Sau hơn 30 năm đổi mới đất nước, Đảng ta đã đạt được những thành tựu quan trọng về lí luận và thực tiễn, trong đó nhận thức về đổi mới, ổn định và phát triển cũng như mối quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển đã có những bước tiến đáng kể. Dưới đây là một số nét cơ bản sự phát triển nhận thức về các vấn đề đổi mới, ổn định, phát triển.

Bạn đang xem: đổi mới là gì

 

*

 

1. Về khái niệm “đổi mới”

Hiện nay chưa có một định nghĩa chung, duy nhất, chính xác truyệt đối về khái niệm “Đổi mới”. Theo cách hiểu thông thường, Đổi mới là thay cái cũ (hay làm cho cái cũ) thành cái mới tốt hơn. Đổi mới là một phương thức phát triển. Bất kỳ hệ thống nào cũng phải luôn luôn được đổi mới, thay đổi từ trạng thái cũ sang trạng thái mới, tiến bộ hơn. Tất cả các chủ thể trong xã hội, từ mỗi con người, tổ chức, đến mỗi quốc gia, dân tộc và cả thế giới đều luôn luôn phải tự đổi mới để phát triển lên trình độ mới, cao hơn, tiến bộ hơn.

Đổi mới luôn chứa đựng sự thay đổi – phát triển cả về chất và lượng; cả về nội dung và hình thức; cả về cấu trúc và cơ chế vận hành. Đổi mới thường chứa đựng bản chất nội tại yêu cầu khách quan của quá trình phát triển; từ nhu cầu bên trong của quá trình phát triển lên một trình độ cao hơn. Tuy nhiên, Đổi mới cũng còn là quá trình “sửa sai”, khắc phục những sai lệch do thể chế phát triển trước đó được chế định không đúng (không phù hợp) dẫn đến sự trì trệ, thậm chí khùng hoảng. Đổi mới có thể là quá trình tự phát, tiệm tiến, cải cách; có thể là quá trình tự giác, mang tính cách mạng, đột phá, bước ngoặt. Quá trình đổi mới tự giác luôn chứa đựng cả cơ hội thành công và nguy cơ thất bại. Đổi mới đúng thì mới tạo được sự tiến bộ – phát triển hơn; đổi mới sai thì hậu quả là tồi tệ hơn. Đối với một hệ thống xã hội lớn, Đổi mới có thể diễn ra từ trên xuống, nhưng cũng có thể diễn ra từ dưới lên. Việc đổi mới từ trên xuống bao giờ cũng diễn ra nhanh hơn so với đổi mới từ dưới lên. Tuy nhiên, quá trình Đổi mới chỉ có thể diễn ra nhanh và có hiệu quả cao khi có sự “đồng thuận” cao giữa “trên và dưới”.

