Giới thiệu | Nghiên cứu lý luận | Đào tạo – Bồi dưỡng | Thực tiễn | Nhân vật – Sự kiện | Diễn đàn | Quốc tế | Tin tức | Từ điển mở |
Trang chủQuốc tế“Cách mạng sắc màu” và giải pháp phòng, chống
(LLCT) – “Cách mạng sắc màu” (colour revolution) hay còn được biết đến với tên gọi như “cách mạng cam”, nhung, hạt dẻ, hoa hồng, hoa tulip… là khái niệm dùng để chỉ các phong trào biểu tình quần chúng, các cuộc chính biến do các thế lực bên ngoài kích động tại một số quốc gia thuộc Liên Xô (cũ), Đông Âu vào thập kỷ cuối thế kỷ XX và ở Trung Đông – Bắc Phi trong những năm đầu thế kỷ XXI.
Bạn đang xem: Cách mạng màu là gì
1. “Cách mạng sắc màu”: bản chất và nguyên nhân
“Cách mạng sắc màu” (colour revolution) hay còn được biết đến với tên gọi như “cách mạng cam”, nhung, hạt dẻ, hoa hồng, hoa tulip… là khái niệm dùng để chỉ các phong trào biểu tình quần chúng, các cuộc chính biến do các thế lực bên ngoài kích động tại một số quốc gia thuộc Liên Xô (cũ), Đông Âu vào thập kỷ cuối thế kỷ XX và ở Trung Đông – Bắc Phi trong những năm đầu thế kỷ XXI. Sau sự kiện Đông Âu và Liên Xô tan rã, các cuộc “cách mạng sắc màu” diễn ra thường xuyên hơn và trở thành một trong những con bài chủ chốt của phương Tây để can dự vào nội bộ của các quốc gia, đặc biệt là các nước theo chế độ XHCN, thông qua việc thiết kế lực lượng đối lập, dựa vào sức ép dư luận, con bài dân chủ nhằm đẩy các nước rơi vào khủng hoảng chính trị trầm trọng, tạo điều kiện cho phe đối lập lật đổ chính quyền, thiết lập chế độ mới thân phương Tây.
Hầu hết các học giả cho rằng, “cách mạng sắc màu” là những sự phản đối quy mô lớn bằng biện pháp phi bạo lực nhằm thay đổi chế độ đang tồn tại thông qua các cuộc bầu cử(1). Nhiều ý kiến cho rằng, “cách mạng sắc màu” không đem lại sự thay đổi chế độ chính trị một cách triệt để, mà đa phần chỉ thay đổi liên minh chính trị bên trong hệ thống chính trị hiện tại, nên chưa hẳn đã là “cách mạng”.
Từ đầu thế kỷ XXI đến nay, làn sóng “cách mạng sắc màu” diễn ra rầm rộ hơn, trở thành một trong những công cụ hữu hiệu của phương Tây, tác động lớn đối với ổn định chính trị của nhiều quốc gia. Một loạt các cuộc biểu tình đường phố nhằm lật đổ chế độ “tham nhũng” và “phi dân chủ” ở Gruzia, Ukraine và Kyrgyzstan, Liban, Belarus và mở ra cuộc bầu cử tổng thống mới. “Cách mạng sắc màu” đã được coi là đột phá dân chủ, làm thay đổi triệt để vai trò địa – chính trị của Liên Xô cũ. Gần đây, các cuộc “cách mạng sắc màu” vẫn tiếp tục được châm ngòi ở nhiều nơi trên thế giới, như khủng hoảng Ucraina (2014), Macedonia (2016), và bất ổn tại Venezuela hiện nay…
Một số nhà nghiên cứu đã chỉ ra nguyên nhân sâu xa của “cách mạng sắc màu” từ hai cách tiếp cận: Thứ nhất, tiếp cận từ góc độ xung đột lợi ích địa chính trị giữa phương Đông và phương Tây sau chiến tranh lạnh, “cách mạng sắc màu” là công cụ của phương Tây dùng để củng cố, mở rộng gia tăng phạm vi ảnh hưởng toàn cầu bằng việc thúc đẩy mô hình chính trị với các giá trị dân chủ(2). Thứ hai, nhấn mạnh vào các phong trào đối lập lại khá lạc quan khi cho rằng cách mạng màu là quá trình dân chủ hoá(3). Họ cho rằng “cách mạng sắc màu” phản ánh khuynh hướng của phe đối lập nhằm đạt được sự đột phá về dân chủ trong bầu cử chính trị để phê phán các trường hợp gian lận trong bầu cử, từ đó lên án những hành động phản dân chủ của liên minh cầm quyền. Trong khi đó, một số học giả cho rằng, “cách mạng sắc màu” là mưu kế then chốt nhằm áp đặt trật tự thế giới mới do Mỹ đứng đầu. Đây là một chiến thuật chính trị che giấu sự mở rộng của NATO và ảnh hưởng của Mỹ đến các vùng biên giới của Nga, thậm chí cả Trung Quốc. Mục tiêu cơ bản trong chiến lược của Mỹ là bao vây Nga và Trung Quốc nhằm ngăn chặn sự nổi lên của những thách thức đối với quyền lực của Mỹ trong khu vực và trên toàn cầu(4).
