TÂM LÀ GÌ?
Kính thưa quý bạn! Xưa nay chúng ta thường có một câu nói suông rằng: “Tôi không cần tu hành chi cả, tôi chỉ cần tu tâm là đúng, là đủ rồi”.
Bạn đang xem: Tâm là gì
Câu nói này nghe qua tưởng chừng như thật, nhưng trên thực tế có mấy ai làm được như ý nghĩa chân thật của nó. Nếu hiểu thì chúng ta đã làm Phật hết rồi, không còn có mặt ở trên Trái Đất này. Thật ra chữ tu chúng ta còn chưa hiểu thông, thì làm sao hiểu được ý nghĩa của hai từ đúng và đủ. Làm sao hiểu được tâm là gì, tâm ở đâu mà vội bảo rằng: “Tôi không cần tu hành chi cả, tôi chỉ cần tu tâm là đúng, là đủ rồi”.
Chúng ta xưa nay tưởng tâm của mình là trái tim và khối óc, nên thường nghĩ rằng: “Tôi không làm gì trái với lương tâm đạo đức, không trộm cướp, hãm hại, giết người là tôi đã tu tâm rồi”. Nhưng trên thực tế có mấy ai hiểu được ý nghĩa chân thật của lương tâm và đạo đức, hiểu được hai mặt thiện ác, đúng sai? Nếu chúng ta thật sự hiểu được ý nghĩa tu tâm là gì, thì sẽ thốt lên những lời nói chân thật rằng: “Tôi phải cố gắng tu hành để sửa đổi hành vi và lời nói tội lỗi của tôi mỗi giây, mỗi phút”. Tuy chúng ta chưa hiểu tâm là gì và tâm ở đâu, nhưng ít ra chúng ta đã biết nhìn vào mình. Khi biết nhìn vào mình thì những bước kế tiếp cảm nhận được mình, tìm hiểu mình, thấy được mình và làm chính mình sẽ không còn bao xa. (Không còn bao xa nghĩa là sự tu tâm của ta mới đi đến đúng và đủ).
Một là, nhìn vào mình: Nghĩa là nhìn vào lỗi mình, không nhìn vào lỗi người.
Hai là, cảm nhận được mình: Nghĩa là cảm nhận được tội lỗi của mình đã tạo ra từ vô lượng kiếp đến nay. Giờ mình phải lo sám hối tu hành để sửa đổi thân tâm mỗi giây mỗi phút.
Ba là, tìm hiểu mình: Nghĩa là tìm hiểu mình là ai, mình từ đâu đến, khi chết mình sẽ đi về đâu và những sự đau khổ luân hồi này từ đâu mà có và làm sao thoát khỏi luân hồi?
Bốn là, thấy được mình: Nghĩa là thấy được mọi nguồn gốc đau khổ từ vô lượng kiếp đến nay, đều do mình tạo ra và tự mình phải gánh chịu, không liên quan gì đến ai.
Năm là, làm chính mình: Nghĩa là biết Phật là mình, mình là Phật, rồi buông xả dục vọng và đoạn sạch vô minh để trở về làm Phật. Khi làm Phật rồi thì sự tu tâm của ta mới được hoàn thành viên mãn.
Bây giờ chúng ta tìm hiểu vào chân tâm của mình. Khi hiểu được chân tâm của mình rõ ràng, thì ta mới biết tu tâm từ đâu và sửa tâm chỗ nào? Còn nếu chưa hiểu tâm là gì, tâm ở đâu thì sự tu hành của ta sẽ không đi đến đâu và uổng phí cả đời. Phật nói: “Tâm Phật và tâm của chúng sanh vốn đồng một thể không hai”. Tức là nói tâm của chư Phật và tâm của chúng ta bằng nhau, không cao, không thấp, không nhỏ, không lớn. Tóm lại, tâm của Phật và tâm của ta là một không hai, không khác biệt. Tôi biết quý bạn sẽ hỏi rằng: “Nếu tâm của Phật và tâm của ta là một không hai, vậy thì tại sao quý Ngài làm Phật, còn chúng ta thì làm chúng sanh?”.
