Một đại ngàn Tây Nguyên rộng lượng hiện hữu tự bao đời nay phải biết yêu quý, giữ gìn là một trong những điều có trong luật tục bất thành văn của các dân tộc thiểu số nơi đây.

Bạn đang xem: đại ngàn là gì

Một đại ngàn Tây Nguyên rộng lượng hiện hữu tự bao đời nay phải biết yêu quý, giữ gìn là một trong những điều có trong luật tục bất thành văn của các dân tộc thiểu số nơi đây.

Họ, những người dân tộc thiểu số, tự bao đời nay gắn với rừng, biết cách ứng xử với rừng để dựa vào rừng mà sống là điều mà tôi nhận ra trong hành trình đến với rừng và đến với bà con dân tộc thiểu số Tây Nguyên trong mấy chục năm qua. Già làng “trẻ” Krajan Plin (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) bảo với tôi rằng: “Mất rừng, cũng có nghĩa là bà con mất tất cả!”.

“Sinh ra từ rừng” là khái niệm mà mọi công dân chân trần phải tận tường khi nghĩ về số phần của mình lúc hiện hữu ở trần thế và cả lúc giã từ cõi tạm để trở về với thế giới bên kia. Hẳn ai cũng hiểu rằng những dấu chân trần kia được sinh ra từ bố mẹ, sinh ra từ con người cụ thể; nhưng trong tâm thức, bao giờ cũng vậy, ngay cả với đấng sinh thành cũng nghĩ như vậy, đứa trẻ đỏ hỏn kia với dấu chân trần lam lũ trong tương lai đều nghĩ rằng nó còn được sinh ra từ rừng, sinh ra từ đại ngàn bao dung. Và, ngay từ lúc sinh ra, nó đã gắn với rừng.

Rừng là lẽ sống

Nói “Rừng là lẽ sống” ở đây, tôi không hề có ý định đưa một câu khẩu hiệu khá phổ biến của ngành lâm nghiệp vào đời sống của các cư dân bản địa Tây Nguyên.

Thằng K’Min ở thôn Đạ Pin (xã Triệu Hải, huyện Đạ Tẻh)năm ấy vừa tròn mười sáu cái mùa rẫy. Sức vóc nó đủ lớn để vác cái ná vào rừng đối đầu với con thú. Hôm đi rừng với nó, tôi được chứng kiến cảnh… kỳ lạ này: Cái ná nó giương lên với đường tên hướng về phía con nai lấp ló trong bụi rậm, bỗng thằng K’Min khựng lại rồi từ từ lấy mũi tên có tẩm thuốc độc ra khỏi ná. Tôi hỏi: “Sao không lảy cò?”. Đứa con trai mười sáu tuổi của rừng già ấy bảo với tôi một cách tỉnh bơ rằng: “Con nai mẹ đang có con nai con trong bụng!”.

Sau đó, khi về lại nhà, tôi đem câu chuyện này kể với già làng K’Sọp – ông ngoại của K’Min – và hỏi ông: “Sao không được bắn con nai có chửa? Mà, sao thằng K’Min biết được điều đó?”. Già làng K’Sọp tỉnh queo: “Thằng K’Min từ hồi mười mấy cái mùa rẫy trước khi được sinh ra là bố mẹ nó đã dạy nó cái điều ấy rồi. Bố nó, khi nhiều nhiều cái mùa rẫy trước, khi được sinh ra cũng vậy, cũng được bố của bố nó dạy không được giương đường tên vào bụng con nai có chửa, con min sắp sinh con…”. Hóa ra, cái triết lý sống ở trong rừng này là như vậy!

Lần khác, tôi cùng một nhóm người có cả đàn ông lẫn đàn bà ở Tu Tra (huyện Đơn Dương) vào rừng đốn gỗ về làm con nêu cho một buổi lễ ăn trâu sẽ được tổ chức vài ngày sau đó. Những người phụ nữ có nhiệm vụ bứt đọt mây về chế biến thức ăn và bứt dây mây về làm vật dụng cột cây knưng. Tôi quan sát: Khi đưa con dao pír vào gốc cây dây mây, những người phụ nữ ấy không ai bảo ai nhưng cách làm của họ đều giống nhau: Chỉ lựa những sợi mây nào có ít nhất một mầm mây non để cắt. Cắt xong, họ vun đất cho mầm mây non có cơ hội phát triển tốt tươi hơn. Còn với đọt mây, họ chỉ lựa những ngọn mây ra đủ đoạn non bằng hai gang tay để cắt chứ không cắt những đọt mây còn quá ngắn. Hỏi chị Ma Nới, chị bảo: “Để đến con trăng sau vào đây còn có cái bỏ vào gùi mang về cho vào nồi chứ!”.