Các cách tiếp cận này tương đối phiến diện, chỉ nhấn mạnh vào các tác nhân bên ngoài hoặc các nhân tố bên trong, chưa chỉ ra được bản chất của vấn đề. Cần nhận thức rằng, cách mạng màu là một hiện tượng chính trị diễn ra trên cơ sở những tiền đề trong nước (kinh tế, chính trị, xã hội) và được hậu thuẫn bởi các lực lượng bên ngoài. Có thể thấy, “cách mạng sắc màu” chỉ diễn ra ở các nước có sự bất ổn về chính trị, nền kinh tế trì trệ, tham nhũng tràn lan… Yếu tố bên ngoài sẽ chỉ phát huy được hiệu quả khi nhân tố bên trong không còn đủ sức để duy trì một quốc gia đủ mạnh mẽ. Ngược lại, nhân tố trong nước nếu không bị chi phối của các yếu tố bên ngoài thì sẽ không dễ dàng, nhanh chóng dẫn đến sự sụp đổ chế độ. Do đó, để có cái nhìn khách quan, toàn diện về “cách mạng sắc màu”, cần phải chỉ ra được các động cơ cơ bản bên trong và các tác động bên ngoài, đồng thời phải làm rõ sự tác động qua lại giữa các nhân tố bên trong và bên ngoài cũng như chỉ ra được đâu là nhân tố mang tính chất quyết định.
2. Tác động của cách mạng sắc màu đối với Việt Nam
“Cách mạng sắc màu” là một biện pháp chiến lược thù địch, phản động nhằm áp đặt quan niệm, giá trị “dân chủ” kiểu phương Tây thông qua các thủ đoạn can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia. Đây là việc làm phản dân chủ, đi ngược lại xu hướng tiến bộ của thời đại, xét trên mọi khía cạnh, nó chính là một bộ phận hợp thành của chiến lược “diễn biến hòa bình” của Mỹ và phương Tây thời kỳ hậu “Chiến tranh lạnh”. Cùng với “Diễn biến hòa bình”, “cách mạng sắc màu” là phương thức tiến hành các hoạt động, chủ yếu là phi vũ trang, phi quân sự, nhằm xóa bỏ chế độ XHCN trên phạm vi toàn thế giới, đưa các nước XHCN đi theo quỹ đạo tư bản chủ nghĩa; chống phá nền độc lập của các quốc gia, dân tộc, thiết lập một trật tự thế giới dưới sự chi phối của Mỹ và phương Tây.
Qua các cuộc “cách mạng sắc màu” trong những năm gần đây, có thể thấy rằng các nước nhỏ, nhất là những nước có vị trí địa – chính trị chiến lược sẽ dễ trở thành con bài mặc cả quyền lực giữa Mỹ và Nga, hoặc trở thành “con tốt” trong ván bài phong tỏa toàn cầu của Mỹ và các nước phương Tây. Tại những quốc gia manh nha tư tưởng, mô hình đối lập với Mỹ thường sẽ bị can dự nội bộ chính trị, thậm chí lật đổ chế độ. Phong trào cộng sản, công nhân thế giới đang ở bước quanh co, khó khăn nhất; do đó, với các nước đang và sẽ đi theo con đường XHCN, cũng chịu chi phối trực tiếp, rõ rệt.