Quá trình đổi mới xã hội không thể diễn ra chỉ bởi một hoặc một số ít người, dù những người đó là tài giỏi, tâm huyết. Đổi mới xã hội phải là một phong trào xã hội rộng lớn, tập hợp và lôi cuốn được đông đảo mọi người tham gia. Đổi mới là sự “gặp nhau”, sự đồng thuận trong tư duy và hành động của ba chủ thể chính : i) – Những Tinh hoa của xã hội đưa ra được những tư tưởng đổi mới (thường mang tính vượt trước); ii) – Lực lượng lãnh đạo – cầm quyền; iii) – Đông đảo nhân dân trong xã hội. Điểm mấu chốt của quá trình đổi mới xã hội là lực lượng lãnh đạo – cầm quyền, nhất là những người đứng đầu nhận thức rõ được nhu cầu phải thay đổi từ thực tiễn, đón nhận được tư tưởng đổi mới từ giới tinh hoa, trên cơ sở đó đề ra được đường lối, chiến lược, cơ chế, chính sách đổi mới mang tính hiện thực, phù hợp; có những giải pháp để đưa những tư tưởng, mục tiêu đổi mới thành những giá trị xã hội được số đông nhân dân ủng hộ. Xét theo phương diện này, lượng lượng lãnh đạo – quản lý đóng vai trò quyết định đối với quá trình đổi mới. Điều cốt lõi trong đường lối và các chính sách đổi mới phải thể hiện được lợi ích cơ bản của đa số nhân dân. Đó chính là động lực chủ yếu của quá trình đổi mới. Thực tiễn đã khẳng định giới Tinh hoa có vai trò cực kỳ quan trọng đối với quá trình đổi mới của một quốc gia, và nhìn rộng hơn, là của cả xã hội nhân loại, nhất là đối với quá trình đổi mới tư duy – khâu đột phá đầu tiên mang tính mở đường cho quá trình đổi mới. Người ta thường nói đổi mới bắt đầu từ đổi mới tư duy, nhưng thực ra quá trình đổi mới nảy sinh từ yêu cầu khách quan sự phát triển của thực tiễn. Chính từ sự vận động của thực tiễn, từ xu thế phát triển giới tinh hoa nhìn ra nhu cầu đổi mới; từ thực tiễn khái quát nâng lên tầm tư duy đổi mới. Tuy nhiên những tư duy đổi mới đó chỉ được đi vào cuộc sống một cách “chính thống” khi được giới lãnh đạo – quản lý đón nhận và “biến” thành đường lối, chiến lược, cơ chế, chính sách đổi mới. Vì thế quá trình đổi mới liên tục luôn đòi hỏi sự gắn bó hữu cơ giữa giới lãnh đạo – quản lý với giới tinh hoa. Đổi mới xã hội luôn luôn là hành động của nhiều người, do nhiều người và vì lợi ích của nhiều người. Vì thế, con người là trung tâm của quá trình đổi mới. Nếu đổi mới không đem lại lợi ích thiết thực cho nhiều người thì kết quả sẽ bị hạn chế hoặc thất bại.

Đổi mới luôn là một cuộc đấu tranh giữa cái mới tiến bộ với cái cũ lạc hậu, giữa năng động, sáng tạo với trì trệ, bảo thủ, nó thường vấp phải những trở lực của tư duy cũ, thể chế cũ, thói quen cũ. Thói quen hình thành từ quá khứ là điều rất đáng sợ, vì là lực cản rất phức tạp và dai dẳng mà quá trình đổi mới phải vượt qua. Như Hồ Chí Minh đã nói “Thói quen rất khó đổi. Cái tốt mà lạ, người ta có thể cho là xấu. Cái xấu mà quen người ta cho là thường” . Quá trình đổi mới vừa mang tính kế thừa vừa mang tính loại bỏ. Loại bỏ cái tiêu cực, giữ lại và phát huy cái tốt, đồng thời xây dựng và khẳng định cái mới, cái tiên tiến và hiệu quả hơn là yêu cầu của kế thừa để phát triển một cách biện chứng. Điều này đòi hỏi một năng lực văn hoá, năng lực sáng tạo, kết hợp nhuần nhuyễn truyền thống với hiện đại, dân tộc với thời đại, vì mục tiêu phát triển.

Trong đổi mới, cần tránh chủ quan, duy ý chí, tả khuynh… Song nếu không có sự sáng suốt và quyết tâm chính trị cao vượt qua những cái lạc hậu, lỗi thời, thì cũng không thể đổi mới để tiến lên được. C.Mác từng nói: để tiến lên, nhân loại phải biết giã từ quá khứ một cách vui vẻ. Cái quá khứ cần phải giã từ ấy chỉ là cái quá khứ lỗi thời, lạc hậu mà thôi. Đổi mới đòi hỏi phải có quan điểm chính trị đúng đắn, sáng suốt, được luận chứng một cách khoa học khoa học, được triển khai với một nền tảng đạo đức và văn hoá, xuất phát từ thực tiễn và hướng đích tới phát triển. Do đó, đổi mới còn phải có quan điểm thực tiễn, lấy thực tiễn phát triển làm tiêu chuẩn của đổi mới. Vì vậy, quá trình đổi mới luôn chứa đựng quan hệ hữu cơ giữa đổi mới tư duy và đổi mới trong tổ chức hành động thực tiễn.

