Do tiếng Việt là một ngôn ngữ đơn tiết và có nhiều thanh điệu nên yêu cầu kĩ thuật thanh nhạc của mỗi ca sĩ khi thể hiện phần lời ca khúc phải đảm bảo sự “tròn vành rõ chữ”…

Bạn đang xem: âm tiết là gì

Do tiếng Việt là một ngôn ngữ đơn tiết và có nhiều thanh điệu nên quá trình lựa chọn ca từ cho ca khúc phức tạp hơn nhiều so với các ngôn ngữ Âu châu như tiếng Anh, tiếng Pháp. Điều này cũng yêu cầu kĩ thuật thanh nhạc của mỗi ca sĩ khi thể hiện phần lời ca khúc phải đảm bảo sự “tròn vành rõ chữ”. Khái niệm “âm tiết” của tiếng Việt được hiểu là từng tiếng có sự độc lập, có nghĩa, tách rời khi ta tri nhận về mặt phát âm cũng như tri nhận trên giấy. Âm tiết tiếng Việt vì thế có ranh giới trùng với từ – tiếng – hình vị và nói theo cách thông thường của dân gian thì mỗi từ cũng là chữ.

Cấu trúc của một âm tiết tiếng Việt bao giờ cũng do sự kết hợp của 5 thành tố. Đó là âm đầu, âm đệm, âm chính (nguyên âm), âm cuối và thanh điệu, được biểu diễn theo mô hình sau:

Thanh điệu

Âm đầu

Vần

Âm đệm

Âm chính

Âm cuối

 

Theo mô hình trên, thanh điệu được coi là yếu tố siêu đoạn tính, không thể chia cắt, nó quan hệ với mọi yếu tố trong âm tiết và bao trùm lên toàn bộ âm tiết.

Thanh điệu được xem là bậc thứ nhất của cấu trúc âm tiết, luôn do một trong 6 thanh đảm nhiệm. Đó là các thanh: không dấu (1), huyền (2), ngã (3), hỏi (4), sắc (5), nặng (6). Theo giáo trình Ngữ âm tiếng Việt của Đoàn Thiện Thuật, cao độ của 6 thanh điệu đã được tính toán trong sự tương ứng với cao độ của các nốt trên khuông nhạc:

1. Thanh không dấu tương ứng với nốt “Pha” của giọng nam trung.

2. Thanh huyền tương ứng với cao độ thấp hơn “Pha” một quãng bốn, tức là vào khoảng nốt “Đồ”.

3. Thanh ngã có cao độ gần bằng điểm xuất phát từ khoảng của thanh huyền tức là lớn hơn nốt “Sì” và nhỏ hơn hoặc bằng nốt “Đồ”.

4. Thanh hỏi cũng có cao độ xuất phát từ khoảng nốt “Đồ” và kết ở âm vực thấp hơn điểm xuất phát.

5. Thanh sắc mở đầu với điểm xuất phát gần bằng nốt “Pha”, có thể kết vào những âm vực như nốt “Đố”, nốt “Rế”, tức là có kết thúc linh hoạt ở âm vực cao.

6. Thanh nặng mở đầu với điểm xuất phát của nốt “Đồ” và kết ở âm vực thấp.

Tóm lại, chính sự phức tạp về thanh điệu là yếu tố có ảnh hưởng sâu sắc nhất tới việc lựa chọn ca từ. Lời ca phải được đặt sao cho có độ tương ứng âm vực giữa thanh điệu và các nốt nhạc một cách khéo léo, tinh tế.

Xem thêm: Illustrator Là Gì – 10 Lý Do Bạn Nên Học Adobe Illustrator

Xem thêm: Cơ Quan Chủ Quản Tiếng Anh Là Gì, Cơ Quan Chủ Quản

Bậc thứ hai của cấu trúc âm tiết gồm 4 thành tố còn lại là âm đầu, âm đệm, âm chính và âm cuối. Trong đó, âm đầu do 21 phụ âm đảm nhiệm và 01 phụ âm tắc thanh hầu.