Trong nhiều năm qua, các thế lực thù địch coi Việt Nam là trọng điểm thực hiện “diễn biến hòa bình”, “cách mạng sắc màu” nhằm xóa bỏ chế độ XHCN mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta lựa chọn, hướng Việt Nam vào quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản. Chúng luôn tìm cách xuyên tạc, chống phá, bôi nhọ chế độ ta “mất dân chủ” và kêu gọi muốn có “dân chủ thực sự”, cần thực hiện một cuộc “cách mạng sắc màu”. Đây là một luận điệu hết sức nguy hiểm. Bởi vậy, các cuộc “cách mạng sắc màu” trong thời gian gần đây đã tác động trực tiếp và gián tiếp đến chính trị, kinh tế, văn hóa – tư tưởng ở nước ta hiện nay.
Về mặt chính trị, các cuộc “cách mạng sắc màu” là nguy cơ hàng đầu, trực tiếp đe doạ sự tồn vong của chế độ ta. Diễn biến phức tạp của các cuộc “cách mạng sắc màu” khiến người dân hoang mang, ảnh hưởng gián tiếp đến sự lãnh đạo của Đảng và con đường xây dựng chế độ XHCN ở nước ta. Là quốc gia có vị trí địa – chính trị đặc biệt, “có được Việt Nam là có được Đông Nam Á”, Việt Nam luôn nằm trong danh sách các quốc gia bị chi phối bởi các chính sách của các nước lớn, với từng mức độ khác nhau, trong đó có Mỹ – phương Tây, Nga và Trung Quốc. Là một trong số ít quốc gia đang tiếp tục con đường XHCN, Việt Nam luôn là tâm điểm trong chiến dịch “toàn cầu phản cách mạng” của Mỹ. Con bài “dân chủ”, “nhân quyền” đã, đang và sẽ tiếp tục được Mỹ sử dụng để can thiệp từng bước vào nước ta. Chúng lợi dụng hợp tác trên lĩnh vực cải cách chính trị, hành chính, tư pháp để tác động chuyển hóa chế độ chính trị ở nước ta.
Về mặt kinh tế, bên cạnh những mặt tích cực, không thể phủ nhận những mặt trái của toàn cầu hóa. Nền kinh tế nước ta còn đang trong giai đoạn đổi mới nên còn nhiều khó khăn, bất cập, thậm chí nhiều lĩnh vực còn chưa đủ khả năng tham gia thị trường toàn cầu. Lợi dụng quy định của các tổ chức thương mại, các thể chế kinh tế, tài chính thế giới nhằm gây sức ép chuyển hóa chủ trương, đường lối của ta là một trong những thủ đoạn hết sức tinh vi. Các NGOs và TNCs cũng cùng với dòng chảy hội nhập tham gia mạnh mẽ vào nền kinh tế Việt Nam, trong đó bao gồm những tổ chức, công ty có sự tài trợ của Mỹ – phương Tây. Đây là một trong những nguy cơ mà chúng ta cần phải luôn cảnh giác, tỉnh táo.
Về văn hóa – tư tưởng, lợi dụng tính chất phức tạp, nhạy cảm của các vấn đề tôn giáo, dân tộc, nhân quyền, các thế lực thù địch, phản động chống phá nước ta bằng cách tạo áp lực từ cả bên trong và bên ngoài. Chúng kích động dư luận, tuyên truyền mạnh mẽ thông qua các cuộc “cách mạng sắc màu” trên thế giới nhằm đưa luận điệu “dân chủ thực sự” vào tư tưởng của người dân. Do đó, những cuộc “cách mạng màu” thời gian qua là một trong những chất xúc tác nguy hiểm để các thế lực thù địch đẩy mạnh công tác tuyên truyền, lôi kéo vận động người dân thiếu hiểu biết để tập hợp lực lượng. Cùng với đó, những trào lưu tư tưởng tiêu cực từ bên ngoài du nhập vào nước ta sẽ tạo nên sự hỗn loạn, mất phương hướng, chuẩn mực giá trị, đạo đức, văn hóa, lối sống. Đây là một trong những tiền đề nguy hiểm để chúng lợi dụng truyền bá, hình thành các trào lưu tư tưởng và hệ thống giá trị đối lập trong xã hội ta.