Đổi mới hướng đến mục tiêu phát triển, nhưng đổi mới là đi vào những con đường mới, có nhiều thách thức chưa lường hết được, luôn tiềm ẩn những rủi ro, thất bại, có khi phải trả giá. Đổi mới thành công hay không, thành công tới mức nào, phụ thuộc rất nhiều vào năng lực sáng tạo và bản lĩnh chính trị của đảng cầm quyền và nhà nước dưới sự lãnh đạo của đảng, truyền cảm ý chí đổi mới tới mọi người dân và mọi chủ thể trong xã hội.

Sự phát triển nhận thức của Đảng về đổi mới :

Ngay từ Đại hội VI, Đảng ta đã nhận thức: Đổi mới là yêu cầu bức thiết, là vấn đề có ý nghĩa sống còn. Phải đổi mới, trước hết là đổi mới tư duy, nhất là tư duy kinh tế; gắn liền với đổi mới tổ chức, đổi mới đội ngũ cán bộ, đổi mới công tác tư tưởng, đổi mới phong cách lãnh đạo và công tác của Đảng. Từng bước hình thành hệ thống các quan điểm và nguyên tắc chỉ đạo sự nghiệp đổi mới ở nước ta. Xác định rõ phải đổi mới toàn diện, đồng bộ và triệt để, nhưng phải có bước đi, hình thức va cách làm phù hợp. Đổi mới không phải là từ bỏ mà kiên định phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ với mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đổi mới phải kết hợp chặt chẽ ngay từ đầu đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị, lấy đổi mới kinh tế làm trọng tâm, đồng thời từng bước đổi mới chính trị. Bài học bài học rất quan trọng là đổi mới phải dựa vào nhân dân, vì lợi ích của nhân dân, phù hợp với thực tiễn, luôn luôn sáng tạo. Có thể khái quát quá trình nhận thức về đổi mới trong hơn 30 năm qua, nhất là trong 10 năm gần đây như sau:

– Đảng ta khẳng định đổi mới là một tất yếu khách quan, là quá trình liên tục, đổi mới để phát triển – đổi mới là phương thức phát triển.

– Đổi mới có thể được tiến hành từ trên xuống, cũng có thể tiến hành từ dưới lên, hoặc kết hợp hữu cơ hai chiều. Đổi mới đòi hỏi phải được tiến hành kiên quyết và triệt để, toàn diện và sâu rộng trên các lĩnh vực mới đem lại kết quả mong muốn.

– Mục tiêu của đổi mới phải là đem lại lợi ích thiết thực cho số đông người dân, đó cũng chính là động lực cơ bản của quá trình đổi mới. Sự lãnh đạo đứng đắn của Đảng và quản lý có hiệu quả của Nhà nước là nhân tố quyết định thành công của quá trình đổi mới.

– Nội dung và phương thức đổi mới phải được xác định phù hợp trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể, gắn liền với các đặc điểm, truyền thống văn hóa – lịch sử và trình độ phát triển của đất nước. Đổi mới là một quá trình đấu tranh giữa cái mới tiến bộ với cái cũ lạc hậu, giữa năng động, sáng tạo với trì trệ, kế thừa để phát triển những giá trị truyền thống tốt đẹp. Đổi mới phải được dẫn dắt bởi hệ thống lý luận được đúc kết sâu sắc từ thực tiễn; phải có quan điểm thực tiễn, lấy sự phát triển của thực tiễn làm tiêu chí đánh giá.

– Đổi mới được thể hiện đồng bộ ở ba nội dung chủ yếu: đổi mới tư duy, mục tiêu, định hướng phát triển; đổi mới thể chế, luật pháp, cơ chế, chính sách; đổi mới sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước đối với quá trình phát triển. Trong đó, đổi mới tư duy phải mang tính vượt trước, định hướng quá trình phát triển.

– Đổi mới là một sự nghiệp trọng đại của toàn dân, của cả dân tộc. Phải huy động được sức mạnh và sự đồng thuận của nhân dân, của mọi chủ thể trong xã hội thì công cuộc đổi mới mới thành công.