Thành phần âm đệm do âm vị /w/ đảm nhiệm. Trong tiếng Việt, âm đệm /w/ thể hiện bằng hai con chữ “o” hoặc “u”. Ví dụ: toán, huyện. Trong trường hợp không có sự xuất hiện của “o” hoặc “u” đảm nhiệm vị trí âm đệm, ta gọi đó là những trường hợp âm đệm là /zero/. Ví dụ: hát, ca.

Âm chính, cũng như thanh điệu, là thành phần không bao giờ vắng mặt trong cấu trúc âm tiết. Giữ vai trò làm âm chính gồm có 9 nguyên âm đơn dài /i, ê, e, ư, ơ, a, u, ô, o /, 4 nguyên âm ngắn / e (ngắn), a (ngắn), o (ngắn), ơ (ngắn) và 3 nguyên âm đôi /iê, ươ, uô/. Tất cả gồm 16 âm vị nguyên âm.

Đóng vai trò âm cuối là 6 âm vị phụ âm /m/, /n/, /ng/, /p/, /t/, /k/, 2 bán nguyên âm /j/, /w/ và âm vị /zero/. Tất cả gồm 9 âm vị có khả năng làm âm cuối.

Trong các thành phần cấu trúc âm tiết, ngoài yếu tố thanh điệu có ảnh hưởng sâu sắc tới việc lựa chọn ca từ cho ca khúc thì còn cần phải kể đến sự ảnh hưởng lớn nữa của một yếu tố là âm chính (nguyên âm).

Điều ấy bắt nguồn từ đặc điểm về độ mở khác nhau của các nguyên âm. Những nguyên âm có độ mở vừa như /e, o/ và có độ mở lớn như /a/ thường gợi những tình cảm có tính chất ca ngợi, trải dài, bay bổng, trong sáng, tha thiết. Còn những nguyên âm có độ khép vừa như /ê, ô/ và khép như /i, u, ư/ thường tạo ra những tình cảm buồn bã, những sắc thái u tối, trầm đục. Người nghệ sĩ Việt Nam khi soạn ca từ cho ca khúc thường lợi dụng triệt để đặc điểm này để gây nên những hiệu ứng nghệ thuật sâu sắc. Có thể thấy điều đó qua ví dụ điển hình là tuyệt phẩm Tình ca của nhạc sĩ Hoàng Việt. Khảo sát số lượng nguyên âm trong mỗi âm tiết của ca khúc, nhất là những âm tiết có nhiệm vụ tạo vần, ta thấy những nguyên âm mở chiếm một tỉ lệ lớn, đặc biệt là sự xuất hiện với mật độ dày đặc của nguyên âm /a/. Điều này đã góp phần tạo ra tình cảm ngân vang, bay bổng, trong sáng, tha thiết cho bài hát, thể hiện một tình yêu lứa đôi vượt lên sự hủy diệt của bom đạn chiến tranh, vượt qua mọi cách trở của không gian và thời gian:

“Khi hát lên tiếng ca gửi về người yêu phương xa

Ta át tiếng gió mưa thét gào cuộn dâng phong ba

Em ơi nghe chăng lời trái tim vọng ra

Rung trong không gian mặt biển sôi ầm vang

Qua núi biếc trập trùng xa xa

Qua áng mây che mờ quê ta

Tiếng ca ngàn đời chung thủy thiết tha

 

***Trích dẫn từ Luận văn Thạc Sĩ Khoa học Ngữ văn năm 2012:

“ĐẶC ĐIỂM TIẾNG VIỆT THỂ HIỆN TRONG PHẦN LỜI CA CỦA CA KHÚC TRỮ TÌNH CÁCH MẠNG VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 1954 – 1975”

Người hướng dẫn khoa học: PGS. TS. Phạm Tất Thắng – TS. Đỗ Anh Vũ

Học viên Cao học                : Đỗ Thái Hà

Chuyên ngành: Ngôn ngữ học – Trường: Đại học Sư phạm Hà Nội

Chuyên mục: Hỏi Đáp