Bảo quản bạc – 7 cách giúp trang sức bạc luôn đẹp như mới Update 11/2024

Trang sức bạc từ lâu là món đồ rất thu hút mọi người, nhất là các chị em phụ nữ. Đeo trang sức bạc là nhu cầu không thể thiếu để làm đẹp, thể hiện cá tính, phong cách cá nhân. Việc giữ cho trang sức của mình luôn sáng, đẹp là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách bảo quản loại trang sức này. Do đặc tính không được ổn định như vàng hay bạch kim, cho nên các trang sức bạc đều rất dễ bị oxy hóa hay xỉn màu khi tiếp xúc với các chất hóa học trong nước hoặc không khí. Chính vì vậy, hôm nay Felo xin gửi đến mọi người các cách để bảo quản trang sức bạc yêu thích của mình luôn long lanh như mới nhé!

Khi đi tắm, giặt hay đi bơi hoặc các hoạt động thể thao, lúc đổ nhiều mồ hôi cũng nên tháo đồ trang sức ra để tránh các tác nhân làm ảnh hưởng đến món trang sức. Đeo trang sức bạc sau khi đã trang điểm hoặc dùng các loại xịt tóc, nước hoa. v.v…

Bảo quản nơi khô ráo

Bảo quản bạc nơi khô ráo có thể cất trong các hộp có nắp che. Ảnh: etsy.com

“Bảo quan nơi khô ráo, thoáng mát…” – Là khuyến cáo mà có lẽ bạn thấy trên rất rất nhiều các đồ dùng, sản phẩm. Và trang sức bạc cũng không ngoại lệ. Do các môi trường ẩm ướt thường tồn tại nhiều loại hóa chất có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng trang sức của bạn. Lời khuyên của chúng tôi đó là giữ cho bạc luôn khô ráo bằng cách tháo ra khi bạn: Đi tắm, đi bơi ở bể bơi hay các suối nước nóng,… Các tác nhân này đều có thể đẩy nhanh quá trình oxy hóa món trang sức của bạn. Thực tế thì nếu như bạn đeo bạc nguyên chất (hay bạc ta) thì “sức chịu đựng” còn tạm chấp nhận được. Nếu như là các loại bạc xi hay bạc 925,… thì khả năng  bị xỉn màu, bay màu sẽ “dễ xảy ra” hơn.

Tránh để trang sức bạc tiếp xúc với hóa chất

Minh họa các hóa chất tẩy rửa. Ảnh: sixcleversisters.com

Như đã nêu ở phần đầu, so với các kim loại làm đồ trang sức khác như: vàng, bạch kim,… thì bạc là dễ bị oxi hóa cũng như xỉn màu khi tiếp xúc với các chất hóa học. Ví dụ như: clo trong thuốc tẩy rửa, dung dịch axeton (thường dùng trong tẩy sơn móng tay của chị em), các hóa chất trong nước hoa chúng ta vẫn hay dùng, mỹ phẩm trang điểm, keo xịt tóc, hay cả xà phòng, thuốc nhuộm, v.v…

Những hóa chất kể trên có thể sẽ nhanh chóng làm trang sức bạc bị ăn mòn, hư hại, bị hoen ố hoặc giảm độ bóng, sáng không còn như lúc ban đầu. Vì thế, chúng ta cần phải nhớ là tránh để trang sức bạc tiếp xúc với các loại hóa chất hoặc đeo găng tay khi sử dụng các loại hóa chất tẩy rửa hay tháo trang sức ra trước khi làm những việc liên quan đến hóa chất.

Không nên đeo chung trang sức bạc với nhiều loại trang sức khác

Sự va chạm và cọ xát có thể sẽ khiến trang sức bị bong lớp mạ bên ngoài. Ảnh: etsy.com

Khi đeo trang sức bạc cùng các với các đồ trang sức khác, sự va chạm và cọ xát có thể sẽ khiến trang sức bị mài mòn hay biến dạng, đặc biệt là với bạc xi sẽ rất dễ khiến chúng bị cọ xát vào nhau làm bỏng lớp xi bên ngoài. Hơn nữa, bản thân mình thấy khi đeo một trang sức bạc đã tôn lên vẻ đẹp của chúng ta rồi. Việc đeo thêm nhiều loại trang sức trên cùng một vị trí có thể gây ra vướng víu, rối ren, rất khó để hài hòa. Cho nên, tốt nhất là chỉ nên dùng một trang sức bạc cho một vị trí thôi các bạn nhé!

Bảo quản bằng cách để riêng các đồ trang sức bạc

Bảo quản bằng cách để riêng các loại trang sức giúp dễ phân loại. Ảnh: containerstore.com

Một thói quen mà chúng ta vẫn hay mắc phải đó là khi không sử dụng trang sức bạc nữa, ta thường chỉ tháo ra để bên ngoài không khí hoặc để chung các loại trang sức với nhau (lẫn lộn bạc 925 với bạc Thái chẳng hạn).

Nếu ta để trang sức bạc bên ngoài không khí, nó sẽ rất dễ bị nhiễm bụi bẩn là một, không khí ẩm ướt hay có thể nhiễm các loại khí độc. Từ đó, món trang sức của chúng ta sẽ dễ bị oxy hóa hoặc ố màu, xỉn màu, giảm tuổi thọ cũng như thẩm mỹ của món đồ. Để hớ hênh bên ngoài có khi còn dễ mất nữa ấy chứ!

Nếu ta để chung các món trang sức cùng một chỗ với nhau mà không phân loại hay cất riêng: Thứ nhất là khó khăn khi tìm kiếm, lấy ra. Thứ hai là những món đồ để chung có thể cọ sát vào nhau gây trầy xước, rối vào nhau hoặc món đồ bị oxy hóa sẽ lây lan, ảnh hưởng sang món đồ khác.