 

*

 

2. Về khái niệm “Ổn định”

Khái niệm “Ổn định” được sử dụng trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau và có những ý nghĩa khác nhau; nghĩa chung nhất là không (hoặc ít) thay đổi. Khi đó sự vật hay hiện tượng ở vào trạng thái không có những biến động hay thay đổi đáng kể. Trong khoa học “ổn định” được định nghĩa là khả năng giữ trạng thái không thay đổi chống lại sự tác động (quấy nhiễu) từ bên ngoài. Hay nói một cách khác, ổn định không liên quan đến trạng thái tốt hay xấu, mà ổn định chỉ liên quan đến việc luôn duy trì trạng thái ban đầu, kể cả trạng thái này không hề lý tưởng. “Ổn định” được xem trong quan hệ đối lập với phạm trù “động” (thay đổi). Một cách khái quát có thể chia ra làm hai loại “ổn định”: “ổn định tĩnh” và “ồn định động”; “ổn định tĩnh” mang tính bền vững khó chuyển sang trạng thái “động”, còn “ổn định động” luôn chứa đựng xu hướng chuyển sang trạng thái động. Khi một sự vật hay hệ thống ở vào trạng thái “ổn định tĩnh”, bền vững thì năng lượng tiềm giữ trong nó để chuyển sang trạng thái “động”, trạng thái phát triển thường là thấp; còn khi ở trạng thái “ổn định động” thì năng lượng tiềm giữ trong nó thường là lớn, dễ được kích hoạt để chuyển sang trạng thái “động”, phát triển. Tuy nhiên, vai trò của trạng thái “ổn định động” hay “ổn định tĩnh” được coi là “tích cực” hay “tiêu cực” đối với sự phát triển sẽ phụ thuộc vào mục đích chủ quan của chủ thể. Trong điều kiện khủng hoảng, đề thoát ra khỏi khủng hoảng thì điều kiện tiên quyết xã hội phải được trở lại trạng thái “ổn định” ở một mức độ nào đó; khi đó “ổn định tĩnh” là mục tiêu. Còn trong trạng thái bình thường thì “ổn định động” sẽ đóng vai trò là điều kiện cho sự phát triển.

Trong sự phát triển của xã hội, khái niệm “ổn định” thường được chỉ là trạng thái tồn tại hài hoà giữa các yếu tố phát triển, không gây nên những xung đột, đổ vỡ, hay khủng hoảng. Quan niệm ổn định được coi là phạm trù phản ánh sự ổn định về chính trị, tư tưởng, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước. Coi sự ổn định không có xung đột, đổ vỡ hay khủng hoảng, nhất là về chính trị – xã hội là điều kiện để sự phát triển diễn ra tốt. Tuy nhiên, nếu đó là trạng thái “ổn định tĩnh” bền vững, không tạo được thể chế mới để huy động và sử dụng được hiệu quả cao các nguồn lực cho sự phát triển thì cũng không tạo được điều kiện thuận lợi cho sự phát triển. Xã hội trong trường hợp đó sẽ rơi vào trạng thái trì trệ. Để thúc đẩy phát triển thì phải tạo được trạng thái “ổn định động”. Không có sự “ổn định động” cần thiết thì sự phát triển không thể diễn ra có hiệu quả. Sự phát triển nhanh luôn đòi hỏi một trạng thái “ổn định động” ở trình độ cao, luôn thích ứng với đòi hỏi của nhịp độ và trình độ phát triển. “Ổn định động” đã chứa đựng trong nó động lực của sự phát triển. Bản chất, tính chất sự “ổn định” trong quá trình phát triển luôn gắn liền với mục tiêu của từng giai đoạn phát triển. Trong giai đoạn đầu đổi mới mang tính đột phá – cách mạng thì sự ổn định chủ yếu tập trung ở ổn định chính trị – xã hội làm cơ sở để triển khai các chính sách đổi mới đi vào cuộc sống. Khi công cuộc cải cách, đổi mới đã đạt được những thành quả cao, trở thành xu thế không thể đảo ngược, thì sự ổn định lại được thể hiện ở tầm hệ thống các chính sách vĩ mô, ở sử dụng có hiệu quả cao các nguồn lực, ở sự đảm bảo hài hòa về lợi ích giữa các chủ thể trong quá trình phát triển…Ổn định chứa đựng mong muốn và mục tiêu chủ quan, nhưng không thể tồn tại chỉ dựa vào ý chí chủ quan, mà nó tồn tại trên cơ sở thiết lập các mối quan hệ xã hội khách quan, bảo đảm công bằng, bình đẳng, kỷ cương, kỷ luật và ý thức xã hội theo luật pháp trong quá trình phát triển. Ổn định xã hội là trách nhiệm trước hết của Đảng cầm quyền và của Nhà nước, khi đưa ra đưa ra được những đường lối, chính sách, mục tiêu phát triển đất nước thể hiện được lợi ích, nguyện vọng, ý chí của tuyệt đại đa số nhân dân, lôi cuốn được nhân dân ủng hộ và thực thi, trở thành chủ thể của quá trình phát triển, dẫu có thể phải trải qua nhiều khó khăn, thử thách. Khi đó ổn định thể hiện sự thống nhất về lợi ích của mỗi cá nhân công dân với lợi ích của đất nước trong quá trình phát triển, không phải là sự ổn định trì trệ.

