Mặc dù Hồ Chí Minh không có tác phẩm nào bàn riêng về con người, nhưng trong hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh, vấn đề con người có một vị trí đặc biệt, được coi trọng như mục tiêu thiêng liêng, cao cả của sự nghiệp cách mạng, nó thấm đượm và thường trực trong toàn bộ cuộc đời hoạt động của Người, nó được tỏa sáng trong từng việc làm, cử chỉ, hành vi ân cần, tôn trọng, quan tâm đến từng người và mọi người.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm hỏi nông dân HTX Hùng Sơn (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên), năm 1954. Ảnh: tư liệu
Mục tiêu độc lập, dân tộc và CNXH mà Hồ Chí Minh xác định cho cách mạng Việt Nam là nhằm giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội để đi đến giải phóng con người. Con người vừa là chủ thể của cách mạng, vừa là mục tiêu cao nhất của cách mạng, đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ cuộc đời cách mạng của Người.
Hồ Chí Minh đã tiếp thu truyền thống tốt đẹp của dân tộc, con người phải thương mình và thương cả người khác “Thương người như thể thương thân”, “Người trong một nước phải thương nhau cùng”, “Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”, cùng nhau đồng cam cộng khổ, một lòng, một dạ đoàn kết trong xã hội, chung sống với thiên nhiên… trong cuộc sống của mình.
Hồ Chí Minh đến với Chủ nghĩa Mác – Lênin, tiếp thu những ý kiến của C.Mác về con người và bản chất con người một cách thấu đáo. C.Mác đã chỉ rõ: “Con người không phải là một sinh vật trừu tượng, ẩn náu đâu đó ở ngoài thế giới, con người chính là thế giới con người, là Nhà nước, là xã hội”(1). Khi nói về bản chất con người, C.Mác đã đưa ra một định nghĩa nổi tiếng: “Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa những quan hệ xã hội”. Trong luận đề này, C.Mác phê phán L.Phoiơbắc đã coi con người như những cá nhân trừu tượng, cô lập và bản chất của con người chỉ là “cái trừu tượng cố hữu của những cá nhân riêng biệt” hoặc “bản chất con người chỉ có thể được hiểu là “loài”, là tính phổ biến nội tại, gắn bó một cách thuần túy tự nhiên đông đảo cá nhân hợp lại với nhau”(2). Đối với con người đứng đầu Nhà nước mà Hêghen gọi là “con người đặc thù”, thì bản chất của nó, như C.Mác đã phân tích, cũng “không phải là râu của nó, không phải là máu của nó, không phải là bản chất thể xác trừu tượng của nó, mà là phẩm chất xã hội của nó”(3). Như vậy, bản chất con người không phải là trừu tượng mà là cụ thể, không phải là tự nhiên mà là lịch sử, không phải là vốn có trong mỗi cá nhân riêng biệt, cô lập mà là tổng hòa của toàn bộ các mối quan hệ xã hội. Nếu tách con người khỏi các quan hệ xã hội thì không còn là con người, mà chỉ là một loài sinh vật mang tính bầy đàn sinh vật chứ không phải là xã hội con người.
Khi nói con người là tổng hòa các mối quan hệ thì trong các mối quan hệ xã hội ấy, quan hệ sản xuất đóng vai trò chi phối, quyết định các quan hệ xã hội khác, vì nó xác định con người thuộc các giai cấp khác nhau. Khi nói con người trong xã hội có giai cấp thì phải nói đến tính giai cấp của nó. Các quan hệ xã hội bao gồm nhiều loại. Nếu xét mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội, hay giữa cá nhân con người và cộng đồng xã hội thì có quan hệ gia đình, họ tộc, quan hệ làng xã, quan hệ giai cấp, quan hệ dân tộc – đất nước – Tổ quốc, quan hệ nhân loại. Nếu xét về tính chất các quan hệ xã hội thì có quan hệ sản xuất và các quan hệ khác, như quan hệ chính trị, đạo đức, quan hệ tôn giáo… Như vậy, các quan hệ xã hội rất đa dạng, luôn đan xen lẫn nhau. Hồ Chí Minh không coi nhẹ quan hệ sản xuất, nhưng lại không tuyệt đối hóa quan hệ sản xuất, coi quan hệ sản xuất là quan hệ duy nhất tạo thành bản chất con người. Không ít người đã nhận thức không đúng về vấn đề này, đã dẫn đến những lệch lạc coi bản chất con người chỉ là bản chất giai cấp, đồng nhất bản chất con người với bản chất giai cấp, không còn là tổng hòa các quan hệ xã hội như C.Mác đã chỉ ra. Những lệch lạc này đã dẫn đến hậu quả, hoặc là mơ hồ về mặt giai cấp, hoặc cứng nhắc về lập trường giai cấp vô sản.
