Ngay từ thời cổ đại, con người đã luôn suy nghĩ tìm lời giải đáp cho câu hỏi chân lý là gì? Vấn đề chân lý là một trong những vấn đề cơ bản của lý luận nhận thức.

Bạn đang xem: Chân lý là gì

– Nguyên lý tính cụ thể của chân lý có ý nghĩa phương pháp luận quan trọng trong nhận thức và thực tiễn.

I. Chân lý là gì? Khái niệm về chân lý

Chân lý là tri thức phù hợp với khách thể mà nó phản ánh và được thực tiễn kiểm nghiệm.

Chân lý là sản phẩm của quá trình con người nhận thức thế giới. Vì vậy, chân lý cũng được hình thành và phát triển từng bước phụ thuộc vào các yếu tố:

+ Sự phát triển của sự vật khách quan;

+ Điều kiện lịch sử – cụ thể của nhận thức;

+ Hoạt động thực tiễn, và

+ Hoạt động nhận thức của con người.

– Như thế, do sự biến đổi của nhiều yếu tố, một “thông tin” hôm nay có thể được gọi là chân lý, nhưng thời gian về sau chưa chắc là chân lý.

Ngược lại, một “thông tin” mới phát hiện có thể chưa được công nhận là chân lý, nhưng về sau có thể được gọi là chân lý.

Như Lênin đã nhận xét: Sự phù hợp giữa tư tưởng và khách thể là một quá trình. Tư tưởng (= con người) không nên hình dung chân lý dưới dạng một sự đứng im chết cứng, một bức tranh (hình ảnh) đơn giản, nhợt nhạt (lờ mờ), không khuynh hướng, không vận động.

*
*

Các nhà triết học luôn suy nghĩ và đưa ra các giải đáp trong hàng ngàn năm qua cho câu hỏi “Chân lý là gì?”. Ảnh minh họa: Philosophicsblog.wordpress.com.

II. Các tính chất của chân lý

Mọi chân lý đều có tính khách quan, tính cụ thể, tính tuyệt đối và tính tương đối. Điều này thể hiện như sau:

1. Tính khách quan của chân lý (hay: chân lý là khách quan)

– Nghĩa là, tuy chân lý là nhận thức của con người nhưng nội dung của nó không phụ thuộc vào con người.

Ví dụ:

+ Trái đất xoay quanh mặt trời: Đây là chân lý khách quan dù con người đã nhận thức được hay chưa.

+ Khủng long là loài động vật xuất hiện trên trái đất trước loài người.

– Chủ nghĩa duy vật có quan điểm mang tính nguyên tắc là thừa nhận chân lý khách quan. Nếu phủ nhận chân lý khách quan thì nhất định sẽ dẫn tới thuyết không thể biết và chủ nghĩa chủ quan.

– Chủ nghĩa duy vật biện chứng nhấn mạnh tính khách quan của chân lý có nghĩa là thừa nhận sự tồn tại khách quan của thế giới và sự phản ánh thế giới đó vào trong bộ óc con người.

Nội dung mà chân lý phản ánh thuộc về thế giới khách quan. Chân lý chỉ có ở con người, nhưng nội dung của chân lý lại không lệ thuộc vào con người mà chỉ lệ thuộc vào sự vật khách quan được chân lý đó phản ánh.

2. Tính cụ thể của chân lý (hay: chân lý là cụ thể)

– Điều này nghĩa là không có chân lý trừu tượng, mơ hồ.

Chân lý đạt được trong quá trình nhận thức bao giờ cũng gắn liền với một lĩnh vực cụ thể của hiện thực, và được phát triển trong những điều kiện, hoàn cảnh cụ thể đó.

Chân lý là cụ thể bởi vì đối tượng mà chân lý phản ánh bao giờ cũng tồn tại một cách cụ thể, trong những điều kiện, hoàn cảnh cụ thể với những quan hệ cụ thể.

Vì vậy, bất kỳ chân lý nào cũng phải gắn với điều kiện lịch sử – cụ thể. Nếu thoát khỏi điều kiện lịch sử – cụ thể, thì cái vốn gọi là chân lý sẽ không còn là chân lý nữa.

– Nguyên lý tính cụ thể của chân lý có ý nghĩa phương pháp luận quan trọng trong nhận thức và thực tiễn.

Nguyên lý này đòi hỏi phải có quan điểm lịch sử – cụ thể khi xem xét, đánh giá sự vật, sự việc, con người.

Do đó, Lênin đã khẳng định: “Bản chất, linh hồn sống của chủ nghĩa Mác là phân tích cụ thể mỗi tình hình cụ thể”.

Quan điểm này đòi hỏi chúng ta phải chú ý đến điều kiện lịch sử – cụ thể của từng quốc gia, dân tộc, từng địa phương khi vận dụng lý luận chung, sơ đồ chung, phải biết cụ thể hóa, cá biệt hóa vào cho cái riêng. Phải hết sức tránh giáo điều, rập khuôn, máy móc.

Xem thêm: Thanh Dẫn Điện Busway Là Gì ? So Sánh Busway Và Busbar Cấu Trúc Busway Hãng Siemens

Đối với Việt Nam, chúng ta phải nghiên cứu, hiểu rõ điều kiện lịch sử – cụ thể của đất nước để vận dụng sáng tạo.

Trung thành với chủ nghĩa mác – Lênin có nghĩa là nắm vững bản chất cách mạng và khoa học của nó và biết vận dụng đúng đắn, phù hợp với điều kiện của nước ta. Cả chủ nghĩa giáo điều, chủ nghĩa xét lại và chủ nghĩa dân tộc cực đoan đều xa lạ với chủ nghĩa Mác – Lênin.