Chính vì thế, cách tốt nhất vẫn là nên “Cất khi không sử dụng” (đi ngủ cũng nên tháo ra để tránh đè lên hoặc làm đứt, gẫy trang sức) và cất từng loại trang sức trong các ngăn riêng trong hộp, kín, có lót mút xốp mềm nữa thì các tốt hoặc trong các túi nhựa mềm mại, kín khí. Mặc dù có thể hơi bất tiện một chút với mỗi lần tháo ra cất đi rồi lại lấy ra đeo lại nhưng việc đeo trang sức cả ngày 24/24 cũng sẽ không tốt cho sức khỏe mà lại còn giảm độ bền của trang sức nữa.

Thường xuyên vệ sinh trang sức bạc

Vệ sinh thường xuyên giúp trang sức luôn sạch sẽ. Ảnh: eHow

Đói thì cần phải ăn, buồn ngủ thì phải đi ngủ, “muốn khỏe đẹp thì phải tập thể thao”. Tương tự, để trang sức luôn đẹp lung linh như mới ta cũng phải vệ sinh cho nó thường xuyên. Bởi hàng ngày trang sức chịu biết bao tác nhân từ môi trường, không khí ẩm, bụi bẩn,… chúng cũng cần được “chăm sóc, tắm rửa” một cách định kỳ để được “khỏe mạnh dài lâu”.

Với các loại trang sức bạc trơn thì ta có thể dùng các dung dịch như: soda, dấm loãng ấm, nước chanh muối ấm, nước xà phòng dịu nhẹ của trẻ em (không có chất tẩy),… để ngâm trang sức trong ít phút rồi lấy ra rửa lại bằng nước sạch và lau khô nhẹ nhàng. Đây cũng là một trong các cách làm sáng bạc rất phổ biến.

Với các loại trang sức có các chi tiết tinh xảo, phức tạp hay đính đá, hạt,… ngoài cách trên, ta có thể dùng kem đánh răng thoa lên bề mặt trang sức rồi lấy bàn chải lông mềm chải sạch các vết xỉn, ố rồi rửa lại bằng nước sạch và lau khô thật “dịu dàng”.

Với các loại bạc xi thì chỉ nên rửa sạch với nước sạch bởi các loại chất hóa học hay tẩy rửa như baking soda có thể làm ảnh hưởng đến lớp xi bên ngoài.

Đặc biệt lưu ý khi lau khô phải dùng khăn vải cotton hoặc vải flannel sạch, mềm mại hoặc loại vải đặc biệt để đánh bóng bạc được bán tại các cửa hàng chuyên dụng. Tuyệt đối không nên rửa trang sức bạc bằng các axit hoặc chất tẩy rửa vì các dung dịch này sẽ nhanh chóng làm hỏng bạc.

Mạ Rhodium hoặc mua trang sức có mạ Rhodium

Trang sức mạ rhodium màu trắng sáng (do độ phản chiếu ánh sáng cực cao). Ảnh: Hayneedle

Cách bảo quản tiếp theo là mạ Rhodium cho trang sức của mình (hay còn gọi là bạc xi Rhodium). Rhodium là một kim loại quý hiếm, cứng, màu trắng sáng (do độ phản chiếu ánh sáng cực cao) và đắt tiền bậc nhất thế giới. Thêm một đặc tính là gần như không phản ứng với các chất hóa học (trừ axit sunfuric) nên trang sức mạ Rhodium rất khó bị xỉn màu, luôn giữ được màu trắng sáng “chói lóa”. Tuy nhiên, bạn vẫn cần phải giữ gìn vì, nếu cọ sát và ma sát nhiều vẫn sẽ làm ảnh hưởng đến lớp mạ Rhodium bên ngoài. Đương nhiên là vì giá thành khá cao cho nên, nếu bạn đủ điều kiện thì hãy sắp cho mình những món trang sức bạc có mạ Rhodium vì nó thực sự tuyệt vời.

Khi nào nên tháo trang sức để bảo quản?

Không nên đeo trang sức 24/24. Ảnh: LightInTheBox

Và điều cuối cùng, Felo muốn chia sẻ cho các bạn đó là: “Hàng dễ vỡ, xin nhẹ tay”. Trang sức bạc không phải là món trang sức cục mịch, rắn chắc (bạc nguyên chất rất dễ bị móp méo). Việc tác động những ngoại lực lớn từ bên ngoài có thể dễ dàng làm trầy xước, đứt gãy, biến dạng chúng. Vì vậy, khi chúng ta làm việc nặng (nâng, bê, vác nặng), hay sử dụng các hoạt động dùng lực lớn (cào cấu, đấm, đá, đánh nhau,…) cũng không nên đeo đồ trang sức để giữ gìn một cách tốt nhất. Các động tác: ném, quăng, giật, va, đập,… đều là sự bất cần (“hành vi ngược đãi”) với món trang sức của bạn. Tốt nhất là nên tháo ra cả khi: Tập thể dục thể thao hay lúc trang điểm, nấu ăn, đi biển… nữa.

Vậy là qua bài viết vừa rồi, Felo hy vọng đã giúp cho các bạn trang bị cho mình được những thông tin quan trọng cũng như các cách bảo quản trang sức bạc đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện nhất.

Của bền tại người, nếu như chúng ta đã yêu thích và trân trọng những món trang sức nói chung và trang sức bạc nói riêng, Felo mong rằng các bạn sẽ áp dụng các phương pháp này hiệu quả như một người thợ kim hoàn thứ thiệt (ý này hơi “nổ” tý) để bảo quản và giữ gìn cho những món đồ trang sức bạc luôn luôn lung linh, đẹp đẽ giống như mới.