3. Một số giải pháp phòng, chống
Đảng ta đã xác định, “diễn biến hòa bình” là một trong bốn nguy cơ chúng ta cần giải quyết. Đại hội XII xác định, cần “chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; ngăn chặn, phản bác những thông tin và luận điệu sai trái, đẩy lùi các loại tội phạm và tệ nạn xã hội; sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa an ninh truyền thống và phitruyền thống; đảm bảo an ninh, an toàn thông tin, an ninh mạng”(5). Theo đó, Đảng ta xác định “củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng”(6).
Để ngăn chặn những nguy cơ của “cách mạng sắc màu”, chúng ta cần phải đi vào những yếu tố chủ quan, bao gồm tình hình kinh tế – chính trị – xã hội nội tại. Trong đó, về chính trị, cần phải nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, tăng cường niềm tin của các tầng lớp nhân dân với Đảng, Nhà nước. Hiện nay, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, “tự diễn biến”, tệ nạn tham nhũng, “lợi ích nhóm” đã khiến cho nhân dân bất bình. Do đó, cần phải giải quyết tận gốc để người dân tin và đi theo chế độ, không bị các thế lực thù địch lôi kéo. Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII đã đưa ra 4 nhóm giải pháp nhằm ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ hiện nay(7).
Theo đó, cần tập trung củng cố, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở, đảm bảo thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là ở những vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Chú trọng công tác bảo vệ chính trị nội bộ, khắc phục kịp thời nguy cơ phân hóa, mâu thuẫn nội bộ, các biểu hiện suy thoái, phai nhạt lý tưởng. Đấu tranh và xử lý nghiêm minh các hành vi sai trái, lạm dụng chức quyền, tham nhũng, đi ngược lại lợi ích của nhân dân. Phát hiện, vô hiệu hóa các phần tử cơ hội, phản bội trong tổ chức; bóc gỡ, vô hiệu hóa cơ sở nội gián trong nội bộ.
Xem thêm: Mainnet Là Gì – Tầm Quan Trọng Khi Có Mainnet
Về kinh tế, cần tiếp tục hoàn thiện “thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước. Cần kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và bảo đảm công bằng xã hội. Thực hiện xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Cần ngăn ngừa, giải quyết tình trạng “lợi ích nhóm” chi phối, hưởng lợi trong quá trình phát triển, xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, nhân dân.
Trong quá trình hội nhập quốc tế, mà trước hết là hội nhập kinh tế, cần hạn chế những mặt trái của toàn cầu hóa, giữ vững sự phát triển của chế độ, không để lệ thuộc về kinh tế, dẫn đến lệ thuộc về chính trị. Tham gia các tổ chức, diễn đàn, thể chế kinh tế cần phải linh hoạt, mềm dẻo. Tăng cường hợp tác với các quốc gia là một trong những điều kiện thuận lợi để chúng ta nâng cao vị thế quốc tế, ngăn chặn những âm mưu và hoạt động thù địch; thông qua sự ủng hộ của thế giới. Tăng cường hợp tác quốc tế, mở rộng giao lưu thông qua các diễn đàn đa phương nhằm trực tiếp và gián tiếp đấu tranh với các đối tượng, tổ chức chống phá nước ta.