“Ổn định động” có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển, đó là một giá trị của sự phát triển. Ổn định phát triển quốc gia được thể hiện tổng hợp cả về chính trị, kinh tế, xã hội, và được thể hiện cụ thể trong từng lĩnh vực. Vai trò, nội dung ổn định của từng lĩnh vực có khác nhau, và thường làm tiền đề và điều kiện cho nhau trong quá trình phát triển. Ổn định về chính trị và xã hội là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển kinh tế. Đồng thời phát triển kinh tế có hiệu quả, bền vững lại là cơ sở vật chất vững chắc cho sự ổn định và phát triển về chính trị – xã hội. Trong phát triển kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô lại là điều kiện quan trọng hàng đầu cho sự phát triển kinh tế năng động, hiệu quả. Chính trị – xã hội có ổn định thì người dân, doanh nghiệp trong nước và đầu tư nước ngoài mới yên tâm, tích cực, chủ động, hăng hái tham gia đầu tư phát triển. Ổn định phải luôn luôn được bảo đảm bằng lực lượng vật chất chứ không đơn thuần chỉ bằng tư tưởng, dù tư tưởng ấy có sức mạnh đến đâu. Vì thế, muốn có sự ổn định để phát triển phải sử dụng đồng bộ các giải pháp về kinh tế, chính trị, pháp lý, giáo dục, tuyên truyền, và những lực lượng vật chất đủ mức cần thiết.

Xem thêm: Inflammation Là Gì – Nghĩa Của Từ Inflammation

Tuy nhiên, rất cần nhận thức rõ là không đồng nhất ổn định với áp đặt tuân thủ theo những phương thức phi dân chủ, theo ý muốn chủ quan, duy ý chí của bộ máy quyền lực; muốn níu kéo “ổn định” để cản trở, trì hoãn đổi mới – phát triển. Mặt khác, phải phòng, chống khuynh hướng cực đoan, phiêu lưu, mạo hiểm trong đổi mới, thái độ nôn nóng, chủ quan, thoát lý thực tiễn khi tiến hành đổi mới, dẫn đến mất ổn định. Ổn định phát triển chỉ có được trong điều kiện dân chủ và kỷ cương. Ổn định phát triển luôn luôn đi liền với niềm tin của nhân dân vào những giá trị mà đảng cầm quyền và nhà nước đưa ra, vào phẩm chất, năng lực và đạo đức của những người lãnh đạo. Mất niềm tin là mất cơ sở nội sinh của sự ổn định phát triển.

Sự phát triển nhận thức của Đảng về ổn định :

Trong quá trình đổi mới, Đảng ta luôn nhấn mạnh đến yêu cầu phải đảm bảo sự ổn định chính trị – xã hội, coi đó như một điều kiện – tiền đề để đổi mới và phát triển thành công. Ngay từ Đại hội VI, trong điều kiện khủng hoảng kinh tế – xã hội, Đảng ta đã nhấn mạnh phải ổn định được sản xuất để trên cơ sở đó ổn định đời sống của nhân dân, ổn định kinh tế – xã hội, làm tiền đề cho bước phát triển tiếp sau.

