Mạ vàng là gì? – Những bí mật xi vàng được hé lộ Update 11/2024

Mạ vàng hay còn gọi là xi vàng trên trang sức có lẽ không còn quá xa lạ với tất cả chúng ta. Mạ vàng cho phép bạn có một món đồ với vẻ ngoài đẹp mắt của vàng. Quan trọng là không cần toàn bộ món đồ làm bằng vàng. Ví dụ như các loại bạc xi trong đó cũng có bạc xi vàng (chính là mạ vàng trên trang sức bạc). Nhưng liệu bạn đã thực sự hiểu rõ về phương pháp này trên trang sức bạc. Hãy để Felo chúng tôi mang đến cho các bạn nhiều thông tin bổ ích về mạ vàng trong bài viết này.

Mạ vàng – các công nghệ phủ trên bề mặt trang sức

Mạ vàng là phương pháp phủ một lớp vàng mỏng lên trên bề mặt trang sức. Ảnh: AliExpress

Mạ vàng là gì?

Mạ vàng là phương pháp phủ một lớp vàng mỏng lên trên bề mặt trang sức bằng kim loại khác (có thể là bạc, đồng, niken,…) tùy theo yêu cầu hay nhu cầu của người sử dụng.

Để mạ vàng, người ta sẽ nhúng trang sức vào dung dịch muối có chứa vàng hoặc hợp chất của vàng. Trang sức sẽ được dẫn điện và một phản ứng điện hóa sẽ xảy ra. Từ đó, vàng sẽ bám một lớp mỏng lên bề mặt trang sức.

Có 4 cái tên phổ biến khi nhắc đến mạ vàng, người ta dựa vào chất liệu của trang sức mang đi mạ và mức độ hay thành phần vàng của món trang sức để phân loại:

4 cái tên phổ biến khi nhắc đến mạ vàng. Ảnh: www.sincerelysilver.co

Gold Plated (Mạ vàng hay xi vàng)

Tên gọi này để chỉ các loại trang sức (thường là đồng thau hoặc đồng hay niken) được mạ một lớp vàng rất mỏng ngoài bề mặt (đôi khi chỉ khoảng 0,05% vàng thật  hoặc ít hơn).

Vì lớp mạ vàng rất mỏng, vàng có thể dễ bị bong ra. Đồng thời, trang sức mạ vàng này cũng dễ bị xỉn màu hơn khi tiếp xúc với một vài loại chất lỏng hoặc hóa chất. Mặc dù bản thân vàng không bị ăn mòn nhưng kim loại bên trong là đồng hay niken,.. sẽ phản ứng với chất lỏng, hóa chất (trong không khí, mồ hôi, kem dưỡng da, nước hoa,v.v…).

Trang sức mạ vàng rẻ hơn nhiều so với các loại trang sức vàng khác vì nó sử dụng một lượng vàng rất nhỏ. Và nó cũng là một lựa chọn tốt cho bạn cần đeo khi có một dịp ra ngoài nào đó hoặc thử các xu hướng mới.

Gold Vermeil

Đây là một tên riêng dành cho các trang sức – thường là bạc 925 – được mạ một lớp vàng có độ dày tiêu chuẩn 2.5 micro theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ.

Gold Vermeil không bị xỉn màu và không gây dị ứng (do trang sức mang đi mạ là bạc 925, còn nếu là niken hay đồng thì có thể bị dị ứng), vì vậy những người bị dị ứng kim loại có thể sử dụng nó một cách an toàn. Vì lớp mạ vàng trong vermeil lớn hơn nhiều so với đồ trang sức mạ vàng Plated nói trên nên vàng tồn tại lâu hơn nhiều và sẽ không bị bong ra (mặc dù theo thời gian, lớp vàng vẫn có thể bị mòn).

Tuy nhiên giá thành chắc chắn sẽ cao hơn trang sức mạ vàng plated thông thường.

Gold Filled (Vàng phủ kín)

Đây là loại trang sức chúng tôi tạm gọi là được phủ kín bởi một lượng vàng tương đối dày lên trên trang sức bằng đồng hay niken,… Lớp vàng có thể chiếm tới 1/20 tổng trọng lượng trang sức và thường là vàng 14k (Về các loại vàng 14k, 18k, 24k, v.v… mình sẽ nói ở phần sau).

Loại trang sức này có lượng vàng gần gấp 100 lần so với trang sức mạ vàng plated ở bên trên nên nó không thể bị bong ra mà dường như liên kết với kim loại bên trong luôn rồi.

Với phẩm chất tương tự như đồ trang sức bằng vàng nguyên chất mà chi phí rẻ hơn nhiều, loại trang sức này không chỉ tốt cho những người bị dị ứng với kim loại mà còn mang lại giá trị thẩm mỹ rất cao.