Thưa quý bạn! Chư Phật và chúng ta chỉ khác nhau có một niệm mê, giác mà thôi. Nghĩa là chư Phật thì đã giác ngộ, còn chúng ta thì vẫn còn si mê. Vì vậy mà cảnh giới, hình tướng của chư Phật và cảnh giới, hình tướng của chúng ta mới khác xa như vậy đó. Nhưng cho dù cảnh giới, hình tướng của chư Phật và cảnh giới, hình tướng của chúng ta có khác xa như thế nào, thì tâm của chư Phật và tâm của chúng ta cũng không hề có một chút mảy may khác biệt.
Nếu bàn đến chân tâm, thì phàm tình như chúng ta không thể dùng cái trí nông cạn hay ngôn ngữ hạn hẹp của thế gian mà bàn luận được. Tại sao? Vì thể tánh chân tâm của ta vốn không có hình tướng. Tuy không có hình tướng, nhưng chúng ta có thể tìm hiểu tâm một phần nào qua những sự việc do tâm biến hiện ra. Chỉ cần hiểu được sự biến hóa của tâm, thì ta sẽ thể hội được thể tánh của chân tâm.
Giờ chúng ta tạm tìm hiểu về thể tánh của vàng, nước và vũ trụ. Chỉ cần hiểu được thể tánh của chúng, thì ta sẽ hiểu được phần nào thể tánh chân tâm của ta.
I. Vàng
Vàng là thể tánh rắn chắc và chiếu sáng, nên chúng ta thường dùng vàng để làm ra những thứ nữ trang hay vật dụng như là: Nhẫn, dây chuyền, vòng xuyến, tượng Phật, chữ tranh, thau chậu, bình… Tóm lại, chúng ta có thể dùng vàng để tạo ra cả trăm, ngàn hình tướng nữ trang và vật dụng khác nhau. Nhưng cho dù chúng ta có dùng vàng để tạo ra nhiều hình tướng khác nhau như thế nào, thì thể tánh của vàng cũng không hề bị thay đổi.
II. Nước
Nước là thể tánh ướt, thanh tịnh và tươi mát, nên đâu đâu cũng có nước. Nếu không có nước thì vạn vật muôn loài hữu tình và vô tình ở trong vũ trụ này sẽ không có sự sống tồn tại. Nước có nhiều hình tướng khác nhau như là: Nước ra biển thì thành biển, ra sông thì thành sông, ra hồ thì thành hồ, lên hư không thì thành mây, mây rơi xuống thì thành mưa… Tóm lại, hình tướng của nước không thể dùng con số thiên văn để mà tính đếm được. Nhưng cho dù nước có bị duyên khống chế và biến hóa như thế nào, thì thể tánh của nước cũng không hề bị thay đổi.
III. Vũ trụ
Vũ trụ là thể tánh bao la rộng lớn không cùng tận như như bất động. Vũ trụ có thể biến hóa ra vô lượng thế giới lớn, nhỏ, thanh tịnh, ô uế, hạnh phúc và đau khổ khác nhau và vũ trụ luôn có sự thành tựu, hoại diệt, vĩnh cửu, xoay vần, biến hóa đời đời, kiếp kiếp không cùng tận. Nhưng cho dù những hình tướng thành tựu, hoại diệt và vĩnh cửu đó có thiên biến vạn hóa như thế nào, thì thể tánh của vũ trụ vẫn không hề bị thay đổi.
Qua ba thể tánh ở trên, chúng ta thấy thể tánh của vũ trụ là to lớn không cùng tận, cho dù ta có muốn nghĩ, muốn bàn cũng không được. Nhưng có một điều mà chúng ta không thể nào ngờ được, đó là: Tâm của ta to lớn bao trùm cả vũ trụ và tất cả vạn vật muôn loài ở trong vũ trụ này đều do tâm chúng ta tạo ra. Tóm lại, tất cả những gì dù là lớn như vũ trụ, nhỏ như hạt bụi, trang nghiêm như cõi Phật hay là u minh như địa ngục, đều là do tâm của chư Phật và tâm của chúng sanh tạo ra. Chúng chỉ có khác ở chỗ là: Tâm của chư Phật thì tạo ra mười phương cõi Phật thanh tịnh; còn tâm của chúng sanh thì tạo ra mười phương thế giới chúng sanh luân hồi sanh tử. Nhưng cho dù tâm của chúng ta có tạo ra sáu ngã luân hồi đau khổ và u tối như thế nào, thì thể tánh chân tâm của chúng ta cũng không hề bị thay đổi.
