Theo Hiến pháp năm 2013 thì Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhândân; Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và Pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ; Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật; Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội.

Bạn đang xem: áp dụng pháp luật là gì

*

Ảnh minh họa: Nguồn Internet

Tại Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng có nêu “Tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo đảm Nhà nước ta thực sự là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, do Đảng lãnh đạo; thực hiện tốt chức năng quản lý kinh tế, quản lý xã hội; giải quyết đúng mối quan hệ giữa Nhà nước với các tổ chức khác trong hệ thống chính trị, với nhân dân, với thị trường. Nâng cao năng lực quản lý và điều hành của Nhà nước theo pháp luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa và kỷ luật, kỷ cương…”.

Với các quan điểm có tính thống nhất nêu trên có thể thấy rằng tính pháp chế, vai trò, vị trí của pháp luật trong quản lý nhà nước và xã hội, tính tối cao của Hiến pháp trong đời sống xã hội được khẳng định.

Trong thời gian qua công tác tham mưu, áp dụng văn bản pháp luật của cán bộ, công chức cơ quan tài chính ngày được hoàn thiện và chất lượng nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, bên cạnh đó công tác áp dụng văn bản pháp luật vào công tác tham mưu xử lý những công việc cụ thể ở một số nội dung vẫn còn nhiều hạn chế cần được khắc phục. Với vai trò là cơ quan hành pháp, cơ quan tài chính cũng là chủ thể thực thi các quy định của pháp luật; có thể nói rằng hầu hết các văn bản pháp luật đều có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến cơ quan tài chính; đối với cán bộ tài chính hầu như tất cả các văn bản pháp luật đều phải được tiếp cận và áp dụng trong thực thi nhiệm vụ, do đó mỗi chuyên viên cần phải có những kỷ năng cơ bản về việc cập nhật và áp dụng các văn bản pháp luật vào trong công việc thường xuyên của mình.

Trong quá trình xử lý những tình huống công việc, chúng ta phải biết định hướng những chủ trương, quy định, văn bản có liên quan được dẫn chiếu trong báo cáo đề xuất xử lý của mình. Để có các văn bản liên quan dẫn chiếu đòi hỏi người tham mưu phải hệ thống các văn bản nhất định, muốn vậy thì ngoài vấn đề am hiểu pháp luật, thì chuyên viên phải tuân thủ những nguyên tắc và yêu cầu sau đây:

Nguyên tắc thường xuyên: Chuyên viên phải chủ động xây dựng cho mình thói quen cập nhật văn bản pháp luật, có như vậy mới giúp cho mình tập hợp được những văn bản đã có theo một trình tự, loại bỏ được những quy định lỗi thời, mâu thuẫn hoặc đề xuất bổ sung, sửa đổi kịp thời những bấp cập của văn bản (pháp điển hóa văn bản pháp luật).

Nguyên tắc kịp thời: Với yêu cầu quản lý nhà nước ngày càng cao như hiện nay thì nguyên tắc kịp thời phải càng được nâng lên, nhất là việc ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện tốt nguyên tắc này sẽ giúp cho chuyên viên có được nguồn văn bản tin cậy, kịp thời đề xuất chính xác, hiệu quả các tình huống công việc, trách tình trạng áp dụng các văn bản đã bị bãi bỏ, lỗi thời hoặc lúng túng trong việc áp dụng văn bản pháp luật.

Nguyên tắc đồng bộ: Nguyên tắc này sẽ giúp cho chuyên viên hệ thống hóa được các văn bản do các cấp có thẩm quyền ban hành một cách đầy đủ: Ví dụ: Cập nhật Luật quản lý tài sản thì phải cập nhật Nghị định hướng dẫn, các Thông tư hướng dẫn Nghị định và các văn bản hướng dẫn dưới Luật có liên quan…

Yêu cầu nguồn thông tin pháp luật cập nhật phải đáng tin cậy: Trong thời buổi công nghệ thông tin như hiện nay, có rất nhiều nguồn thông tin để cập nhật văn bản pháp luật, nhất là qua các trang mạng Internet, tuy nhiên không phải nguồn nào cũng đáng tin cậy, nhất là độ tin cậy về hiệu lực văn bản (văn bản đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung nhưng chưa được cập nhật kịp thời), do đó cần xác định và cập nhật văn bản pháp quy từ những trang website có độ tin cậy cao (như website chính thống của các Bộ, ngành hoặc của các cơ quan nhà nước).