Còn với những người đàn ông, chỉ có nhiệm vụ chọn một hoặc hai cây rừng thật chắc chắn để về làm cọc knưng cột con trâu, nhưng họ lội hết cánh rừng này đến cánh rừng khác, từ sáng tới tối mịt vẫn chưa ưng ý. Đêm, nhóm lửa giữa rừng, bên bát rượu đế mang theo từ nhà, những người đàn ông cứ lặng lẽ một cách khó hiểu.

Tôi ghé tai già làng Ja Bá: “Trên đường đi, thấy nhiều cây cứng cáp lắm mà! Sao già không cho đốn?”. Ông cười: “Cứng cáp nhưng nó đang “đẻ con”. Nghĩa là nó đang trong thời kỳ “gieo hạt”, không được đốn!”. Tôi quay sang chuyện khác: “Lúc ở dưới suối cũng vậy hả già, khi thấy con cá có chửa thì không được bắt?”. Ông ôn tồn giải thích: “Đúng như vậy đấy! Cứ bắt con cá có chửa thì mùa sau lấy gì mà ăn!”.

Xem thêm: đa Thức Là Gì – Lý Thuyết đa Thức Một Biến Toán 7

*
Dịu dàng Tây Nguyên .

Càng “đi rừng” với bà con, tôi càng ngộ ra nhiều điều! Họ, những dấu chân trần ấy không bao giờ làm điều gì có lỗi với rừng. Rừng cho họ cuộc sống nên họ có trách nhiệm gìn giữ, bảo vệ theo cách riêng của họ; và họ thực hiện trách nhiệm ấy một cách hoàn toàn tự giác chứ không cần đến lúc phải nghe câu khẩu hiệu “Rừng là cuộc sống”. Nói cách khác, với những dấu chân trần, “Rừng là cuộc sống” có từ lúc còn nằm trong bụng mẹ!

Rừng thiêng

“Yang bri” là khái niệm luôn hiện hữu trong đời sống cộng đồng của người thiểu số Tây Nguyên. Mỗi một dòng họ có một yang bri, mỗi một buôn làng có một yang bri. Đó như là yang bri Đăng Gú của người Cơho Đưng Knớ (xã Đưng Knớ, huyện Lạc Dương), là yang bri Đăng Pur của người Mạ ở Lộc Bắc (xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm)…

Hôm về Di Linh, tôi ghé lại làng Đồng Đò (xã Đinh Lạc) để tìm gặp anh K’Nhẽo. K’Nhẽo là cháu gọi bà Mọ Kộ bằng dì ruột, gọi già làng K’Sen là cậu ruột. Mọ Kộ ở Nam Tây Nguyên Lâm Đồng còn được gọi là nữ chúa rừng xanh, là một phụ nữ dân tộc thiểu số đứng lên phát động cuộc cách mạng tự phát chống lại quân Pháp xâm lược vào những năm 30 của thế kỷ trước. Còn K’Sen – em ruột của Ka Nhỗi (tên gọi khác của Mọ Kộ) – là cận thần thân tín nhất của bà. Khi nghe tôi đề nghị lên đỉnh núi Đăng Ker thăm mộ nữ chúa rừng xanh Mọ Kộ, anh K’Nhẽo bảo “Để mình sang xin phép già làng đã! Già làng cho phép thì mới được lên đỉnh Đăng Ker”.