Thưa quý bạn! Qua sự phân tích ở trên, chúng ta đã hiểu được phần nào thể tánh của chân tâm rồi. Bây giờ chúng ta tìm hiểu đến vô minh đang che lấp tâm ta bằng cách nào? Chỉ cần hiểu rõ thì ta sẽ can đảm buông xả tham, sân, si để trở về chân tâm (Phật tánh) của ta. Bây giờ chúng ta tìm hiểu vào vô minh của vàng, nước và vũ trụ từ đâu mà có, thì sẽ hiểu được vô minh của ta từ đâu mà có.
Vô minh của vàng: Bản thể của vàng là chói sáng, nhưng vàng bị người đời đem đi tạo thành nhiều hình tướng sang hèn, đẹp xấu, cao thấp khác nhau. Nếu có người dùng một khối vàng để đúc thành tượng Phật, thì tượng Phật đó sẽ được người ta đặt ở những nơi trang nghiêm để thờ cúng và lễ lạy. Nhưng cũng là khối vàng đó, mà có người đem đi làm thành thau chậu để tắm rửa, thì nó sẽ bị người ta đặt ở những nơi dơ bẩn và tanh hôi. Cùng là một thể vàng làm ra, nhưng tại sao nó lại có sự phân biệt sang, hèn khác xa như vậy? Là vì hình tướng của nó khác nhau. Ai đã làm cho hình tướng của nó khác nhau? Là vì vàng bị người đời điều khiển và xếp đặt, nên nó không có quyền tự chủ, chỉ đành theo duyên biến hóa mà thôi. Vô minh của nước: Bản thể của nước là ướt, trong mát và tinh khiết. Nhưng nước bị duyên khởi của đất, nước, gió, lửa và bị vạn vật muôn loài hữu tình và vô tình khống chế. Biến nó ra thành nhiều hình tướng trong sạch, ô uế, ngọt mặn, thơm thối khác nhau. Cùng là một thể nước, nhưng tại sao nó lại sanh ra nhiều hình tướng sang hèn, dơ sạch, thối thơm khác xa như vậy? Là vì nước bị duyên khống chế và điều khiển, nên nó không có quyền tự chủ, chỉ đành theo duyên biến hóa mà thôi. Vô minh của vũ trụ: Bản thể của vũ trụ là thanh tịnh, trong xanh và như như bất động. Nhưng tại sao vũ trụ lại biến hóa ra vô lượng thế giới hạnh phúc, an lạc, đau khổ và đọa đày khác nhau như vậy? Vì vũ trụ bị tâm thức của những loài hữu tình điều khiển, khống chế và bị quy luật thành tựu, hoại diệt xoay vần của vạn pháp, nên nó không có quyền tự chủ chỉ đành theo duyên biến hóa mà thôi.
Nếu vàng có quyền tự chủ, thì vàng chỉ muốn tạo ra tượng Phật để cho người đời chiêm ngưỡng và lễ bái. Vàng sẽ không muốn làm thau chậu bị đặt ở những nơi dơ bẩn, tanh hôi. Nước chỉ muốn làm băng tuyết tinh khôi, sương mai tinh khiết, suối mát, mưa rơi thấm nhuần tình thương đi khắp mọi nơi, nuôi sống mọi loài. Nước sẽ không muốn làm chất độc ô nhiễm, ứ đọng khắp nơi giết hại chúng sanh. Vũ trụ chỉ muốn tạo ra mười phương cõi Phật thanh tịnh. Vũ trụ sẽ không muốn tạo ra lục đạo luân hồi đau khổ.
Qua những sự việc biến hóa ở trên cho chúng ta thấy: Vàng, nước và vũ trụ đều bị duyên khống chế, nên chúng không có quyền tự chủ, chỉ đành theo duyên biến hóa không ngừng. Bây giờ chúng ta đã hiểu được vô minh của vàng, nước và vũ trụ rồi. Vậy chúng ta đang bị ai khống chế và cái gì là vô minh đang che lấp chúng ta đây?