Trong vấn đề con người, điều mà Hồ Chí Minh quan tâm nhất đó là con người Việt Nam, những quan hệ xã hội trong xã hội Việt Nam, Người đã nêu rõ ý kiến riêng, quan điểm của mình khi tiếp thu những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, những ý kiến, quan điểm của Chủ nghĩa Mác – Lênin về con người. Quan điểm của Người về con người và bản chất của con người đều xuất phát từ thực tiễn, Người đưa ra những quan điểm chủ yếu về con người rất độc đáo mà rất thiết thực. Người định nghĩa về con người: “Chữ người, nghĩa hẹp là gia đình, anh em họ hàng, người thân, bạn bè, nghĩa rộng là đồng bào cả nước, rộng nữa là cả loài người”(4). Như vậy, con người không phải là những cá thể biệt lập kiểu như Rôbinsơn ngoài đảo hoang. Chỉ có trong quan hệ xã hội, trong hoạt động thực tiễn xã hội con người mới có lao động, ngôn ngữ, tư duy, chế tạo công cụ lao động, mới thực sự trở thành con người đúng nghĩa con người để phân biệt với mọi loài động vật khác. Những quan hệ xã hội mà Hồ Chí Minh quan tâm là những quan hệ gắn bó với mọi người, với cộng đồng, tạo thành những cộng đồng xã hội từ nhỏ đến lớn, từ hẹp đến rộng, những cộng đồng gia đình, họ tộc, làng xã, dân tộc đã tạo thành cộng đồng bền vững được bồi đắp trong trường kỳ lịch sử dựng nước và giữ nước. Từ đó đã hình thành chủ nghĩa yêu nước truyền thống, chủ nghĩa dân tộc chân chính mà Hồ Chí Minh coi là “động lực vĩ đại”, “động lực duy nhất, thúc đẩy sự phát triển của đất nước”.
Thứ nữa, theo Hồ Chí Minh, con người muốn tồn tại thì phải có ăn, mặc, ở, đi lại… Nhưng đời sống con người không chỉ dừng lại ở vật chất, mà còn những nhu cầu tinh thần, văn hóa là những đặc trưng của con người. Tất cả nhu cầu về vật chất và tinh thần đó được đáp ứng hay không, lại hoàn toàn phụ thuộc vào chế độ xã hội, vào hình thái kinh tế – xã hội mà con người đang sống. Người nói: “Người ta ai cũng cần có ăn, có mặc…” vì đây là những điều thiết yếu để tồn tại. Người vẫn nhớ và thường nhắc lại “Dân vi thực vi thiên” (dân lấy ăn làm trời, nếu không có ăn là không có trời). Lại có câu “có thực mới vực được đạo” (không có ăn thì chẳng làm được việc gì cả). Từ đó ta thấy việc quan tâm đến cái ăn, cái mặc, cái ở của nhân dân luôn luôn đặt lên hàng đầu trong quan tâm của Hồ Chí Minh.
Đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, lực lượng duy nhất lãnh đạo cách mạng Việt Nam, lãnh đạo nhân dân, lãnh đạo đất nước…, Hồ Chí Minh nhấn mạnh trách nhiệm đối với đời sống của nhân dân. Đó là những việc cần phải làm ngay “1- Làm cho dân có ăn, 2- Làm cho dân có mặc, 3- Làm cho dân có chỗ ở, 4- Làm cho dân có học hành, cái mục đích chúng ta đi đến 4 điều đó. Đi đến để dân nước ta xứng đáng với tự do, độc lập và giúp sức được cho tự do, độc lập”(5). Người căn dặn: “Chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm lo đến đời sống của nhân dân”. Nếu dân đói, dân rét, dân dốt là Đảng có lỗi. Trách nhiệm đối với đời sống của nhân dân hoàn toàn phụ thuộc vào chế độ xã hội, vào giai tầng lãnh đạo xã hội.