Cùng với đó, cần tăng cường quản lý nhà nước với các dự án NGO của Mỹ và EU tại nước ta. Trong đó, cần đặc biệt chú ý các dự án do Chính phủ Mỹ, EU trực tiếp tài trợ như Quỹ Ford, Quỹ châu Âu, USAID (Mỹ); Viện KAS, FES (Đức), CIDA (Canađa), SIDA (Thụy Điển)… có nội dung nhạy cảm như tăng cường năng lực, dân chủ cơ sở, xây dựng và cải cách pháp luật, cải cách tư pháp, cải cách hành chính, “nâng cao năng lực đại biểu Quốc hội”, “nâng cao năng lực cán bộ địa phương”, “hỗ trợ Quy chế dân chủ cơ sở”, “chống tham nhũng”… Các cơ quan chức năng liên quan cần nâng cao năng lực tham mưu, dự báo, kịp thời phát hiện ý đồ triển khai hoạt động của các NGO tại Việt Nam có liên quan đến “cách mạng sắc màu” để hạn chế mở rộng, tiếp nhận viện trợ, dự án của các tổ chức này. Đây là một vấn đề nhạy cảm, bởi không dễ dàng phân hóa các tổ chức này một cách rõ ràng, và dễ dàng lan tỏa trong nhân dân thông qua nhiều hình thức truyền thông và mạng xã hội.
Về an ninh – quốc phòng, cần thực hiện chỉ đạo của Đảng, Nhà nước ta về “xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc” với lực lượng chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, có sức chiến đấu cao; đồng thời xây dựng lực lượng dự bị hùng hậu, dân quân tự vệ rộng khắp, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống. Cần chủ động, phát hiện, ngăn chặn kịp thời mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản bác những thông tin, luận điệu sai trái; kiên quyết đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Trong hoạch định và tổ chức thực hiện Chiến lược bảo vệ Tổ quốc, cần chủ động dự báo những tình huống chiến lược về quốc phòng – an ninh có thể xảy ra; tích cực “bảo vệ Tổ quốc từ xa”, chủ động phòng ngừa, sớm phát hiện, ngăn chặn mọi nguy cơ từ bên ngoài để triệt tiêu những yếu tố bất lợi có thể dẫn đến nguy cơ xung đột vũ trang, chiến tranh cục bộ.
Về văn hóa, tư tưởng, cần nâng cao hiểu biết cũng như tinh thần cảnh giác cho người dân về “cách mạng sắc màu” và bản chất cũng như phương thức can thiệp của Mỹ và phương Tây. Về lâu dài, cần thực hiện cải cách giáo dục, nâng cao dân trí cho toàn dân. Hiện nay, công tác thông tin còn nhiều bất cập. Cần công khai, minh bạch, thông tin cho nhân dân những thông tin cần thiết để người dân không tiếp cận những thông tin xuyên tạc, bịa đặt của các thế lực thù địch trên các trang mạng xã hội. Được tiếp nhận thông tin chính thức là nhu cầu chính đáng của người dân. Các quốc gia nổ ra “cách mạng sắc màu” thường buông lỏng lãnh đạo, quản lý với lĩnh vực báo chí, xuất bản, thông tin – truyền thông… Do đó, cần hoàn thiện cơ chế quản lý, pháp luật về an ninh thông tin, trong đó chủ đạo là Cục An ninh thông tin truyền thông nhằm định hướng đúng dư luận, kịp thời khắc phục những biểu hiện lệch lạc trong hoạt động thông tin – báo chí.
Hiện nay, mạng xã hội, Internet, truyền thông là một trong những công cụ đắc lực cho các thế lực thù địch truyền bá, tập hợp lực lượng thông qua các nguồn tài trợ của các NGO. Do đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành chức năng và người dân để thường xuyên rà soát những hoạt động tuyên truyền, lũng đoạn thông tin của các thế lực thù địch. Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ “kiên quyết không để tư nhân hóa báo chí dưới mọi hình thức và không để bất cứ tổ chức hoặc cá nhân nào lợi dụng, chi phối báo chí để phục vụ lợi ích riêng, gây tổn hại lợi ích đất nước”(8).
Ngoài ra, cần tăng cường công tác vận động đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo bằng nhiều hình thức, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân; ngăn chặn, vô hiệu hóa các tư tưởng ly khai, tự trị dân tộc. Tập trung phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao trình độ dân trí, đời sống nhân dân cho đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa, nhất là tại các địa bàn Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Tây Nghệ An, tạo niềm tin của đồng bào đối với Đảng, Nhà nước. Kiên quyết không để lặp lại các hiện tượng thành lập “Nhà nước Đềga độc lập” (Tây Nguyên), “Nhà nước Khmer Krom” (Tây Nam Bộ), “Vương quốc Mông” (Tây Bắc), “Vương quốc Chămpa” (Nam Trung Bộ).