Thưa quý bạn! Không ai xa lạ mà chính là thần thức của ta đang khống chế chân tâm của ta đấy. (Thần thức mà người đời thường gọi là thần hồn hay linh hồn). Còn vọng tưởng tham, sân, si của thân giả tạm này chính là vô minh đang che lấp thần thức, khiến cho thần thức của ta không biết quay về nhập thể với chân tâm. Vì vậy, thân giả tạm này chính là kẻ thù lớn nhất của ta. Tại sao? Vì nó đã tạo ra sáu thứ độc để mê hoặc thần thức, khiến cho thần thức của ta mê đắm không biết quay về. Sáu thứ độc mê hoặc đó là: Tham, sân, si, mạn, nghi và ác kiến. Bây giờ chúng ta tìm hiểu vào sáu thứ độc này để xem chúng lợi hại như thế nào mà có thể mê hoặc được thần thức của ta.
Tham: Là tham vọng đủ thứ không tận cùng, không đáy.
Sân: Là sân hận, hãm hại, đố kỵ không cùng tận, không chấm dứt.
Si: Là si mê không biết phân biệt đâu là tốt xấu, chánh tà.
Xem thêm: Gauge Là Gì – Nghĩa Của Từ Gauge Trong Tiếng Việt
Mạn: Là coi cái ta của mình còn lớn hơn Trời, không ai sánh bằng. Thậm chí, chư Phật và Thánh hiền ta cũng không để vào mắt.
Nghi: Là tâm địa xấu xa, nghi ngờ. Đến nỗi lời của chư Phật, chư Thánh ta cũng không tin, không để vào tai, ngược lại còn phỉ báng. ˙
Ác kiến: Là tà tri, tà kiến (tức nghĩ sai, thấy sai). Vì nghĩ sai và thấy sai nên ta thường hay vạch lá tìm sâu, soi mói lỗi người. Rồi tạo nên những chuyện lạ thường để hãm hại lẫn nhau.
Thưa quý bạn! Tất cả chúng ta không nhiều thì ít, trong tâm đều có chứa sáu thứ độc này, nên ta mới cùng có mặt ở cõi Ta bà đây. Không những vậy mà chúng ta còn tích lũy chúng trong tâm thành băng, thành khối. Điều đáng thương là chúng ta đã chất chứa chúng đầy cả hư không rồi mà không hề hay biết. Ngược lại, còn tưởng mình là người trong sạch, thanh cao và có trí tuệ lắm. Đôi khi gặp được thiện tri thức khuyên nhủ tu hành mà ta không biết cảm ơn. Ngược lại, ta còn nổi sân chửi mắng và cho rằng người đó đang nghĩ mình ở ác, nên mới khuyên bảo mình tu hành.
Không những vậy mà chúng ta còn trả lời lại với họ rằng: “Ai ở ác thì người đó mới cần tu, còn tôi không có ở ác thì tôi không cần tu hành chi cả”. Chúng ta trả lời như vậy không lẽ chư Phật, Bồ tát, Tăng, Ni và Phật tử là những người ở ác hết sao? Chúng ta si mê, điên đảo đến hết thuốc chữa. Những người không thấy mình có tội chính là những người có tội nhiều nhất ở trên thế gian này. Xin quý bạn chớ vội nóng giận, chỉ cần quý bạn kiên nhẫn đọc hết cuốn sách này, thì sẽ biết rõ mình có tội nhiều hay ít?
Bây giờ chúng ta tìm hiểu vào tâm giả mà ta đang sống hằng ngày với nó. Chỉ cần hiểu được tâm thật và tâm giả khác nhau ở chỗ nào, thì ta sẽ có đủ trí tuệ và can đảm buông xả tâm giả để quay về với tâm thật của ta. Tâm giả tức là tâm vọng từ thân ta sanh ra mà có. Thân ta gồm có sáu phần quan trọng gọi là lục căn. Lục căn tức là sáu phần: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Hằng ngày, chúng ta thường dùng sáu căn này để tiếp xúc với sáu cảnh, rồi sanh ra tham đắm với sáu trần. Sáu trần tức là sáu thứ mà người đời ai ai cũng ưa thích, đó là: Sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp.
Sắc: Là nói chung hết sắc đẹp, xấu của thế gian.