Bạn đang xem: Con người là gì
Xem thêm: Tải Game Hoa Quả – Download Game Hoa Quả Nổi Giận
Xem thêm: Huyết Tương Là Gì – Vai Trò Của đối Với Cơ Thể
Các mối quan hệ xã hội không phải nhất thành bất biến, cho nên bản chất của con người cũng biến đổi cùng với biến đổi của các quan hệ xã hội. Quan điểm duy tâm siêu hình cho rằng: “Bản chất hay bản tính của con người là bất biến”. C.Mác đã bác bỏ: “Toàn bộ lịch sử chỉ là sự biến đổi liên tục của bản tính con người” cho nên cần phải nghiên cứu “bản chất đó thay đổi như thế nào trong mỗi thời đại lịch sử nhất định”.
Trong vấn đề con người, Hồ Chí Minh tiếp thu truyền thống dân tộc, tiếp thu Chủ nghĩa Mác-Lênin nhưng trên cơ sở thực tiễn và áp dụng một cách sáng tạo chứ không dập khuôn y trang, máy móc. Từ quan điểm cụ thể của Chủ nghĩa Mác-Lênin, Hồ Chí Minh đã thấy được sự phân chia giai cấp trong xã hội Việt Nam không giống xã hội phương Tây. Trong “Báo cáo về Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ” gửi quốc tế cộng sản năm 1924, Người đã nêu lên những nhận xét của mình: “Ở Việt Nam ngay đến những kẻ được gọi là đại địa chủ thì là những tên lùn tịt bên cạnh những người ở châu Âu và châu Mỹ”, “đời sống của địa chủ cũng chẳng có gì là xa hoa”, còn tư sản Việt Nam thì “chỉ là những kẻ trục lợi khá giả”, chứ không phải là “những tên trọc phú”, “tỷ phú”, có bóc lột lao động làm thuê nhưng cũng “vừa phải trong sự tham lam của mình”, có “hoàng đế trị vì nhưng chẳng lo cai trị gì” và không thể so sánh với chúa phong kiến ở châu Âu được. Chính vì vậy, Người chỉ ra một điều “không thể chối cãi được” là “xung đột về quyền lợi của họ được giảm thiểu” và “cuộc đấu tranh giai cấp không diễn ra như ở phương Tây” có nghĩa là “không quyết liệt như ở phương Tây”.
Theo quan điểm của Hồ Chí Minh, trong các giai cấp bóc lột ở Việt Nam chỉ có một số ít cam tâm làm tay sai cho thực dân đế quốc, chỉ có một số ít là phản lại dân tộc và đất nước, còn đại bộ phận vẫn thấy cái nhục mất nước của con người Việt Nam. Truyền thống lịch sử và văn hóa dân tộc đã được hun đúc nên tinh thần văn hóa tiềm ẩn bên trong mọi người dân Việt Nam, bất kể giai cấp nào. Cho nên nếu khi làm thức tỉnh tinh thần dân tộc ở họ, thì họ vẫn đứng về phía dân tộc đối mặt với bọn đế quốc thực dân. Từ đó, Người đã sớm đưa ra chủ trương phân hóa giai cấp địa chủ thành thị, trung, tiểu địa chủ; phân hóa giai cấp tư sản thành tư sản dân tộc, tư sản mại bản, không phân biệt giai cấp, dân tộc, tôn giáo, không phân biệt giàu nghèo, sang, hèn. Việc đại đoàn kết toàn dân tộc thu hút được mọi giai tầng xã hội, kể cả những quan lại chế độ cũ, những nhân sĩ trí thức, những nhà tu hành, hào lý, thổ ty, phìa tạo… Trong tiến trình lịch sử Việt Nam, đây là một trong những thắng lợi của Tư tưởng Hồ Chí Minh, đã bác bỏ những quy kết có tính chất giáo điều về giai cấp và đấu tranh giai cấp của quốc tế cộng sản và những người tham gia lãnh đạo Đảng những năm 1930, cho rằng Nguyễn Ái Quốc đã xa rời lập trường giai cấp vô sản và rơi vào lập trường dân tộc, lập trường chủ nghĩa dân tộc tư sản. Thắng lợi ấy đã chứng minh Hồ Chí Minh đã giải quyết đúng đắn mối quan hệ dân tộc – giai cấp một cách sáng tạo, không chỉ đường lối cách mạng, mà còn về mặt con người và con người Việt Nam với những điều kiện lịch sử cụ thể của nó. Khẳng định chủ nghĩa dân tộc là động lực của sự phát triển đất nước, giải phóng con người.