Yêu cầu việc cập nhật văn bản pháp luật phải có tính hệ thống: Muốn có được hệ thống văn bản thì từng chuyên viên phải tự hệ thống hóa cho mình các văn bản pháp luật, trong đó cần lưu ý các nội dung: hiệu lực của các văn bản, các văn bản chính, quan trọng có liên quan trực tiếp đến công việc được giao phụ trách; hệ thống hóa các văn bản theo chuyên đề để thuận lợi cho tra cứu, áp dụng pháp luật, cũng như chia sẽ cho cho đồng nghiệp khi cần thiết, chẳng hạn hệ thống hóa văn bản theo nhóm các văn bản chung như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Cán bộ công chức, Luật xử phạt VPHC, Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước; nhóm các văn bản đặc thù: văn bản liên quan đến tài sản, văn bản liên quan đến lĩnh vực giáo dục, y tế; văn bản liên quan đến lĩnh vực đảm bảo xã hội hoặc có thể hệ thống theo nội dung công việc được giao của từng cá nhân như: văn bản liên quan đến phí, lệ phí; văn bản liên quan đến an sinh, xã hội, văn bản liên quan đến tài sản…

Việc nêu cụ thể các nguyên tắc và yêu cầu nêu trên để chúng ta có cái nhìn tổng thể, tuy nhiên trong thực tế các nguyên tắc và yêu cầu này đan xen, hỗ trợ lẫn nhau không thể tách rời. Do đó, việc cập nhật văn bản miễn sao đáp ứng được tốt nhất yêu cầu xử lý nhanh, chính xác kịp thời các nhiệm vụ được giao.

Xem thêm: European Là Gì – Europe (Định Hướng)

Công tác cập nhật văn bản mục đích chính là để áp dụng văn bản pháp luật chính xác vào từng vụ việc cụ thể, đây là một quy trình tổng hợp bao gồm nhiều yếu tố có sự tương tác lẫn nhau. Việc áp dụng pháp luật cần tuân thủ đầy đủ một số yêu cầu và nguyên tắc như sau:

Đảm bảo các yêu cầu khi áp dụng pháp luật: tính thống nhất; tính đúng đắn, chính xác khi áp dụng pháp luật; Không có ngoại lệ khi áp dụng pháp luật; Bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của công dân; Ngăn chặn kịp thời và xử lý mọi hành vi vi phạm.

Đảm bảo các nguyên tắc: Nguyên tắc pháp chế; Nguyên tắc khách quan; Nguyên tắc công bằng.

Để áp dụng một cách chính xác đảm bảo đầy đủ các yêu cầu và nguyên tắc nêu trên trong việc áp dụng pháp luật vào xử lý công việc, chúng ta thực hiện theo trình tự như sau:

Phân tích tình huống công việc: Đây là giai đoạn khởi đầu có tính chất then chốt, quyết định. Trước hết cần xác định đúng bản chất của sự việc, nội dung được giao, nếu xác định không chính xác bản chất của công việc sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ chất lượng của những đề xuất sau này, có khi sẽ gây ra hiệu quả khôn lường. Chẳng hạn khi nhận được chỉ đạo của cơ quan quản lý nhà nước cấp trên có thẩm quyền đề nghị thực hiện một nhiệm vụ nào đó, với vai trò tham mưu, nếu chúng ta không xem xét chỉ đạo này dưới nhiều khía cạnh khác nhau của các văn bản pháp luật mà chấp hành ngay chỉ đạo của cấp trên. Điều này sẽ xảy ra 02 trường hợp: Nếu chủ trương đúng với quy định của pháp luật thì việc chấp hành chỉ đạo là phù hợp, nhưng nếu chủ trương không phù hợp với quy định của pháp luật mà chúng ta không kịp thời báo cáo đề xuất lại cơ quan cấp trên thì hậu quả pháp lý sau này chúng ta phải chịu một phần trách nhiệm (khi cơ quan có thẩm quyền kiến nghị những sai phạm).