Thanh: Là nói chung hết âm thanh hay, dở.
Hương: Là nói chung hết hương thơm, hôi thối.
Vị: Là nói chung hết vị ngọt, đắng, cay.
Xúc: Là nói chung hết hành động khoái lạc tiếp xúc của thân.
Pháp: Là nói chung hết vạn vật hữu tình và vô tình.
Hằng ngày, chúng ta thường dùng sáu căn của mình để tiếp xúc với sáu trần như là: Mắt thì thấy sắc; tai thì nghe âm thanh; mũi thì ngửi hương thơm, lưỡi thì nếm vị ngọt, đắng; thân thì tiếp xúc với khoái lạc mềm, cứng; ý thì mơ tưởng và tham vọng đủ thứ pháp.
Tóm gọn cho dễ hiểu sáu căn là thân của ta, còn sáu trần là tất cả vạn vật hữu tình và vô tình ở trên thế gian này, mà người đời ai cũng tham đắm, ưa thích và hưởng thụ. Chúng ta ai cũng thích nhìn cái đẹp, thích nghe âm thanh hay, thích ngửi mùi hương lạ, thích nếm vị ngọt ngon, thích khoái lạc hưởng thụ và thích mọi chuyện vừa ý nên ta mới bị khổ. Nếu chúng ta biết dùng chân tâm và trí tuệ để nhìn sự việc, thì ta đâu có khổ mà đã làm Phật từ lâu rồi.
Chân tâm và vọng tâm khác nhau ở chỗ nào? Chân tâm thì không có tham, sân, si và chấp trước, còn vọng tâm thì có tham, sân, si và chấp trước. Nếu người giác ngộ dùng chân tâm để nhìn thì sẽ thấy dây chuyền, vòng, nhẫn, bông tai là một không hai. Vì tất cả đều làm bằng vàng mà ra, nên họ không còn phân biệt, chấp trước. Còn người si mê dùng vọng tâm để nhìn thì sẽ thấy nhẫn là nhẫn, vòng là vòng. Nếu như có ai tới nói với họ rằng: Vòng và nhẫn giống nhau không khác, thì người si mê kia sẽ tranh luận hơn thua đến cùng. Thậm chí, họ còn đánh nhau đến bể đầu thì mới thôi. Vì vậy, người giác ngộ và người chưa giác ngộ có cái nhìn khác nhau là ở chỗ này.
Ở trên, chúng ta chỉ mới bàn đến một chút phân biệt chấp trước của con mắt thôi, mà đã sanh ra gây gổ đánh nhau rồi. Nếu cộng thêm năm cái chấp trước của tai, mũi, lưỡi, thân và ý thì sự chấp trước của ta còn tệ hại đến dường nào. Vì vậy mà thế giới này mới có đầy rẫy tai họa chiến tranh và giết hại lẫn nhau không dứt. Tất cả đều do cái tâm si mê, điên đảo và chấp trước của chúng ta tạo ra. Bây giờ chúng ta đã hiểu được thân giả tạm này là nguồn gốc tạo ra cái vòng vô minh để mê hoặc thần thức, thì ta phải giúp thần thức phá vô minh để trở về chân tâm. Muốn phá được vô minh thì trước hết ta phải tìm hiểu về quyền lực của thần thức và năng lực nhiệm mầu của chân tâm. Chân tâm là thể tánh có năng lực thiên biến vạn hóa, còn thần thức là chủ thể có khả năng điều khiển bất khả tư nghì. Chân tâm và thần thức tuy hai mà một, tuy một mà hai. Tâm không thể rời thần thức, thần thức cũng không thể rời tâm. Tại sao? Vì thể tánh mà không có chủ thể thì sẽ không phát huy được Diệu tánh, còn chủ thể mà không có thể tánh thì sẽ không phát huy được quyền năng tối thượng, vì vậy gọi chung là tâm thức.