3. Tính tuyệt đối và tính tương đối của chân lý

Như đã phân tích, con người đạt tới chân lý trong quá trình vận động vô tận của nhận thức thế giới khách quan với cả một chuỗi những sự trừu tượng, những sự hình thành các khái niệm, quy luật.

Những khái niệm bao quát một cách tương đối, gần đúng những quy luật phổ biến của giới tự nhiên vĩnh viễn vận động và phát triển, tạo nên một bức tranh khoa học về thế giới khách quan.

Nhưng con người nhận thức chân lý khách quan như thế nào? Có thể nhận thức được một cách tức thời, toàn bộ, tuyệt đối, vô điều kiện hay chỉ gần đúng, có điều kiện?

Trả lời câu hỏi đó tức là phải xem xét quan hệ giữa tính tuyệt đối và tính tương đối của chân lý. Ở đây, ta có chân lý tuyệt đối và chân lý tương đối.

Mối quan hệ giữa chân lý tuyệt đối và chân lý tương đối biểu hiện mối quan hệ biện chứng giữa quá trình vô tận của sự nhận thức thế giới khách quan với khả năng, kết quả nhận thức có hạn ở từng thời điểm cụ thể của lịch sử nhận thức.

3.1. Chân lý tương đối là gì?

Chân lý tương đối là tri thức phản ánh đúng đắn hiện thực khách quan nhưng chưa đầy đủ, chưa hoàn thiện, cần phải được bổ sung, điều chỉnh trong quá trình phát triển tiếp theo của nhận thức.

Ở chân lý tương đối, sự phản ánh hiện thực khách quan bị giới hạn ở những mặt, những bộ phận nhất định và bị chế ước bởi điều kiện lịch sử.

3.2. Chân lý tuyệt đối là gì?

Chân lý tuyệt đối là tri thức hoàn toàn đầy đủ, hoàn chỉnh về thế giới khách quan.

Theo quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng thì theo bản chất của nó, tư duy con người có thể cung cấp và đang cung cấp cho chúng ta chân lý tuyệt đối mà chân lý này chỉ là tổng số những chân lý tương đối.

Mỗi giai đoạn phát triển của khoa học lại đem thêm những hạt mới vào cái tổng số ấy của chân lý tuyệt đối, nhưng những giới hạn chân lý của mọi định lý khoa học đều là tương đối, khi thì mở rộng ra, khi thì thu hẹp lại, tùy theo sự tăng tiến của tri thức.

Sở dĩ như vậy vì thế giới khách quan là vô cùng tận, nó biến đổi, phát triển không ngừng, không có giới hạn tận cùng, còn nhận thức của từng con người, từng thế hệ lại luôn bị hạn chế bởi điều kiện lịch sử khách quan và bởi năng lực chủ quan.

Việc thừa nhận tính tương đối của chân lý không loại trừ việc chấp nhận, dù là chút ít, chân lý tuyệt đối. Trong tính tương đối đó vẫn chứa đựng một phần, một yếu tố của chân lý tuyệt đối.

Phải chăng sự phân biệt giữa chân lý tương đối và chân lý tuyệt đối là không xác định?

Theo quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng, nó vừa đủ “không xác định” để ngăn ngừa khoa học trở thành một giáo điều theo nghĩa xấu của từ đó.

Nhưng đồng thời lại vừa đủ “xác định” để phân rõ ranh giới dứt khoát với chủ nghĩa tín ngưỡng và thuyết bất khả tri, với chủ nghĩa duy tâm và thuyết ngụy biện.

3.3. Quan hệ biện chứng giữa chân lý tuyệt đối và chân lý tương đối:

– Chân lý tuyệt đối và chân lý tương đối đều là chân lý khách quan. Khi thừa nhận chân lý là khách quan, là sự thống nhất giữa hai cấp độ tuyệt đối và tương đối, thì điều đó cũng có nghĩa chân lý là cụ thể.

– Chân lý tương đối bao giờ cũng chứa những yếu tố là chân lý tuyệt đối. Chân lý tuyệt đối được hình thành từ các chân lý tương đối, có sự bổ sung các chân lý tương đối.

– Sự khác biệt giữa chân lý tuyệt đối và chân lý tương đối không phải ở bản chất mà là ở mức độ phù hợp của chúng với khách thể được phản ánh. Mức độ hay ranh giới giữa chúng bao giờ cũng tồn tại nhưng không ngừng được xóa bỏ và được xác lập.

III. Tiêu chuẩn của chân lý là thực tiễn

– Thực tiễn là tiêu chuẩn duy nhất của chân lý. Chỉ nhờ vào thực tiễn và trên cơ sở thực tiễn ta mới phân biệt được chân lý và sai lầm.

– Thực tiễn có vai trò như vậy vì nó có ưu điểm của “tính phổ biến” và là hiện thực trực tiếp. Nhờ đó, thực tiễn có thể “vật chất hóa” được tri thức, biến tri thức thành những khách thể xác định, cảm tính trong thế giới khách quan.

– Tiêu chuẩn thực tiễn vừa mang tính tuyệt đối vừa mang tính tương đối. Tuyệt đối vì thực tiễn là tiêu chuẩn duy nhất. Tương đối vì thực tiễn luôn luôn biến đổi, phát triển, do đó cần có sự bổ sung, phát triển những tri thức đã có trước đó.

Xem thêm: địa Chỉ Thường Trú Tiếng Anh Là Gì, ~ Giải Mã Cuộc Sống

thienmaonline.vn

Xin mời các bạn đưa ra một vài bình luận để bài viết có thể hoàn thiện hơn.

Nếu còn điều gì chưa rõ, bạn hãy để lại câu hỏi ở phần comment để mình có thể giải đáp khi thời gian cho phép nhé!

Chuyên mục: Hỏi Đáp