Sau khi chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, có những tác động bất lợi đến nước ta, Đảng ta đặc biệt nhấn mạnh đến tầm quan trọng sự ổn định chính trị – xã hội, không để xẩy ra mất ổn định chính trị – xã hội. Phải kịp thời phát hiện và giải quyết đúng đắn những vấn đề mới nảy sinh để đảm bảo ổn định chính trị – xã hội, đó là cơ sở quan trọng để tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới và phát triển.

Để đảm bảo ổn định chính trị – xã hội, thì cần phải thúc đẩy phát triển kinh tế để nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân, đồng thời đẩy lùi các tiêu cực và bất bình đẳng xã hội, chống nạn tham nhũng, tệ quan liêu và sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phậm không nhỏ cán bộ, đảng viên gây bất bình và làm giảm lòng tin trong nhân dân. Như vậy, vấn đề ổn định phải luôn gắn chặt với đổi mới và phát triển và ngược lại.

Nhận thức của Đảng ta về ổn định được thể hiện khái quát như sau:

Ổn định sẽ đạt được khi đảm bảo sự hài hòa giữa các yếu tố phát triển, giữa các lĩnh vực chính trị, tư tưởng, kinh tế, xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh của đất nước. Ổn định là điều kiện cho sự phát triển diễn ra hiệu quả.

Ổn định gắn liền với dân chủ, kỷ cương và pháp luật. Ổn định để phát triển đòi hỏi phải bảo đảm và thực thi dân chủ, công bằng, bình đẳng, mọi người được cống hiến và hưởng thụ thành quả của sự phát triển theo mức độ đóng góp của mình. Ổn định đòi hỏi pháp luật phải được thực thi trên thực tế, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển. Ổn định gắn liền với xác lập được niềm tin của nhân dân, ở đâu có niềm tin của nhân dân thì ở đó có sự ổn định, mất niềm tin sẽ mất cả sự ổn định.

 

*

 

3. Về khái niệm “phát triển”

Phát triển là sự nâng lên về lượng và chất của hệ thống từ trình độ thấp lên trình độ cao hơn. Phát triển được thể hiện cả về phương diện định tính và phương diện định lượng. Có quá trình phát triển mang tính tự phát, đó là quá trình phát triển vận động tuần tự mang tính chất tiến hóa theo những quy luật khách quan, không hoặc ít có vai trò tác động chủ quan của nhà nước. Có quá trình phát triển mang tính tự giác cao, đó là quá trình phát triển có vai trò tác động rất quan trọng của nhà nước với tình cách là một thể chế – thiết chế định hướng – quản lý phát triển xã hội. Có quá trình phát triển mang tính tuần tự tiến hóa; có quá trình phát triển mang tính đột biến – rút ngắn (như các nước công nghiệp mới). Quá trình phát triển mang tính đột biến – rút ngắn có vai trò đặc biệt của nhân tố lãnh đạo đất nước, đó là Đảng cầm quyền và Nhà nước kiến tạo phát triển. Trình độ của sự phát triển thể hiện ở mức độ và chất lượng của sự thay đổi theo hướng tiến bộ của xã hội. Trình độ phát triển của một đất nước phải thể hiện tổng hợp cả về phát triển kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá, tiềm lực quốc phòng – an ninh và quan hệ quốc tế. Trong điều kiện hiện nay, sự phát triển bền vững được thể hiện ở sự tổng hòa cả về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá và môi trường. Bảo đảm an toàn và bền vững của môi trường tự nhiên – sinh thái là điều kiện tối cần thiết của phát triển bền vững. Sự phát triển bền vững đòi hỏi tăng trưởng và phát triển kinh tế phải gắn liền với phát triển văn hoá, tiến bộ và công bằng xã hội, với bảo vệ và phát triển quyền con người, quyền công dân, với thực hành dân chủ xã hội, nâng cao đời sống mọi mặt của mọi tầng lớp dân cư, “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Để đảm bảo sự phát triển nhanh – bền vững phải xây dựng được thể chế phát triển đồng bộ, phù hợp giữa các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và môi trường. Thể chế đó phải đảm bảo sự huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực tối ưu để mang lại hiệu quả cao nhất trong từng giai đoạn phát triển. Tính đồng bộ, phù hợp của thể chế phụ thuộc vào trình độ phát triển và điều kiện cụ thể của đất nước, đồng thời phụ thuộc vào bối cảnh và trình độ hội nhâp quốc tế.