Tâm của ta không đến, không đi, không lấy, cũng không bỏ và luôn hiện diện ở khắp mọi nơi. Còn đến hay đi, lấy hay bỏ đều là do thần thức của ta thay đổi. Nếu thần thức đi làm súc sanh, thì tâm của ta sẽ biến cho thần thức có thân súc sanh. Nếu thần thức đi làm người, thì tâm sẽ biến cho thần thức có thân người. Nếu thần thức đi làm Phật, thì tâm sẽ biến cho thần thức có thân Phật… Tóm lại, mọi sự biến hóa của tâm đều là do thần thức của ta khống chế, tâm không có quyền tự chủ, chỉ đành theo thần thức mà biến hóa không ngừng. Nhưng cho dù thần thức của ta có điều khiển tâm ta biến hóa như thế nào, thì cũng không thay đổi được thể tánh của chân tâm. Vì vậy, trong Kinh Phật nói: “Tâm chiếu mà thường tịch, tịch mà thường chiếu”. Nghĩa là tâm thì thường sanh ra vạn pháp, nhưng tâm lúc nào cũng như như bất động, cũng như mặt gương luôn tỏa ra ánh sáng phản chiếu mọi hình tướng, không phân biệt. Vật gì đến thì nó hiện, vật gì đi thì nó mất, tùy duyên mà chiếu và tùy duyên mà lặn, nhưng thể gương thì lúc nào cũng như như bất động.
Thưa quý bạn! Qua sự phân tích ở trên, ta đã hiểu được phần nào tâm thật, tâm giả và vô minh của ta rồi. Bây giờ ta phải giúp thần thức phá vô minh để trở về chân tâm. Trong Kinh Phật nói: “Ta cũng là một chúng sanh trong quá khứ, giờ ta đã thành Phật, còn tất cả chúng sanh là Phật sẽ thành”. Tại sao Phật lại quả quyết với chúng ta như vậy? Là vì Phật thấy tất cả chúng sanh đều có chủng tử Phật tánh A Mi Đà giống như chư Phật không khác. Khi ta niệm A Mi Đà Phật, tức là niệm tự tánh A Mi Đà của mình và đồng thời ta cũng thâu nhiếp được thần lực của mười phương chư Phật gia trì. Vì vậy, Tịnh độ được gọi là pháp môn nhị lực (nhị là hai, lực là thần lực). Nghĩa là ta phải dùng thần lực của mình để thâu nhiếp thần lực của mười phương chư Phật. Phật nói nhị lực là để cho chúng ta dễ hiểu nhưng trên thực tế pháp môn Tịnh độ chỉ có một đại lực dung thông mà thôi. Tại sao? Vì tâm của Phật và tâm của chúng ta là đồng một thể không hai. Nếu không hai thì làm gì có nhị lực? Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta không có thần lực của chư Phật gia trì. Dĩ nhiên là có, vì mỗi niệm A Mi Đà của ta đang niệm hằng ngày, đều là trực chỉ dung thông với Diệu tâm của mười phương chư Phật. Lực lực dung thông, lực lực tương đồng và hỗ trợ lẫn nhau. Hỗ trợ lẫn nhau nghĩa là: Chúng ta phải dùng thần lực từ chân tâm của mình để nương nhờ vào thần lực của mười phương chư Phật. Tại sao? Là vì cái màn vô minh của ta tạo ra đã quá sâu dày, mà thần thức của ta thì mới được thức tỉnh đây thôi, nên ta chưa có đủ thần lực và trí tuệ để phá vô minh. Vì vậy mà chúng ta phải nương vào thần lực của Phật A Mi Đà và chư Phật mười phương gia trì.