Quán triệt quan điểm của Chủ nghĩa Mác – Lênin về vai trò của con người, Hồ Chí Minh đã sớm khẳng định sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người là sự nghiệp của giai cấp vô sản, của nhân dân lao động và của cả dân tộc, với tinh thần “phải đem sức ta mà giải phóng cho ta”. Hồ Chí Minh nhìn thấy sức mạnh của giai cấp vô sản, của nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam không chỉ những gì đã được bộc lộ, mà còn ở những gì tiềm ẩn bên trong những lực lượng to lớn ấy. Người tin tưởng sâu sắc rằng khi giai cấp vô sản, nhân dân lao động các dân tộc thuộc địa trên thế giới thức tỉnh, tổ chức và đấu tranh theo đường lối đúng đắn thì sức mạnh sẽ trở thành vô địch và nhất định sẽ giành được thắng lợi trong cuộc cách mạng độc lập dân tộc và xây dựng CNXH. Hồ Chí Minh đã đi đến tổng kết, một dân tộc dù nhỏ bé sẽ không bị một dân tộc lớn gấp hàng chục lần thôn tính và đồng hóa nếu dân tộc ấy phát huy được sức mạnh con người những phẩm chất tinh thần, tư tưởng và văn hóa. Đối với dân tộc Việt Nam, con người làm ra lịch sử, nhân dân là chủ thể của lịch sử, là chân lý cụ thể, sinh động đã được Hồ Chí Minh củng cố và nâng cao thành triết lý nhân sinh. Triết lý nhân sinh này đã được phát huy và đã được chứng minh hùng hồn trong lịch sử hiện đại của dân tộc. Phải đương đầu với hai đế quốc to, trong khi lực lượng ta yếu về nhiều mặt, nhưng Hồ Chí Minh vững tin ở nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, sẽ biến ít thành nhiều, nhỏ thành lớn, yếu thành mạnh, tạo được cả thế và lực để giành thắng lợi.
Lòng tin của Hồ Chí Minh vào nhân dân là do thấm nhuần sâu sắc truyền thống lịch sử dân tộc về phẩm chất của con người Việt Nam: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và cướp nước”(6). Trong các yếu tố đảm bảo cho cách mạng Việt Nam giành thắng lợi, theo Hồ Chí Minh yếu tố hàng đầu là lực lượng cách mạng, là quần chúng nhân dân, công nhân, nông dân, trí thức… được tổ chức thành một khối thống nhất, thành lực lượng cách mạng hùng hậu xây dựng một xã hội tốt đẹp. Tháng 8-1961, nói chuyện với Hội nghị bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo các cấp toàn miền Bắc nhằm quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III, Người đã đưa ra một luận điểm quan trọng và khẳng định: “Muốn xây dựng CNXH, trước hết cần có những con người XHCN”. Đối với chúng ta luận điểm này đã trở thành luận điểm kinh điển khi xây dựng CNXH, phải có con người XHCN. Con người mới XHCN là con người phát triển toàn diện. Xây dựng CNXH là một cuộc cách mạng lâu dài, phức tạp, sâu sắc và triệt để nhất trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa… nên nó đòi hỏi con người mới XHCN phải là những con người đủ phẩm chất, năng lực về trí tuệ, đạo đức, sức khỏe, giác ngộ lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, quyết tâm cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới – XHCN.
Trên cơ sở nhận thức văn hóa, trí tuệ là một động lực vô cùng to lớn đối với một con người cũng như đối với mọi dân tộc. Nếu không có văn hóa, trí tuệ thì con người không thể phát huy được những phẩm chất, năng lực của mình một cách có hiệu quả, dựa trên việc nhận thức và hành động theo quy luật khách quan. Chính vì thế, trong suốt cuộc đời lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh luôn coi giáo dục và đào tạo là một chiến lược cơ bản. Ngày nay, tiếp thu lời dạy của Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta khẳng định: Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu.
Trong công cuộc đổi mới toàn bộ đất nước, tầm quan trọng của nhân tố con người theo định hướng XHCN càng được thể hiện ở mọi lĩnh vực trên con đường CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế. Tại Đại hội VI của Đảng và các Đại hội VII, VIII, IX, X, XI đều có nghị quyết về vấn đề nói ở trên. Đến đại hội XII Đảng tiếp tục nhấn mạnh: “Thu hút, phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực và phát triển sức sáng tạo của nhân dân. Chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giải quyết tốt những vấn đề bức thiết, tăng cường quản lý, phát triển xã hội, đảm bảo an ninh xã hội, an ninh con người, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội và giảm nghèo bền vững. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc”, “Phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, tập trung xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ và năng lực làm việc, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh” (Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII).
(1) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội 1995, T3; (tr 569).
Chuyên mục: Hỏi Đáp