Solid Gold (Vàng rắn – Vàng Tây)

Cuối cùng như đúng cái tên chúng tôi tạm dịch là vàng rắn (ở đây là trạng thái rắn – nguyên khối, chứ không phải con rắn đâu nha mọi người). Đây là loại trang sức được làm gần như từ vàng nhưng có trộn thêm các loại kim loại khác (ở nước mình hay gọi là vàng Tây đó).

Vì lí do, vàng nguyên chất (24k) quá mềm, dẻo, dễ bị biến dạng nên vàng phải được hợp kim với các kim loại khác để tạo cho nó sức mạnh và độ bền. Vàng rắn 14k có nghĩa là 14 phần vàng (58,3%) và 10 phần hợp kim (41,7%), trong khi vàng rắn 18k có nghĩa là 18 phần vàng (75%) và 6 phần hợp kim (25%). Kara càng thấp thì càng ít tốn kém vì nó sử dụng ít vàng hơn.

Vàng rắn không bị xỉn màu hoặc phai màu và không gây dị ứng. Tuy nhiên, vì toàn bộ đồ trang sức được làm bằng vàng, nên nó rất đắt tiền và không phù hợp với nhiều người.

Tác dụng của mạ vàng trên trang sức

Trang sức mạ vàng có tác dụng trong trưng bày. Ảnh: etsy.com

Tác dụng to lớn nhất của việc mạ vàng trên trang sức đó là: Cho phép bạn có một món đồ với vẻ ngoài đẹp mắt của vàng mà không cần toàn bộ vật phẩm làm bằng vàng nguyên khối. Vì vàng là rất quý, đắt đỏ nên có một món đồ trang sức làm bằng vàng nguyên khối không phải là một lựa chọn dễ dàng cho nhiều người.

Cụ thể, ta sẽ liệt kê một số tác dụng của trang sức mạ vàng như sau:

  • Trông giống y như vàng thật: Cái này có lẽ là lý do về độ thẩm mỹ nói chung của vàng đó là nhìn rất sang trọng mà nhiều người hướng tới nhất khi quyết định mua các trang sức mạ vàng.
  • Giá cả phải chăng: Thay vì phải bỏ ra một số tiền không hề nhỏ để đi sắm vàng ta (hay vàng nguyên chất), ta có thể tiết kiệm chi phi với giá rất “mềm”.
  • Trưng bày: Với những nơi cần rất nhiều mẫu sản phẩm để trưng bày, việc sử dụng vàng nguyên chất có vẻ khá là mạo hiểm, thiếu an toàn. Vì vậy sẽ tốt hơn nếu như ta dùng hàng mạ vàng, rồi khi cần đến vàng nguyên chất vì với mang ra thôi.
  • Dùng trong các studio, chụp ảnh mẫu: Cũng phần nào đó tiết kiệm chi phí mà vẫn đảm bảo được yêu cầu với vàng thật, vàng ta.

Quá trình mạ vàng – Xi Vàng

Mạ vàng không phải là quá trình phức tạp. Tuy nhiên cần phải có một bộ “đồ nghề” chuyên nghiệp và làm đúng từng bước:



Mạ vàng có mất màu không?

Lớp mạ vàng bên ngoài có thể bị bong (minh họa). Ảnh: Amy Howard at Home – DIY Expert

Sẽ bị xỉn màu theo thời gian

Nếu phải trả lời một cách thẳng thắn câu hỏi: “Mạ vàng có bị mất màu không?”. Câu trả lời là: “Có, sẽ xỉn nhưng…”

Có lẽ, chỉ có vàng nguyên chất (vàng ta) mới không sợ bị mất màu hay xỉn màu mà thôi, còn lại nếu như có chứa các tạp chất khác thì chắc chắn “không sớm thì muộn” món trang sức mạ vàng của chúng ta cũng sẽ bị xỉn màu theo thời gian mà thôi.

“Nhưng” ở đây chính là do các kim loại khác bị xỉn chứ không phải là vàng. Trong một món đồ trang sức mạ vàng, kim loại bên dưới vàng cuối cùng sẽ nổi lên bề mặt và bị biến màu. Cũng có thể giải thích là bởi vì các phân tử của các kim loại cơ bản cuối cùng chuyển vào lớp mỏng vàng, khiến cho lớp vàng dễ bị phá vỡ.

Lớp mạ bên ngoài có thể bong

Đối với các trang sức mạ vàng plated hay vermeil thì lớp mạ tương đối mỏng cho nên không tránh khỏi việc lớp vàng bị bong, hay trầy xước do ma sát hoặc do phải tiếp xúc với các điều kiện, môi trường không an toàn.