Nhân tiện, tôi mua con gà và nói anh K’Nhẽo cho phép cùng sang già làng luôn, anh đồng ý. Tại nhà già làng K’Bôi, K’Nhẽo bôi tiết con gà lên cột nhà. Ché rượu cần ủ đến hơn nửa cái mùa rẫy được già làng K’Bôi bê ra đặt giữa nhà sàn. Già làng khấn vái. Bà Ka Bren – vợ của già làng K’Bôi – nhấp cần đầu tiên. Xong, bà trao cần cho già làng K’Bôi. Già làng K’Bôi ngay lập tức trao cần cho tôi. Bà Ka Bren rót nước vào ché. Ché rượu luôn đầy như con suối Đạ Mrăng ven làng Đồng Đò không bao giờ cạn nước! Vậy là già làng K’Bôi đã xin phép yang bri Đăng Ker cho tôi và K’Nhẽo được lên núi Đăng Ker để thăm mộ nữ chúa rừng xanh Mọ Kộ.

Trên đường đi, K’Nhẽo nói với tôi: “Đăng Ker là núi thiêng của bà con mình mà! Muốn lên đó, phải xin phép già làng!”. Đăng Ker là quả đồi bát úp ven làng. Dưới chân đồi, càphê phủ kín. Riêng trên đỉnh đồi, cây rừng còn gần như nguyên vẹn và hầu như không một dấu chân người bước vào khoảnh rừng đó. K’Nhẽo bảo rằng đây là khu rừng thiêng của dân làng nên không một ai được bước chân vào nếu không được sự cho phép của già làng.

*
Tầm ngắm.

Tôi nhớ lại lần về Đạ Tẻh, đến làm việc tại một đơn vị lâm nghiệp, ông giám đốc “than thở”: “Đơn vị mình khai thác rừng của Nhà nước, làm đường ngang qua một khu rừng để vận chuyển gỗ thì gặp ngay sự phản ứng của dân làng. Họ bảo rằng đó là rừng “ông bà” của họ. Thật khó xử! Nhà báo lên tiếng dùm chúng tôi với!”. Tôi hỏi vị giám đốc: “Khu rừng ấy có mồ mả gì không, có chum ché “chia của” gì không?”. Ông giám đốc trả lời: “Nào có thấy mồ mả gì đâu! Chỉ thấy vài cái ché vỡ vương vãi thôi!”.

Tôi thật lòng: “Vậy thì đấy là khu rừng thiêng của bà con đấy, anh ạ! Những cái chum ché mà anh cho rằng “vương vãi” đó chính là của cải của người sống chia cho người chết theo phong tục của người Mạ đấy! Vậy là các anh đã đụng đến rừng thiêng bất khả xâm phạm của bà con rồi đấy!”. Vị giám đốc gãi đầu, gãi tai: “Nhưng đơn vị mình làm đúng theo thiết kế, không một chút gì sai sót. Bây giờ bà con bắt đền thì dựa trên cơ sở nào mà đền đây?”.

Xem thêm: Rag Là Gì – Rag Nghĩa Là Gì Trong Tiếng Việt

Tôi giải thích: “Với bà con dân tộc thiểu số, ngoài luật pháp chung của Nhà nước, họ còn phải tuân thủ luật bất thành văn của họ. Trong luật bất thành văn đó có những quy định rất nghiêm ngặt về vấn đề rừng thiêng. Với rừng thiêng, bất kỳ một ai xâm phạm cũng đều phải bị phạt. Hội đồng già làng là “phiên tòa” xét xử người vi phạm và sẽ đưa ra hình thức xử phạt. Nặng thì con trâu trắng, nhẹ thì con trâu đen cùng với một con heo “dẫn đường con trâu” và một con gà “làm bạn với con heo”. Và dĩ nhiên, rượu cần là thứ không thể thiếu trong lễ “hóa kiếp” con trâu”. Vị giám đốc cố cãi: “Nhưng chúng tôi không sai phạm. Xét về luật thì dựa trên cơ sở nào mà phạt chúng tôi?”. Tôi cười: “Núi rừng này có luật riêng rất đáng được tham khảo mà bấy lâu nay chúng ta đã bỏ qua một cách đáng tiếc!”.

Từ bao nhiêu đời nay rồi, cuộc sống của người thiểu số Tây Nguyên là thế, chưa bao giờ tách khỏi đại ngàn. Và, để được đại ngàn bao bọc chở che, trong cộng đồng các dân tộc thiểu số gắn với rừng ấy có những thứ luật bất thành văn hình thành và được kiểm chứng qua thời gian nên mọi người phải tuân thủ!

Chuyên mục: Hỏi Đáp