Thưa quý bạn! Khi thành Phật chúng ta sẽ có đầy đủ kim thân, trí tuệ và thần thông giống y như Phật A Mi Đà không khác. Nhưng kim thân, trí tuệ và thần thông mà ta có được đó không phải là do Phật A Mi Đà ban cho, mà tất cả đều là do tâm thức của ta tự thành tựu. Nếu nói trên sự thì chư Phật giúp cho ta có thân kim Phật. Vì nếu không có chư Phật khai thị, dẫn lối và trợ lực thì ta vẫn còn trôi lăn đau khổ trong sáu ngã luân hồi không thể thành Phật. Còn nói trên lý, thì thân kim Phật là do tâm thức hợp nhất của ta tự thành tựu. Cũng như thân người của ta hiện tại đang có. Nếu nói trên sự, thì là nhờ tinh cha huyết mẹ cấu tạo mới thành. Nhưng nói trên lý, thì thân người là do tâm thức và nghiệp lực của ta chiêu cảm mà có. Nếu từ nơi tâm thức và nghiệp lực của ta chiêu cảm mà có, thì cha mẹ của ta làm sao có quyền năng để tạo ra tướng người cho ta? Cha mẹ của ta chỉ là người trợ duyên nuôi dưỡng và giúp cho ta có đủ hình hài mà thôi. Khi ta thành Phật cũng như vậy đó. Thân kim Phật là do tâm thức hợp nhất của ta biến hóa thành, còn chư Phật chỉ là đại cha mẹ giúp cho ta thành tựu được thân kim Phật mà thôi. Tại sao chư Phật là đại cha mẹ, còn cha mẹ sanh ra ta là tiểu cha mẹ? Là vì cha mẹ chỉ thành tựu cho ta có thân giả, còn chư Phật thì thành tựu cho ta có thân kim Phật. Thân giả thì chỉ được tồn tại trong một đời, còn thân kim Phật thì được trường thọ vĩnh cửu. Vì vậy, ân đức của chư Phật ta không thể nào báo đáp, mà chỉ còn khắc cốt ghi tâm đời đời, kiếp kiếp không quên. Khi đọc đến đây tôi biết quý bạn sẽ hỏi rằng: “Nếu thân Phật và thân người đều là do tâm thức của ta biến hóa thành. Vậy thì tại sao thân người thì bị đau yếu già chết, còn thân Phật thì được trường thọ vĩnh cửu, vậy sự khác biệt đó là ở chỗ nào?”.
Thưa quý bạn! Thân Phật và thân người của ta chỉ khác nhau ở một niệm mê, giác của ta mà thôi. Nghĩa là thân người mà ta đang có, là vì trước khi sanh ra thì thần thức của ta si mê chạy theo tâm giả (tức chạy theo tâm vọng), nên chân tâm của ta phải duyên theo thần thức mà tạo cho ta có thân người. Còn khi thân Phật của ta được thành tựu, là nhờ thần thức của ta biết quay về hợp thành một thể với Diệu tâm, nên thân Phật của ta mới có đầy đủ trí tuệ, thần thông nhiệm mầu và sống trường thọ vĩnh cửu. Còn thân người mà ta đang có là do duyên của tứ đại giả tạm tạo thành, nên ta không có thần thông, trí tuệ chi cả mà chỉ có si mê, điên đảo thôi. Bốn thứ tứ đại đó là đất, nước, gió và lửa: Trong đó thì thịt, xương, tim, gan, phổi… của ta là do đất cấu tạo thành; huyết là do nước cấu tạo thành; hơi thở là do gió cấu tạo thành; nhiệt độ ấm trong người là do lửa cấu tạo thành. Nếu bốn thứ này trong người của ta không được quân bình thì sẽ sanh ra bệnh. Nghĩa là nếu nước trong người của ta bị thiếu thì sanh ra nóng sốt. Nếu lửa trong người bị thiếu thì sanh ra lạnh cúm. Khi tứ đại còn thì ta sống, khi tứ đại bỏ đi thì ta chết. Vì vậy, người chết trước hết là bị tắt thở (tức gió đã bỏ đi), rồi đến huyết ngưng lại (tức nước đã bỏ đi), rồi đến nhiệt độ ấm mất đi (tức lửa đã bỏ đi) và cuối cùng chỉ còn lại thân xác cứng lạnh là đất. Đất là còn lại cuối cùng vì nó phải cần có thời gian tan rã để trở về với cát bụi. Còn nếu thân đất này được thiêu đốt thì nó sẽ nhanh chóng trở thành cát bụi. Thân cát bụi trở về với cát bụi, vạn vật hữu tình và vô tình ở trên thế gian này cũng vậy, cuối cùng cũng đều trở về với cát bụi.