Mặt khác, với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, cần tăng cường hơn nữa công tác vận động, tranh thủ các chính khách, tổ chức, cá nhân Việt kiều nhằm từng bước hình thành sự đồng thuận trong dư luận quốc tế; sự ủng hộ của cộng đồng người nước ngoài với Đảng, Nhà nước Việt Nam nói chung và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc nói riêng. Đây là một trong những điều kiện nhằm ngăn ngừa, loại bỏ những hoạt động chống phá của các tổ chức thù địch ngoài nước. Cần giải quyết những vấn đề còn tồn tại một cách khách quan, thực chất.
Cuối cùng, cần đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền với sinh viên, thanh niên, trí thức. Trong các cuộc “cách mạng sắc màu” trên thế giới, đây là lực lượng nòng cốt, đông đảo thực hiện biểu tình, tuần hành, đòi cải cách, cải tổ, gây sức ép với chính quyền. Với việc cài cắm, nuôi dưỡng tầng lớp thanh niên, các thế lực thù địch mong muốn sẽ tác động vào mọi cơ chế của hệ thống xã hội Việt Nam trên tất cả mọi mặt; nhằm dần thay đổi chế độ, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng như làm chệch hướng con đường phát triển của nước ta.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Trung ương để định hướng tư tưởng vững vàng, giáo dục đường lối, văn hóa lối sống cho thế hệ trẻ từ môi trường giáo dục gia đình và xã hội. Chính sách việc làm, học bổng cũng như giải quyết những vấn đề tiêu cực, tệ nạn xã hội trong học sinh, sinh viên. Cần triển khai có hiệu quả Đề án đấu tranh chống diễn biến hòa bình, bảo đảm an ninh trên lĩnh vực giáo dục đại học và Luật Thanh niên nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước với thanh niên. Trong đó, Hội Sinh viên, Đoàn thanh niên, các tổ chức cơ sở đảng cần là hạt nhân tập hợp các thanh niên, đoàn viên nhằm vận động, thu hút họ tham gia các hoạt động vì xã hội, vì cộng đồng, khơi dậy tình yêu Tổ quốc và lòng biết ơn với dân tộc, cha ông, thế hệ đi trước; kịp thời nắm bắt những diễn biến bất thường trong tư tưởng, hành vi của sinh viên; kịp thời giải quyết những phức tạp nảy sinh.
Một loạt các trường hợp điển hình từ phong trào Mùa xuân Ả rập đến “cách mạng sắc màu” tại Gruzia, Ucraina… thực sự là hồi chuông cảnh tỉnh cho các quốc gia đang phát triển, có định hướng “phi tư bản chủ nghĩa”, trong đó có Việt Nam. Nguy cơ diễn biến hòa bình, “cách mạng sắc màu” đã được Đảng ta xác định là một trong bốn nguy cơ kéo lùi sự phát triển của đất nước, đe dọa sự tồn vong của chế độ. Do vậy, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cần nâng cao tinh thần cảnh giác trước âm mưu, nguy cơ của các thế lực thù địch.
______________________
Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 4-2017
(1) Baev, P.K. 2011. A Matrix for Post-Soviet “Color Revolutions”: Exorcising the Devil from the Details. International Area Studies Review. No 14 (2), p.3-22.
(2) Barker, M.J. 2006, Taking the risk out of civil society: harnessing social movements and regulating revolutions. Paper presented at the Australia Political Studies Association Conference, University of Newcastle , Australia.
(3) Tucker, J.A (2007), Enough! Electoral Fraud, Collective Action Prolems, and Post Communist Colored Revolutions. Perpectives on Politics. No 53, p.535-551.
Xem thêm: Nơi Cư Trú Là Gì – Xác định Nơi Cư Trú ổn định
(4) Marshall, Andrew Gavin, 2009, Color – coded revolutions and the origins of Word War III, Global Research, http://www.globalresearch.ca
(5), (6) ĐCSVN:Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, NxbChính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.33, 148.
Chuyên mục: Hỏi Đáp