Lựa chọn văn bản pháp luật: Như chúng ta đã biết, hệ thống văn bản của nước ta trong thời gian gần đây đã được cải thiện đáng kể, tuy nhiên bên cạnh đó thì không thể tránh khỏi sự chồng chéo, mâu thuẫn gữa các văn bản pháp luật và một số trường hợp khác không có văn bản pháp luật để áp dụng, do đó lựa chọn quy phạm pháp luật làm cơ sở pháp lý để tham mưu cho các cấp lãnh đạo để quyết định là hết sức quan trọng vì không đưa ra cơ sở pháp lý có tính thuyết phục, phù hợp sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả của toàn bộ quá trình tham mưu xử lý công việc. Trong thực tế xử lý công việc có thể xảy ra các trường hợp như sau:

1.Có những quy định của pháp luật đáp ứng đủ yêu cầu để làm cơ sở pháp lý cho áp dụng. Đây là điều rất thuận lợi giúp chúng ta dễ dàng xác định được cơ sở pháp lý để tham mưu ban hành văn bản, quyết định áp dụng pháp luật đúng thời hạn, thời hiệu theo quy định của pháp luật.

2. Có nhiều văn bản pháp luật cùng điều chỉnh một nội dung công việc nhưng đưa ra cách giải quyết khác nhau. Đây là trường hợp xung đột quy phạm pháp luật. Thực tiễn pháp lý có cách giải quyết đối với tình huống này bằng việc lựa chọn quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao hơn và lựa chọn quy phạm pháp luật được ban hành sau. Tuy vậy cách giải quyết này cũng không thể thỏa mãn các trường hợp: quy phạm pháp luật ban hành trước có giá trị pháp lý cao hơn nhưng lại không còn phù hợp với điều kiện thực tế. Ngược lại quy phạm pháp luật ban hành sau có giá trị pháp lý thấp nhưng phù hợp với thực tế. Vậy, ở đây sẽ áp dụng qui phạm pháp luật nào? Nếu áp dụng qui phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao hơn thì không có hiệu quả thực tế vì không đủ điều kiện cho phép. Trong khi đó, việc áp dụng qui phạm pháp luật ban hành sau thì có hiệu quả bởi nó phù hợp với điều kiện thực tế nhưng lại vướng vì giá trị pháp lý thấp hơn qui phạm pháp luật ban hành trước. Có ý kiến cho rằng cần đề xuất cần giải quyết xung đột này rồi mới tiến hành áp dụng pháp luật theo một văn bản nhất định. Đây là một việc làm không hề đơn giản trên thực tế, bởi để kiểm tra, xử lý văn bản cần phải có thời gian và trải qua một qui trình thủ tục phức tạp. Trong khi đó, thời hạn, thời hiệu của áp dụng pháp luật không cho phép kéo dài để chờ đợi. Việc xung đột khi chọn qui phạm để áp dụng pháp luật là điều khó tránh khỏi, do đó khi tham mưu chúng ta phải nêu rõ và cách xử lý của chúng ta cho từng trường hợp theo hướng hài hòa các mối quan hệ giữa các chủ thể.