Bây giờ chúng ta tìm hiểu về thần thông. Thật ra, tất cả chúng ta hằng ngày đều đang dùng một phần thần thông của mình mà không hay biết. Trong mỗi chúng ta, ai cũng có những chuyện quá khứ vui buồn lẫn lộn, ai cũng có những lần đi xa, đi từ tỉnh này đến tỉnh kia, hoặc rời nước này đến nước kia để sinh sống hay du lịch. Ví dụ như ta rời khỏi nước Việt Nam để ra nước ngoài sinh sống. Tuy sinh sống ở nước ngoài, nhưng những kỷ niệm vui buồn ở Việt Nam hay những nơi ta đã đi qua đều vẫn còn tồn tại ở trong tâm thức. Chỉ cần ta nghĩ đến thì trong tích tắc những chuyện quá khứ, nơi chốn, cảnh vật, cảm xúc vui buồn… đều hiện về trước mắt. Thậm chí, có những chuyện đã trải qua mấy mươi năm mà ta tưởng chừng như hiện tại. Tại sao chúng ta có được khả năng thần diệu đó? Là vì tâm của ta đang hiện diện ở khắp mọi nơi. Nếu tâm của ta không hiện diện ở khắp mọi nơi, thì những cảm xúc vui buồn và đau khổ đó sẽ không bao giờ có. Những cảm xúc mà ta có được mỗi khi nhớ đến chuyện quá khứ, hiện tại hay tương lai đều là nhờ tâm của ta đang hiện diện ở đó. Nhờ tâm hiện diện ở đó mà ta mới sống lại được với những cảm xúc rung động, vui buồn… Chẳng qua ta không có tu hành nên không thấy được chân tướng đó thôi.
Trong Kinh Phật nói: “Cõi Cực Lạc cách xa cõi Ta bà mà chúng ta đang ở là mười vạn ức Phật độ”. Nếu chúng ta dùng con số thiên văn để tính khoảng cách xa của nó, thì không có cách chi tính đếm được. Điều này cho thấy cõi Cực Lạc cách xa thế giới chúng ta biết dường nào. Vậy mà Phật lại nói rằng: “Chúng sanh chỉ cần khởi lên một niệm thì sẽ đến được cõi Cực Lạc ngay”. Nghe qua thật là khó tin, nhưng đây là vạn lần chân thật vì Phật không bao giờ nói lời giả dối.
Ví dụ: Hiện tại, chúng ta đang ở Mỹ mà thử khởi lên một niệm là đi về Việt Nam để thăm gia đình, thì ngay tức khắc ta đã có cảm giác như mình đang ở Việt Nam rồi, có phải vậy không? Thậm chí, thần thức của ta về tới Việt Nam còn nhanh hơn cái khẩy móng tay. Khi ta vãng sanh cũng như vậy đó. Chỉ trong một niệm, thì thần thức của ta đã đến cõi Cực Lạc rồi. Tại sao thần thức của ta có được mãnh lực thần thông đó? Là vì tâm của ta đã hiện diện ở cõi Cực Lạc lâu rồi. Chẳng qua thần thức của ta vẫn còn si mê tham đắm dục trần, nên không chịu buông xả để bay về Tây phương Cực Lạc đó thôi.
Xem thêm: Nguyên Quán Là Gì – Wikipedia:bàn Tham Khảo/quê Quán
Khi nào thần thức của ta được giác ngộ tu hành niệm Phật, thì lúc đó ta muốn bay về cõi Phật lúc nào cũng được. Tức là nói hiện tại tuy thân của ta vẫn còn ở đây, nhưng tâm thức của ta thì đã ở cõi Cực Lạc rồi. Đợi đến khi nghiệp báo của thân này trả xong, thì lúc đó ta sẽ tự tại bay thẳng về Tây phương Cực Lạc để gặp Phật A Mi Đà và thành tựu Phật thân. Còn bây giờ ta có muốn bỏ cái thân giả tạm này để bay về Cực Lạc cũng không được. Tại sao? Vì nghiệp tội của ta còn quá nhiều, nên phải ở đây tu hành để trả nghiệp. Khi nào trả nghiệp xong rồi, thì lúc đó ta mới được Phật đến nơi tiếp dẫn đưa về Cực Lạc. Ý nghĩa trả xong nghiệp ở đây là nói chúng ta phải trả xong nghiệp của báo thân này (tức thân hiện tại của ta), không phải là trả xong nghiệp tội mà ta đã tạo từ vô thỉ kiếp đến nay. Xin quý bạn chớ có hiểu lầm.
Chuyên mục: Hỏi Đáp