hỏi Đáp