Sự phát triển của một đất nước bao giờ cũng là thành quả tổng hợp sự nỗ lực của các chủ thể cơ bản : nhà nước, hệ thống các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và mọi người trong xã hội. Mỗi chủ thể đó có vai trò và chức năng khác nhau, nhưng đều có một giá trị chung là tạo động lực cho sự phát triển đất nước, mang lại lợi ích ngày càng nhiều hơn, phong phú hơn cho mỗi cá nhân, mỗi gia đình, mỗi đơn vị, mỗi cộng đồng, cả xã hội và quốc gia – dân tộc. Ở tất cả các chủ thể đó đều chứa đựng hạt nhân cốt lõi là nhân tố con người, con người vừa là chủ thể, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của quá trình phát triển. Vì vậy phát triển con người là một nhiệm vụ trung tâm của quá trình phát triển.

Sự phát triển thường diễn ra theo những mô hình được lựa chọn nào đó. Về mặt lý luận và thực tiễn trên thế giới đã khái quát thành một số mô hình tiêu biểu, như : mô hình phát triển hướng về xuất khẩu; mô hình thay thế nhâp khẩu; mô hình phát triển dựa trên xuất xuất khẩu và FDI; mô hình phát triển dựa trên kích cầu nội địa; mô hình phát triển theo chiều rộng; mô hình phát triển theo chiều sâu; mô hình phát triển dựa vào quá trình công nghiệp hóa “rút ngắn”. Mỗi mô hình phát triển đó xác định nguồn lực và động lực phát triển theo mục tiêu đặt ra. Trên thế giới hiện nay, quá trình phát triển diễn ra trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế – toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học – công nghệ, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tăng tốc. Trên thế giới cũng đang diễn ra quá trình chuyển dịch các trung tâm quyền lực, các trung tâm phát triển; chuyển dịch thương mại, chuyển dịch chuỗi cung ứng…Đồng thời, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa bảo hộ trỗi dậy cản trở quá trình toàn cầu hóa. Sự hợp tác và tùy thuộc lẫn nhau giữa các nước ngày càng tăng lên; nhưng sự đấu tranh, cạnh tranh vì lợi ích quốc gia dân tộc cũng ngày càng phước tạp hơn. Trong bối cảnh đó, sự phát triển của các quốc gia trên thế giới, nhất là các nước đang ở trình độ phát triển còn tương đối thấp như Việt Nam, sẽ có nhiều cơ hội lớn, nhưng cũng đứng trước không ít những thách thức không nhỏ. Sự phát triển ngày càng dựa ít hơn vào nguồn tài nguyên thiên nhiên, đất đai, vốn, lao động giá rẻ…; mà dựa nhiều hơn vào nguồn lực con người chất lượng cao, trình độ cao, vào khoa học – công nghệ, nhất là công nghệ cao. Thể chế phát triển trở thành một nhân tố trọng yếu trong việc thúc đẩy đổi mới – sáng tạo, huy động, liên kết và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để tạo nên động lực mạnh mẽ cho sự phát triển. Như vậy, sự phát triển tùy thuộc rất nhiều vào năng lực sáng tạo và bản lĩnh lãnh đạo – quản lý đất nước của Đảng cầm quyền và Nhà nước trong việc xây dựng được thể chế phát triển có chất lượng cao, phù hợp và hiệu quả, để tận dụng được các cơ hội và “hóa giải được”các thách thức, tích ứng được với những thay đổi nhanh và mạnh trên thế giới, đảm bảo sự phát triển nhanh – bền vững đất nước.

Như vậy, đổi mới, ổn định và phát triển không tồn tại biệt lập, luôn tác động qua lại với nhau; tuy có vai trò và vị trí khác nhau nhưng khi được xác định phù hợp trong những điều kiện cụ thể sẽ “cộng hưởng” được với nhau để cùng tạo ra động lực chung cho sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, mức độ cộng hưởng giữa ba phạm trù này phụ thuộc rất nhiều vào mục tiêu, chiến lược, mô hình và thể chế phát triển được lựa chọn.