3. Không có văn bản pháp luật làm cơ sở pháp lý cho việc tham mưu đối với một công việc, nội dung nào đó. Đây là thực trạng pháp lý có thể xảy ra ở bất ngành nào, địa phương nào. Thực tiễn pháp lý nước ta có cách giải quyết đối với tình huống này bằng việc áp dụng pháp luật tương tự. Rõ ràng, trong quá trình làm luật, các nhà làm luật đều cố gắng dự kiến đến mức tối đa các trường hợp, điều kiện, hoàn cảnh có thể xảy ra trong cuộc sống để kịp thời điều chỉnh, nhằm tạo ra đầy đủ cơ sở pháp lý cho việc áp dụng pháp luật để giải quyết các vụ việc xảy ra trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, trong thực tiễn áp dụng pháp luật rất khó tránh được tình trạng có những vụ việc chưa có văn bản pháp luật điều chỉnh vụ việc đó. Đây chính là tình trạng pháp luật có những lỗ hổng, những khoảng trống, tình trạng pháp luật chưa hoàn chỉnh.

Khi gặp các trường hợp nêu trên, để kịp xử lý các vấn đề phát sinh thì người tham mưu không thể chờ đến khi ban hành được quy phạm pháp luật trực tiếp điều chỉnh vụ việc mới giải quyết mà phải giải quyết ngay bằng cách áp dụng pháp luật tương tự (Áp dụng pháp luật tương tự là hoạt động giải quyết các vụ việc thực tế cụ thể của các chủ thể có thẩm quyền áp dụng pháp luật khi trong hệ thống pháp luật không có quy phạm pháp luật nào trực tiếp điều chỉnh vụ việc đó) hay nói cách khác là vận dụng các văn bản pháp luật tương tự để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết.

Xem thêm: Handbook Là Gì – định Nghĩa, Ví Dụ, Giải Thích

Ra quyết định áp dụng pháp luật để giải quyết vụ việc: Khi đã xác định được đúng bản chất của sự việc, xác định được các văn bản pháp luật để điều chỉnh nội dung công việc cần tham mưu, CBCC phải đưa ra được cách giải quyết vụ việc bằng các văn bản như Báo cáo, Phiếu trình, Tờ trình hoặc các văn bản quy phạm pháp luật như Quyết định, Nghị quyết…Đây là giai đoạn phản ánh kết quả thực tế quá trình áp dụng pháp luật của việc tham mưu xử lý công việc. Quyết định áp dụng pháp luật là cơ sở pháp lí để tổ chức thực hiện pháp luật, là căn cứ để đánh giá năng lực của từng chuyên viên tham mưu, đồng thời để kiểm tra, giám sát sự tuân thủ pháp luật của các đối tượng có liên quan

Tổ chức thực hiện trên thực tế quyết định áp dụng pháp luật đã được ban hành và đã có hiệu lực pháp lý: Sau khi những nội dung tham mưu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, để đảm bảo cho các quyết định có hiệu lực thực thi trên thực tế thì phải được các cá nhân, tổ chức có liên quan tôn trọng thực hiện, để thực hiện tốt điều này, chúng ta cũng cần chuẩn bị tốt các điều kiện thiết yếu để các chủ thể này thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình như: các điều kiện về tài chính, về kỹ thuật, pháp lý.v.v. Sau đó, phải tiến hành các hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực thi các quyết định áp dụng pháp luật đối với các chủ thể có liên quan để đảm bảo hiệu lực và hiệu quả của nó trên thực tế.

Tóm lại, để tham mưu, đề xuất công việc đảm bảo đúng trình tự, thời gian và mang lại hiệu quả cao nhất, mỗi CBCC cần trang bị cho mình những kỹ năng cập nhật và áp dụng văn bản pháp luật nhất định. Có thể nói rằng kỹ năng này không thể tự nhiện mà có mà phải được hoàn chỉnh qua một quá trình tích lũy, đòi hỏi mỗi CBCC phải chủ động, thường xuyên xây dựng cho mình kế hoạch cụ thể để áp dụng văn bản pháp luật một cách hiệu quả nhất; đồng thời tự nâng cao kỹ năng đọc và phân tích văn bản pháp luật để áp dụng một cách độc lập trong từng nhiệm vụ, công việc được giao.

Chuyên mục: Hỏi Đáp