Ví dụ như khi đi bơi, tắm nước nóng, tiếp xúc với các loại hóa chất, môi trường ẩm ướt, lao động nặng, mồ hôi, hoạt động thể thao,v.v… đều có thể khiến trang sức mạ vàng của chúng ta ảnh hưởng hoặc bị hao mòn.

Bảo quản trang sức mạ vàng

Lau khô nhẹ nhàng trang sức mạ vàng sau khi vệ sinh. Ảnh: Belmto

Nếu bạn đang tự hỏi làm thế nào để chăm sóc đồ trang sức mạ vàng giúp nó không bị xỉn màu, sứt mẻ, hao mòn? Bạn có thể tham khảo một số những cách như sau:

  • Trộn một vài giọt nước rửa chén vào một cốc nước ấm. Bỏ đồ trang sức mạ vàng của bạn trong dung dịch ít phút rồi rửa sạch lại và lau khô nhẹ nhàng bằng khăn vải mềm cotton (cẩn thận để không làm trầy, bong lớp mạ). Lưu ý là dùng loại không chứa chất tẩy rửa vì chất tẩy rửa có thể không an toàn với trang sức mạ.
  • Khi bạn không đeo đồ trang sức mạ vàng, hãy cất chúng vào một chiếc túi nhựa hoặc một chiếc hộp nhỏ kín khí và đóng lại. Điều này sẽ giữ cho các vật dụng mạ vàng khô và an toàn không bị trầy xước. Ngoài ra, việc thiếu oxy sẽ giữ cho các hợp kim không bị xỉn màu.
  • Không để đồ trang sức mạ vàng của bạn trong phòng tắm, hoặc nơi nào đó ẩm ướt. Bạn nên cố gắng giữ cho đồ của bạn càng khô càng tốt. Ngoài ra, không cất nhiều hơn 1 vật phẩm mạ vàng trong túi nhựa hay nếu trong hộp thì nên để riêng để tránh chúng cọ sát vào nhau và trầy xước hoặc bong tróc.
  • Tháo trang sức mạ vàng khi bạn đi bơi (trong hồ bơi thường có muối hoặc clo), khi bạn tắm, hoặc khi bạn đang làm các hoạt động khiến bạn đổ mồ hôi nhiều như tập thể dục thể thao, làm việc nặng.
  • Không nên trang điểm hay sử dụng các loại mỹ phẩm như: phấn, kem trộn, keo xịt, nước hoa,… khi đeo trang sức mạ vàng. Tốt nhất nên trang điểm xong rồi hãy đeo và sau đó nên rửa sạch lại trang sức để duy trì độ bền lâu nhất có thể.

Thế nào là mạ vàng 14k, 18k, 24k?

Vàng 18k tức là có 18/24=>75% là vàng nguyên chất. Ảnh: intotheea

Đầu tiên ta phải hiểu kí hiệu “k” sau các con số là gì? Thì “k” là viết tắt của Kara.

“Kara, viết tắt là K, trong ngành kim hoàn là đơn vị đo lường độ tinh khiết của các kim loại quý hay các hợp kim của chúng, chẳng hạn như vàng. Trong ý nghĩa này, một kara bằng 1/24 độ tinh khiết tính theo trọng lượng. Vì thế vàng 24K là vàng tinh khiết, vàng 12K có độ tinh khiết 50% v.v…” (Theo wikipedia)

Trong phạm vi bài viết này, chỉ xét đến mạ vàng cho nên có thể hiểu đơn giản chỉ số bên trái chữ K càng cao thì vàng đó càng nhiều vàng tinh khiết và tối đa là 24. Ví dụ vàng 18k tức là có 18/24=>75% là vàng nguyên chất.

Các kara phổ biến được sử dụng để đúc vàng thỏi, đồ trang sức là:

  • 24 K (độ tinh khiết thang phần nghìn là 999)
  • 22 K (độ tinh khiết thang phần nghìn là 916)
  • 20 K (độ tinh khiết thang phần nghìn là 833)
  • 18 K (độ tinh khiết thang phần nghìn là 750)
  • 16 K (độ tinh khiết thang phần nghìn là 625)
  • 14 K (độ tinh khiết thang phần nghìn là 585)
  • Và một vài con số khác…

Tại Felo hiện đang có một loại trang sức trong danh sách kể trên đó là bạc mạ vàng 18k. Sản phẩm bạc xi mạ vàng 18k đang là một mẫu siêu hot. Khác biệt lớn nhất tạo nên sự hấp dẫn “siêu hot” đó là chúng tôi tự thiết kế các mẫu vô cùng độc đáo. Không chỉ giúp bạn thể hiện cá tính mà còn giúp bạn tự tin, tự hào hơn về bản thân mình. Bạn có dám trải nghiệm?

Trang sức Felo