Sự phát triển nhận thức của Đảng về phát triển :

Trong quá trình đổi mới, Đảng ta đã nâng cao dần nhận thức vầ phát triển: từ “tăng trưởng” đến “phát triển” và cao hơn là “phát triển bền vững”. Khi nói về tăng trưởng kinh tế chủ yếu là nói về tăng quy mô kinh tế, như tăng GDP, tăng sản lượng, tăng sản phẩm bình quân đầu người. Còn khái niệm phát triển là khái niệm rộng hơn dùng để chỉ sự tăng lên không chỉ về lượng, mà cả sự tăng lên (nâng cao hơn) về chất mang tính tổng hợp của xã hội, bao gồm cả việc tăng về quy mô kinh tế, trình độ nền kinh tế, lẫn nâng cao mức sống của nhân dân, trình độ phát triển văn hóa – xã hội. Còn phát triển bền vững là quá trình phát triển ổn định, với chất lượng cao, có sự kết hợp hữu cơ, hài hòa giữa các mặt của sự phát triển: kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa và bảo vệ môi trường. Từ Đại hội X trở lại đây Đảng ta còn dùng khái niệm “phát triển nhanh và bền vững” để nói lên định hướng chủ đạo phát triển đất nước trong những thập niên đầu của thế kỷ XXI; có phát triển nhanh và bền vững thì đất nước mới không bị tụt hậu. Điều đó được thể hiện qua các chủ trương phát triển : (1) Kết hợp đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị; (2) Kếp hợp giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội; (3) Kết hợp giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa và bảo vệ môi trường; (4) Kết hợp giữa phát triển kinh tế – xã hội với đảm bảo an ninh, quốc phòng; (5) Kết hợp giữa phát huy nội lực và ngoại lực, v.v… Tất cả sự kết hợp đó đều thể hiện mối quan hệ hữu cơ giữa đổi mới với ổn định và phát triển.

Xem thêm: Câu Ví Dụ,định Nghĩa Và Cách Sử Dụng Của Equivalent Là Gì

Nhận thức của Đảng ta về phát triển được thể hiện khái quát như sau:

– Đảng ta đã hình thành quan điểm phát triển bao gồm tổng hợp phát triển kinh tế, chính trị, xã hội, con người, văn hóa, quốc phòng, an ninh và quan hệ quốc tế gắn liền với bảo vệ môi trường tự nhiên – sinh thái. Được thể hiện tập trung ở mục tiêu phát triển nhanh – bền vững – bao trùm.

– Phát triển là một quá trình liên tục, dựa trên các nguồn lực vật chất và phi vật chất.

– Quá trình phát triển là kết quả tổng hợp phát huy vai trò của các chủ thể : Đảng lãnh đạo – cầm quyền, Nhà nước, doanh nghiệp, các tổ chức chính trị – xã hội, các tổ chức xã hội, cộng đồng, gia đình và cá nhân công dân. Trong đó, nhân dân, các tổ chức xã hội và các doanh nghiệp là chủ thể trung tâm của quá trình phát triển; sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của nhà nước đóng vai trò then chốt đối với quá trình phát triển.

– Nhân tố con người, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao đóng vai trò quyết định đối với quá trình phát triển. Con người vừa là chủ thể vừa là mục tiêu của quá trình phát triển. Quá trình phát triển phải hướng vào thực hiện tốt hơn, có hiệu quả hơn mục tiêu “ Dân giàu – nước mạnh – dân chủ – công bằng – văn minh”.

– Quá trình phát triển phải được định hướng đúng, phải được lãnh đạo – quản lý phù hợp, có hiệu lực và hiệu quả trong từng giai đoạn cả ở tầm vĩ mô và vi mô. Điều này đòi hỏi phải không ngừng nâng cao năng lực lãng đạo của Đảng và quản lý của nhà nước, năng lực thực thi của tất cả các chủ thể trong xã hội./.

Chuyên mục: Hỏi Đáp